Đột quỵ do nhiệt và kiệt sức do nhiệt ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa- Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ em dễ bị nóng hơn người lớn, chúng có nguy cơ bị kiệt sức do nhiệt hoặc đột quỵ do nhiệt. Để ngăn ngừa những tình trạng nguy hiểm này, bạn cần giữ cho bé được mát mẻ trong thời tiết nóng bức, và không bao giờ để con bạn ngồi trong xe ô tô đang đậu dưới trời nắng. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu tăng thân nhiệt hãy thực hiện các bước để hạ nhiệt và đưa trẻ đến bệnh viện.

1. Tăng thân nhiệt và đột quỵ do nhiệt là gì?

Tăng thân nhiệt: là sự tăng nhiệt độ cơ thể lên trên mức bình thường từ 36 - 37,5 oC do cơ thể không điều hòa thân nhiệt được. Say nắng là một trong những biểu hiện lâm sàng của chứng tăng thân nhiệt do tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ môi trường. Đột quỵ do nhiệt là bệnh nặng nhất liên quan đến tăng thân nhiệt và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trái ngược với tăng thân nhiệt, sốt là phản ứng của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm. Sốt được gây ra bởi sự hoạt hóa cytokine, được điều chỉnh ở vùng dưới đồi, và là một phản ứng bình thường của cơ thể.

Đột quỵ do nhiệt: đột quỵ do nhiệt xảy ra ở những bệnh nhân tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao khiến cho nhiệt độ cơ thể lên đến 40oC, thậm chí có thể cao hơn nữa kèm theo rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Về cơ bản, nhiệt độ cơ thể tăng lên trong khi khả năng làm mát của cơ thể bị suy giảm.

Đột quỵ do nhiệt được phân loại thành hai loại sau:

  • Đột quỵ do nhiệt cổ điển: là tình trạng đột quỵ do nhiệt phát sinh do bệnh nhân tiếp xúc với nhiệt của môi trường. Loại đột quỵ do nhiệt này thường gặp ở trẻ nhỏ do mải chơi hoặc không thể thoát khỏi môi trường nắng nóng và những người có bệnh lý mãn tính tiềm ẩn làm giảm khả năng điều nhiệt.
  • Đột quỵ do nhiệt quá sức: là tình trạng đột quỵ do nhiệt xảy ra do việc tập thể dục nặng trong thời gian dài ở môi trường có nhiệt độ cao và độ ẩm thấp. Tình trạng này thường xảy ra ở những người trẻ tuổi, bệnh nhân điển hình là các vận động viên, đặc biệt là các cầu thủ bóng đá.

Trẻ em dễ bị say nắng nếu chơi ở ngoài trời quá lâu, trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt nếu trẻ bị mất nước hoặc mặc quần áo quá ấm sẽ rất dễ bị say nắng.

Trẻ cũng có thể bị say nóng do ngồi trong xe hơi đậu dưới trời nắng nóng. Do đó không bao giờ để trẻ trong một chiếc ô tô đang đậu, dù chỉ trong chốc lát. Bởi đột quỵ do nhiệt có thể xảy ra trong vòng vài phút vì nhiệt độ bên trong có thể tăng lên nhanh chóng và cao hơn nhiệt độ bên ngoài rất nhiều.


Để trẻ chơi quá lâu dưới ánh nắng có thể gây say nắng, tăng nhiệt độ
Để trẻ chơi quá lâu dưới ánh nắng có thể gây say nắng, tăng nhiệt độ

2. Vì sao trẻ em dễ bị tăng thân nhiệt và đột quỵ do nhiệt?

Nhiệt độ cơ thể chúng ta được duy trì trong phạm vi hẹp bằng cách cân bằng giữa quá trình sinh nhiệt và tản nhiệt. Quá trình sinh nhiệt của cơ thể là kết quả của cả quá trình trao đổi chất và hấp thu nhiệt từ môi trường. Khi nhiệt độ bên trong cơ thể tăng lên, vùng dưới đồi sẽ kích thích hệ thần kinh tự chủ để cơ thể tiết ra mồ hôi và giãn mạch ngoài da để giảm nhiệt độ cơ thể.

Trẻ em có nhiều nguy cơ mắc bệnh nhiệt hơn do các đặc điểm giải phẫu và sinh lý sau:

  • Sự sản sinh nhiệt: trẻ em tạo ra nhiều nhiệt do quá trình trao đổi chất nhiều hơn vì chúng có tốc độ trao đổi chất cơ bản cao hơn người lớn.
  • Diện tích bề mặt cơ thể: Trẻ nhỏ có tỷ lệ diện tích bề mặt/khối lượng lớn hơn người lớn, dẫn đến tốc độ hấp thụ nhiệt lớn hơn trong môi trường nắng nóng.
  • Tuần hoàn máu: trẻ em có thể tích máu tuyệt đối nhỏ hơn người lớn, điều này làm hạn chế khả năng truyền nhiệt do máu từ bên trong cơ thể ra bề mặt da, nơi có thể tản nhiệt ra ngoài. Ngoài ra, trẻ em có cung lượng tim thấp hơn người lớn nếu xét cùng một tỷ lệ trao đổi chất, do đó trẻ bị hạn chế hơn nữa việc tản nhiệt khi vận động.
  • Sản xuất mồ hôi: trẻ em có tỷ lệ đổ mồ hôi thấp hơn người lớn và bắt đầu đổ mồ hôi ở nhiệt độ cơ thể cao hơn.
  • Bổ sung nước: nếu trẻ không được chăm sóc thích hợp, trẻ em có nhiều khả năng không được bổ sung nước đầy đủ, trong khi bị mất nhiều mồ hôi do vận động kéo dài.
  • Thích nghi: những thay đổi sinh lý dẫn đến tăng khả năng chịu nhiệt bao gồm: tăng tốc độ đổ mồ hôi, ngưỡng nhiệt độ thấp hơn để đổ mồ hôi, giảm thất thoát điện giải trong mồ hôi, nhịp tim thấp hơn, tăng sản xuất aldosteron với giảm natri niệu, nhiệt độ bên trong và da thấp hơn. Trẻ em đạt được những thích nghi này với môi trường nóng chậm hơn so với người lớn.

Vì những yếu tố trên, trẻ em dễ bị tăng thân nhiệt và đột quỵ do nhiệt hơn người lớn.


Trẻ em rất dễ bị tăng thân nhiệt và đột quỵ do nhiệt
Trẻ em rất dễ bị tăng thân nhiệt và đột quỵ do nhiệt

3. Sự khác biệt giữa say nắng và kiệt sức vì nóng là gì?

Say nắng và kiệt sức vì nóng đều thuộc loại bệnh nhiệt và cả hai đều xảy ra khi cơ thể không thể tự làm mát được. Kiệt sức do nhiệt nhẹ hơn say nắng và thường có thể được chăm sóc bằng cách đưa trẻ ra khỏi chỗ nóng và làm mát cơ thể. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, tình trạng kiệt sức do nóng có thể tiến triển thành đột quỵ do nhiệt (say nắng), khi đó bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

4. Các triệu chứng của kiệt sức do nhiệt và đột quỵ do nhiệt ở trẻ em

4.1. Các triệu chứng của kiệt sức do nhiệt ở trẻ em

Trẻ bị kiệt sức do nắng nóng có thể có các triệu chứng sau đây:

  • Trẻ khát nước bất thường hoặc mệt mỏi.
  • Da trẻ ẩm, mát
  • Trẻ bị chuột rút chân
  • Trẻ bị đau đầu.
  • Trẻ bị chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Trẻ buồn nôn và/hoặc nôn mửa
  • Nhiệt độ cơ thể trẻ dưới 40oC.

Chóng mặt là một triệu chứng của kiệt sức do nhiệt
Chóng mặt là một triệu chứng của kiệt sức do nhiệt

4.2. Các triệu chứng của đột quỵ do nhiệt ở trẻ em

Các triệu chứng đột quỵ do nhiệt phần lớn trùng lặp với các triệu chứng của kiệt sức do nhiệt. Nhưng nếu tình trạng kiệt sức do nhiệt của trẻ tiến triển thành đột quỵ do nhiệt (say nắng) thì trẻ cũng có thể có các biểu hiện sau:

  • Nhiệt độ cơ thể từ 40oC trở lên nhưng thường không đổ mồ hôi.
  • Da trẻ nóng, đỏ, khô.
  • Mạch nhanh.
  • Trẻ bồn chồn.
  • Trẻ có biểu hiện lơ mơ
  • Trẻ có thể xuất hiện ảo giác
  • Trẻ đi lại khó khăn
  • Trẻ có thể bị co giật
  • Trẻ thở nhanh, nông.
  • Trẻ có thể rơi vào trạng thái hôn mê.
  • Trẻ mất nhận thức
  • Trẻ nôn mửa
  • Trẻ có thể bị tiêu chảy.
  • Trẻ bị sốc.

5. Cần phải làm gì khi phát hiện trẻ bị kiệt sức do nhiệt và đột quỵ do nhiệt?

5.1. Cách xử trí khi phát hiện trẻ bị kiệt sức do nhiệt

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu kiệt sức vì nhiệt nhưng chưa tiến triển thành say nắng, bạn cần làm ngay các việc sau đây:

  • Nhanh chóng đưa trẻ vào trong nhà, vào phòng điều hòa nếu có.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa ông thức. Nếu trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, hãy cho trẻ uống từng ngụm nước hoặc dung dịch điện giải dành cho trẻ em. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cách sử dụng cho phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ.
  • Tắm mát cho trẻ.
  • Cho trẻ ở trần.

Nếu bạn đã làm các biện pháp trên nhưng bé không cải thiện nhanh chóng, trở nên tồi tệ hơn hoặc có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.


Có thể tắm cho trẻ khi trẻ bị kiệt sức do nhiệt
Có thể tắm cho trẻ khi trẻ bị kiệt sức do nhiệt

5.2. Cách xử trí khi phát hiện trẻ bị đột quỵ do nhiệt

Nếu phát hiện trẻ bị đột quỵ do nhiệt (say nắng), bạn cần gọi điện cấp cứu ngay. Trong khi chờ đời xe cấp cứu đến, bạn cần làm các việc sau đây:

  • Đặt trẻ xuống một khu vực mát mẻ. Nếu bạn đang ở bên ngoài, hãy tìm bóng râm, nhưng nếu có thể, hãy cho trẻ vào phòng mát.
  • Nhanh chóng cởi quần áo cho trẻ, để trẻ ở trần hoàn toàn.
  • Hãy nhẹ nhàng dùng khăn nhúng nước mát xoa nhẹ lên cơ thể trẻ.
  • Hãy nói chuyện trấn an để trẻ bình tĩnh.
  • Tuyệt đối không cho trẻ ăn hoặc uống: nếu trẻ bị đột quỵ do nhiệt, cơ thể trẻ sẽ không thể tiêu hóa thức ăn hoặc xử lý chất lỏng được.
  • Không dùng thuốc hạ sốt: thuốc dùng để điều trị sốt sẽ không thể làm hạ nhiệt độ cơ thể tăng cao do say nắng, thậm chí nó có thể gây tổn thương bên trong.

Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ kiểm tra nhiệt độ của trẻ và thực hiện các bước để hạ nhiệt độ cho trẻ càng nhanh càng tốt. Bác sĩ có thể tiến hành tắm nước đá trong khi theo dõi cẩn thận các chỉ số của bé. Bạn không nên cho trẻ tắm nước đá ở nhà, bởi việc tắm quá lạnh cho trẻ có thể khiến thân nhiệt của trẻ giảm thấp gây nguy hiểm.

Các cơ quan trong cơ thể trẻ có thể bị tổn thương khi nhiệt độ cơ thể bé lên trên 400C. Để đảm bảo điều này không xảy ra, bác sĩ sẽ tiến hành làm một số xét nghiệm cho trẻ bao gồm:


Xét nghiệm máu giúp xác định các cơ quan bị tổn thương do nhiệt cơ thể tăng cao
Xét nghiệm máu giúp xác định các cơ quan bị tổn thương do nhiệt cơ thể tăng cao

6. Các biện pháp phòng tránh đột quỵ do nhiệt và kiệt sức do nắng nóng ở trẻ em

Bạn có thể giúp trẻ phòng tránh tình trạng kiệt sức do nắng nóng và đột quỵ do nhiệt bằng các biện pháp sau đây:

  • Không bao giờ để trẻ trong xe ô tô đang đậu dù chỉ trong giây lát, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng.
  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi khi thời tiết nắng nóng.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn trong những ngày nắng nóng.
  • Cố gắng cho trẻ chơi ở khu vực có bóng râm khi ra ngoài.
  • Khi trời nắng nóng, hãy giữ trẻ chơi trong nhà.
  • Kiểm tra xem trẻ có giữ bình tĩnh khi ngồi trong xe không.
  • Nếu nhà bạn rất nóng và bạn không có điều hòa, hãy cho trẻ đến thư viện hoặc trung tâm mua sắm hoặc những nơi sinh hoạt cộng đồng có điều hòa.

Trẻ em dễ bị tăng thân nhiệt và dễ bị đột quỵ do nhiệt hơn người lớn. Chính vì vậy, trong những ngày hè nắng nóng, hãy bảo vệ con bạn khỏi ánh nắng mặt trời cũng như nhiệt độ môi trường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Uptodate.com; Babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe