Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hầu như bất cứ mẹ bầu nào khi đi khám thai cũng đều được đề nghị đo chỉ số AFI - chỉ số nước ối để theo dõi lượng nước ối của mình ra sao, đề phòng trường hợp thiếu hoặc dư nước ối khi mang thai. Đặc biệt tình trạng thai 31 tuần đa ối hay đa ối tuần 32, dư ối tuần 35 đều ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi và mẹ.
1. Đa ối là gì?
Nước ối là dung dịch bao gồm nước tiểu, dịch tiết từ phổi thai nhi, từ hệ thống tuần hoàn của mẹ, từ nội sản mạc và được khuếch tán qua dây rốn. Nước ối giúp tái tạo năng lượng, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của thai nhi. Giúp thai nhi tránh được sự chèn ép quá mức do cơ tử cung và bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài.Thông thường, lượng nước ối có các mức độ đánh giá khác nhau:
- Từ 16 - 32 tuần tuổi: Nước ối được cho là bình thường nếu đạt 250 - 600ml
- Từ 34 tuần tuổi nước ối sẽ lên khoảng 800ml và duy trì đến khi thai nhi 36 tuần tuổi sẽ đạt mức cao nhất là 1000ml.
Sau đó, nước ối sẽ giảm dần còn khoảng 600 - 800ml vào khoảng thời gian trước khi chuyển dạ.Tuy nhiên khi có một số bất thường xảy ra đối với sản phụ, khiến mực nước ối nhiều hơn mức bình thường từ hai đến ba lần, tình trạng này gọi là dư nước ối khi mang thai.
1.1 Nguyên nhân dư nước ối khi mang thai
Tình trạng đa ối ở phụ nữ mang thai thường bắt nguồn từ 4 nguyên nhân chính:
Người mẹ mắc bệnh tiểu đường: Theo thống kê có đến 10% thai phụ bị tiểu đường thai kỳ, điều này có thể dẫn đến hiện tượng đa ối khi mang thai. Những người mẹ bị tiểu đường cũng có nguy cơ sinh con to.
- Mẹ mang song thai hoặc đa thai: Việc mang nhiều thai khi có thể khiến sự trao đổi chất giữa hai bào thai không được cân bằng, một bào thai có nhiều nước ối trong khi bào thai kia lại ít nước ối hơn.
- Bất thường ở bào thai: Thai nhi ngừng nuốt nước ối dẫn tới hiện tượng đa ối. Thông thường tình trạng này xuất hiện khi thai nhi bị các dị tật như: Hở hàm ếch, hẹp môn vị...
- Các yếu tố khác: Một số yếu tố làm gia tăng tình trạng đa ối là thiếu máu hoặc nhiễm trùng bào thai, nhóm máu giữa mẹ và bé bất đồng...
Lưu ý: Thông thường các mẹ bầu sẽ bị đa ối ở tuần thứ 30 trở đi (ví dụ: Đa ối tuần 32, đa ối tuần 35..), tuy nhiên cũng có một số thai phụ bị đa ối ở ngay tuần thứ 20 của thai kỳ.
1.2 Đa ối có nguy hiểm không?
Tình trạng đa ối nếu nghiêm trọng có thể gây ra tử vong cho thai nhi. Ngoài ra, đa ối ở tuần thai 31-35 có thể gia tăng một số nguy cơ như:
- Sinh non: Nếu lượng chất lỏng trong bụng mẹ quá lớn, tác động đến khả năng chịu đựng của cổ tử cung thì có thể dẫn tới vỡ màng ối sớm, sinh non.
- Sinh ngược: Tình trạng nước ối nhiều khiến trẻ khó chuyển đầu ngược xuống trong những tuần cuối thai kỳ. Mẹ có thể được chỉ định sinh mổ can thiệp và có thêm rủi ro hơn so với sinh ngả âm đạo như bình thường.
- Chảy máu âm đạo và các biến chứng khác liên quan đến tử cung của người mẹ (băng huyết sau sinh). Nguyên nhân là do tử cung bị giảm lực đàn hồi và không thể co lại hoàn toàn như thông thường.
2. Phương thức chẩn đoán và điều trị
Khi nghi ngờ mình có dấu hiệu bị dư nước ối khi mang thai, việc đầu tiên bạn cần phải làm đó là đến gặp bác sĩ để kiểm tra và chẩn đoán chính xác mức độ đa ối thai kỳ. Bạn có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm như: Xét nghiệm đường máu, siêu âm, xét nghiệm nhiễm sắc thể,... để có cơ sở phát hiện ra những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của mẹ và thai nhi.Nếu bạn bị đa ối tuần 32 trở đi, cách tốt nhất là bạn nên duy trì khám thai 2 tuần 1 lần, đến khi thai 36 tuần thì rút ngắn lại còn mỗi tuần 1 lần. Nếu bị mắc tiểu đường thai kỳ, bạn nên khám và đo tim thai đều đặn 2 lần trong tuần.Nếu đã xác định được nguyên nhân, tình trạng dư nước ối khi mang thai, tùy vào các mức độ các bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp.
Các bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu chuyển dạ sớm để đề nghị thai phụ nhập viện trước kỳ hạn. Trong một số trường hợp thai phụ sẽ được chỉ định mổ đẻ (ví dụ như thai đôi, thai nhi nằm ngang tử cung, thai nhi không nằm ở một tư thế nào cụ thể...)
Nhìn chung, người mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi hầu hết các thai phụ bị dư nước ối đều sinh con khỏe mạnh, đặc biệt nếu tình trạng ở thể nhẹ. Điều quan trọng nhất là các mẹ bầu cần chú ý theo dõi tình hình sức khỏe của mình tuần 31-35 thai kỳ trở đi để sớm có phương pháp phòng ngừa hoặc điều trị phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.