Đột quỵ - Biến chứng nguy hiểm của dị dạng mạch máu não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh.

Với những người bị đau đầu thường xuyên, có dấu hiệu hoa mắt chóng mặt, cần đi kiểm tra vì có thể bị dị dạng mạch máu não - căn bệnh gây đột quỵ rất nhanh.

1. Bệnh dị dạng mạch máu não

Dị dạng mạch máu não là một căn bệnh bẩm sinh, phát triển từ tuần thứ tư đến tuần thứ tám của thai kỳ khiến động mạch thông nối trực tiếp với tĩnh mạch không qua mạng lưới mao mạch trung gian, vì vậy đa phần dị dạng mạch máu não có thể tồn tại lâu trong não mà ít có triệu chứng gì.

Dị dạng mạch máu não phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 45 trở xuống trong 3 tình huống: chảy máu não (50-60%); đau đầu, động kinh (40-45%) hoặc tình cờ phát hiện (5-10%). Một số bệnh nhân được phát hiện bệnh khá muộn (60-70 tuổi).

Ước tính tỷ lệ người mắc dị dạng mạch máu não là 18 trong 100.000 dân.

2. Biến chứng nguy hiểm của dị dạng mạch máu não

Biến chứng dị dạng mạch máu não gồm:

  • Khi chưa vỡ: Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có những cơn co giật kiểu động kinh. Những trường hợp kích thước tổn thương dị dạng lớn có thể gây chèn ép não và thiếu máu não gây bại liệt tay chân... Tuy nhiên bệnh có thể không có triệu chứng gì, chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hoặc chụp mạch não.
  • Khi bị vỡ: Ðây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh, nó sẽ gây đột quỵ não chảy máu não, thường chảy máu trong nhu mô não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp, rất hiếm khi chảy máu dưới nhện. Triệu chứng đột ngột, cấp tính với mức độ nặng nhẹ khác nhau với các biểu hiện như đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, bại liệt nửa người, nói khó hoặc không nói được...

Khoảng 2/3 số trường hợp mắc bệnh này sẽ bị đột quỵ trước tuổi 40. Mỗi năm, khoảng 4 trong số 100 người có dị dạng mạch máu não sẽ bị xuất huyết. Khi bị xuất huyết có nguy cơ 15-20% nguy cơ tử vong hay đột quỵ, 30% mắc bệnh thần kinh, 10% tử vong.


Hình ảnh dị dạng mạch máu não
Hình ảnh dị dạng mạch máu não

3. Cần làm gì khi bệnh nhân bị đột quỵ và phát hiện vỡ dị dạng mạch máu não?

Mỗi dạng đột quỵ não được chẩn đoán và điều trị theo một cách khác nhau. Bệnh nhân có biểu hiện bị đột quỵ não cần được đưa ngay đến bệnh viện tuyến trên gần nhất để được khám xét, xử trí cấp cứu rối loạn hô hấp, tim mạch và chụp CT não cấp cứu.

Nếu có chảy máu não, các bác sĩ sẽ xác định loại chảy máu não và dự đoán nguyên nhân để có hướng xử lý đúng, kịp thời. Nếu chảy máu nhu mô não do vỡ các mạch nhỏ trên bệnh nhân tăng huyết áp, vữa xơ động mạch thì sẽ không phải chụp mạch máu não.

Ngược lại, nếu nghĩ đến chảy máu do bệnh của mạch máu não thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên càng sớm càng tốt để chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) và can thiệp điều trị cấp cứu.

Kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền đã giúp cho các bác sĩ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị được chính xác các bệnh lý nghiêm trọng trong lĩnh vực thần kinh, lên kế hoạch giải phẫu và giúp xác định chính xác các vị trí tổn thương bên trong cơ thể.

Nhờ có máy DSA này, khá nhiều trường hợp bệnh lý thần kinh, đặc biệt là mạch máu não đã được xác định chẩn đoán rõ ràng và được can thiệp nhanh chóng, kịp trong khoảng thời gian vàng nên đã được cứu sống.

4. Phương pháp điều trị dị dạng mạch máu não


Bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị tốt nhất phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân
Bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị tốt nhất phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân

Bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị tốt nhất phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và điều này sẽ được xác định bởi kích thước của dị dạng và vị trí của nó. Có 3 phương pháp điều trị gồm:

Gây tắc nội mạch (Endovascular embolization)

Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống dài, mỏng vào động mạch ở bẹn và luồn qua các mạch máu đến não dưới sự chỉ dẫn của hình ảnh X quang. Ống thông được đặt ở một trong các động mạch nuôi dưỡng đến mạch máu bị dị dạng và tiêm chất làm thuyên tắc như các hạt nhỏ, chất giống như keo, microcoils hoặc các vật liệu khác, để chặn động mạch và giảm lưu lượng máu vào mạch máu bị dị dạng, gây tắc nội mạch ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống. Nó có thể được thực hiện một mình, nhưng thường được sử dụng trước các phương pháp điều trị phẫu thuật khác để làm cho thủ thuật an toàn hơn bằng cách giảm kích thước của mạch máu bị dị dạng hoặc giảm khả năng chảy máu.

Những dị dạng lớn hơn và cấu trúc phức tạp thường được điều trị phối hợp các phương pháp. Với các trường hợp này, các bác sĩ thường nút mạch trước để làm giảm bớt kích thước dị dạng, sau đó phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật tia xạ.

Tùy tình trạng toàn thân và tổn thương của mỗi bệnh nhân, phương pháp và kế hoạch điều trị sẽ được lựa chọn một cách phù hợp nhất.

Điều trị bức xạ (Gamma Knife)

Cách này còn được gọi là phẫu thuật bức xạ hoặc xạ phẫu. Một chùm tia X hẹp tập trung vào dị dạng sao cho liều cao nhắm vào dị dạng động tĩnh mạch não và phần còn lại của não chịu liều thấp hơn nhiều. Bức xạ này làm cho dị dạng mạch não co và đóng lại trong khoảng thời gian 2-3 năm ở 80% bệnh nhân. Nguy cơ biến chứng của thủ thuật này thấp. Cho đến khi dị dạng mạch máu não được đóng hoàn toàn thì nguy cơ chảy máu vẫn còn.

Phẫu thuật

Đây là phương pháp lâu đời nhất để điều trị dị dạng mạch máu não. Dị tật được cắt bỏ trong phòng phẫu thuật bằng cách gây mê toàn thân. Mở hộp sọ, kẹp và cắt các mạch máu dị dạng. Thường áp dụng khi khối dị dạng vỡ gây máu tụ nội sọ hoặc khối dị dạng lớn gây dấu hiệu thần kinh khu trú. Những rủi ro của phẫu thuật thường cao đối với dị dạng mạch máu não nằm ở sâu trong não nơi có các chức năng quan trọng.

Bên cạnh đó có một lựa chọn khác là không làm gì cả và chỉ theo dõi bệnh. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên theo dõi nếu họ cảm thấy việc điều trị không an toàn hoặc phát hiện bệnh khi bạn đã lớn tuổi.

Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe