Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh.
Dị dạng mạch máu não thường phát triển từ tuần thứ 4-8 của thai kỳ. Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền và hoạt động kích thích sinh mạch. Dị dạng mạch máu não cũng sẽ làm giảm oxy đến mô não.
1. Dị dạng mạch máu não có nguy hiểm không?
Dị dạng mạch máu não là sự kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể. Các động mạch có trách nhiệm vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến não. Tĩnh mạch mang máu thiếu oxy trở lại phổi và tim. Khi động tĩnh mạch não bị dị dạng sẽ phá vỡ quá trình quan trọng này.
Dị dạng mạch máu não chiếm khoảng 2% của tất cả các cơn đột quỵ xuất huyết mỗi năm và thường là nguyên nhân gây xuất huyết ở trẻ em và thanh niên bị xuất huyết não.
Dị dạng mạch máu não cũng sẽ làm giảm oxy đến mô não. Với dị dạng mạch máu não, máu bỏ qua mạng lưới mao mạch và chảy trực tiếp từ động mạch đến tĩnh mạch. Máu chảy nhanh qua mạch máu vì nó không bị chậm lại bởi các mao mạch, dẫn đến các mô não bao quanh không thể dễ dàng hấp thụ oxy từ máu do chảy nhanh. Không có đủ oxy, các mô não suy yếu hoặc có thể chết hoàn toàn.
2. Các triệu chứng dị dạng mạch máu não
Dị dạng mạch máu não rất nguy hiểm. Khi bị dị dạng mạch máu não, người bệnh sẽ bị xuất huyết não và khiến các động mạch và tĩnh mạch dị dạng trở nên mỏng hoặc yếu và có thể dẫn đến vỡ mạch máu não dị dạng và chảy máu vào não.
Các triệu chứng giống như đột quỵ, nói khó, yếu, tê, giảm thị lực. Dị dạng này cũng khiến mạch máu mỏng hoặc yếu tạo ra phình động mạch, có thể to lên và dễ bị vỡ.
Do sự kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch nên máu lưu thông qua mạch máu dị dạng với áp suất cao và nhanh. Dị dạng mạch máu não gây ra rất nhiều vấn đề mà phổ biến nhất là vỡ mạch máu dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây tăng áp lực nội sọ dẫn đến động kinh, co giật và và nguy cơ đột tử là rất cao.
3. Dị dạng mạch máu não có di truyền?
Đây là một căn bệnh bẩm sinh phát triển từ tuần thứ tư đến tuần thứ tám của thai kỳ khiến động mạch nối trực tiếp với tĩnh mạch không qua mạng lưới mao mạch trung gian vì vậy, đa phần dị dạng mạch máu não có thể tồn tại lâu trong não mà không có bất kỳ triệu chứng gì.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi vì dị dạng mạch máu não có thể liên quan với nhiều yếu tố bao gồm cả tính di truyền và hoạt động kích thích sinh mạch (đây là một quá trình sinh lý, ở đó, những mạch máu mới hình thành từ những mạch máu sẵn có trước) có thể đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của dị dạng mạch máu.
4. Dấu hiệu của bệnh dị dạng mạch máu não
Hầu hết bệnh nhân dị dạng mạch máu não không có triệu chứng, thường bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi đang điều trị một bệnh lý không liên quan.
Dị dạng mạch máu não khi vỡ gây tử vong rất cao và thường gặp sau bệnh phình động mạch não. Tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng khoảng 0.15% - 1.0%, có thể gặp ở độ tuổi 15 - 50, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ.
5. Các phương pháp chẩn đoán dị dạng mạch máu não
- Chụp mạch máu não (DSA): Các bác sĩ có thể thấy chính xác vị trí và kích thước của dị dạng này. Đây được coi là xét nghiệm chính xác nhất.
- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Sử dụng tia X để chụp hình ảnh các phần khác nhau của cơ thể. Chụp CT có thể nhìn thấy một dị dạng mạch máu não, đặc biệt là sau khi thuốc cản quang X-ray được đưa vào.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp tạo ra những hình ảnh có độ chi tiết cao của cơ thể mà không cần chụp X-quang. Chụp động mạch sử dụng “chuỗi xung” được thiết kế đặc biệt để hiển thị các động mạch và tĩnh mạch của não cũng như dị dạng mạch máu não.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.