Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy và Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tỉ lệ mắc các bệnh lý liên quan đến động mạch chủ trên thế giới tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Cụ thể trong 3 thập kỷ qua, tỷ lệ mắc bệnh đã tăng gấp 3 lần
- 1-5% dân số chung được chẩn đoán bệnh
- 4-8% nam giới trong độ tuổi ≥ 60
Khoảng trên 25,000 ca tử vong hàng năm có liên quan đến động mạch chủ được báo cáo hàng năm tại Hoa Kỳ. Nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 13 trong mọi nguyên nhân gây tử vong do bệnh lý
Tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi:
- 4.8% nam giới trong độ tuổi 65-69
- 10.8% nam giới trong độ tuổi 80-83
- 1-2.2% nữ giới
1. Giải phẫu động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch chính và lớn nhất ở cơ thể người, có hình dạng giống như một cây gậy. Phần uốn cong kéo dài lên từ tim phân nhánh thành các nhánh mạch máu cung cấp máu cho đầu và cánh tay. Sau đó, động mạch chủ đi xuống qua ngực và bụng phân chia thành các mạch máu cung cấp máu cho các tạng trong bụng và chân.
Động mạch chủ có hai đoạn:
- Đoạn động mạch chủ ngực:
Động mạch chủ ngực lại chia ra thêm thành các đoạn động mạch chủ lên, quai động mạch chủ và động mạch chủ xuống. Quai động mạch chủ cho ra tất cả các nhánh động mạch cánh tay đầu
- Đoạn động mạch chủ bụng:
Động mạch chủ bụng bao gồm đoạn động mạch chủ trên thận và dưới thận.
Động mạch chủ đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì sự tuần hoàn của máu trong thời kỳ tâm trương sau khi chúng được đẩy vào trong động mạch chủ bởi tâm thất trái trong thời kỳ tâm thu.
Các bệnh động mạch chủ bao gồm:
- Bệnh lý van động mạch chủ: Van ĐMC 2 mảnh, hẹp van ĐMC hoặc hở van ĐMC
- Phình động mạch chủ: Phình động mạch là một chỗ phình ra bất thường ở thành của động mạch chủ. Khối phình này là điểm yếu của động mạch chủ có thể vỡ gây xuất huyết nội đe dọa tính mạng
- Phình bóc tách động mạch chủ: Bóc tách động mạch chủ xảy ra khi các lớp tế bào thành động mạch (lớp áo trong- áo giữa- áo ngoài) bị rách khởi đầu ở nội mạc gọi là điểm vào dòng máu chảy tách lớp áo giữa tạo nên "lòng giả", có thể phát triển lớn lên và vỡ
- Xơ vữa động mạch: Còn được gọi là động mạch bị tắc nghẽn hoặc “xơ cứng động mạch”. Sự tích tụ của cholesterol và chất béo trong thành động mạch cùng với huyết áp cao gây ra xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch nhiều có thể làm tổn thương thành động mạch chủ
- Viêm động mạch chủ: Các bệnh viêm nhiễm, chẳng hạn như viêm động mạch Takayasu, có thể chặn dòng chảy của máu qua động mạch chủ và làm suy yếu thành động mạch chủ.
- Bệnh lý rối loạn mô liên kết: Bệnh nhân mắc hội chứng Marfan, hội chứng Ehler-Danlos và các bệnh rối loạn mô liên kết di truyền khác có thành động mạch chủ yếu nên có thể bị vỡ hoặc rách.
2. Các bệnh động mạch chủ thường gặp
Mặc dù có sức mạnh nhất trong hệ thống mạch máu nhưng khi động mạch chủ có những bất thường như phình, giãn thì rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
Khả năng chun giãn của động mạch chủ đóng góp chủ yếu vào việc duy trì chức năng bình thường của nó. Tuy nhiên, tính chun giãn và căng phồng lên của động mạch chủ giảm đi cùng với tuổi tác. Sự thay đổi này xuất hiện ở những người bình thường. Mất khả năng chun giãn và giãn nở làm tăng áp lực mạch thường thấy ở người lớn tuổi và kéo theo là động mạch chủ dần dần giãn ra. Mất sự chun giãn với tuổi tác sẽ tiến triển nhanh hơn ở người có bệnh tăng huyết áp, tăng cholesterol máu hay bệnh động mạch vành so với những người bình thường. Ngược lại, ở những vận động viên, tính chun giãn của động mạch chủ cao hơn những người cùng lứa tuổi khác.
2.1. Hẹp van động mạch chủ
Hẹp van động mạch chủ có thể xảy ra trong các trường hợp: sau khi mắc bệnh thấp tim, sự calci hoá van dần dần ở người có bệnh van động mạch chủ bẩm sinh hoặc ở người già. Trên 80% bệnh nhân là nam giới.
Khi các lá van hẹp nhẹ dày hoặc thô ráp (xơ hoá van động mạch chủ) hoặc giãn động mạch chủ có thể gây ra tiếng thổi và rung điển hình mà không gây ra rối loạn huyết động rõ rệt.
Ở những trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình, dấu hiệu đặc trưng là tiếng thổi tâm thu ở vùng van động mạch chủ lan lên cổ và xuống mỏm. Trong những ca bệnh nặng, sự phập phồng của thất trái hoặc rung miu có thể sờ thấy rõ rệt, tiếng thứ hai của van động mạch chủ yếu hoặc mất hay có sự tách đôi đảo ngược của tiếng thứ hai.
Bình thường diện tích van là 3-4cm2, khi diện tích van dưới 0,8-1 cm2, thời kỳ tâm thu của tâm thất dài hơn và kiểu nảy chậm và yếu điển hình ở động mạch cảnh, tuy nhiên dấu hiệu này không đáng tin cậy ở những người già bị xơ cứng động mạch nặng. Phì đại thất trái tăng dần, dẫn tới tăng áp lực tâm trương. Cung lượng tim vẫn được duy trì cho tới khi van bị hẹp nặng, với diện tích lỗ van dưới 0,8cm2. Bệnh nhân có thể có suy thất trái, đau ngực hoặc ngất. Triệu chứng suy thất trái có thể tiến triển dần dần.
2.2. Phình động mạch chủ
Phình động mạch chủ bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm hoặc chụp phim cắt lớp vi tính. Tiêu chuẩn chẩn đoán phình động mạch chủ khi một đoạn động mạch chủ giãn ra ít nhất gấp 1,5 lần kích thước bình thường của nó.
Triệu chứng đau vùng bụng, đau thường khu trú tại vùng hạ vị hay phía sau lưng. Cảm giác đau thường liên tục, bứt rứt kéo dài hàng giờ đến nhiều ngày. Ngược lại với đau cơ xương vùng lưng, vận động không ảnh hưởng đến cảm giác đau do phình, mặc dù ở một tư thế nhất định nào đó có thể người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
Việc xuất hiện những cơn đau mới hay đau tăng lên thường xuất hiện đột ngột có thể báo trước sự giãn thêm ra hoặc đe dọa vỡ phình. Cơn đau trong phình động mạch chủ có đặc điểm như: đau liên miên không dứt, dữ dội và khu trú ở sau lưng hay phần bụng dưới. Cảm giác đau có thể lan xuống vùng bẹn, ra vùng hông, hay xuống chân. Vỡ phình thực sự kèm theo một cơn đau lưng đột ngột cùng với đau bụng và bụng căng cứng. Hầu hết các bệnh nhân đều có một khối, có thể sờ thấy ở bụng và đập theo nhịp tim kèm theo tụt huyết áp được xem là biểu hiện đặc trưng của phình động mạch chủ bụng.
Phình động mạch chủ bụng có các dấu hiệu dọa vỡ, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội, tương tự như những tình trạng bệnh lý cấp tính ở bụng khác như cơn đau quặn thận, viêm ruột thừa, hay xuất huyết dạ dày - ruột.
Choáng mất máu và các biến chứng của vỡ phình động mạch chủ có thể xảy ra nhanh chóng. Chảy máu sau phúc mạc có thể biểu hiện bằng tụ máu ở bên sườn và vùng bẹn. Vỡ vào khoang phúc mạc có thể dẫn đến căng cứng bụng, trong khi vỡ vào trong tá tràng biểu hiện bằng xuất huyết dạ dày - ruột ồ ạt. Dòng máu chảy qua chỗ phình bị rối loạn và có thể hình thành các cục máu đông dọc theo thành động mạch. Cục máu đông này cùng với những mảnh xơ vữa động mạch có thể trôi theo dòng máu gây thuyên tắc mạch và ảnh hưởng đến tuần hoàn của các động mạch phía xa.
Tuy nhiên, vỡ phình động mạch chủ là nguy hiểm nhất. Khi vỡ phình động mạch chủ xảy ra thì có tới 80% các trường hợp bị vỡ vào phía sau phúc mạc bên trái và có thể làm hạn chế phần nào sự vỡ ra, trong khi hầu hết các trường hợp còn lại vỡ vào khoang phúc mạc và gây chảy máu không kiểm soát được dẫn đến truỵ tim mạch nhanh chóng.
2.3. Lóc tách động mạch chủ
Tách thành động mạch chủ hay còn gọi là lóc tách động mạch chủ là một thảm cảnh thực sự đối với bệnh nhân. Khởi đầu từ chỗ rách ở nội mạc gọi là điểm vào dòng máu chảy tách lớp áo giữa tạo nên "lòng giả". Lòng giả phát triển dọc theo đường đi của động mạch chủ làm chít hẹp, tắc hoặc đứt các nhánh của động mạch chủ. Các nhánh khi bị đứt sẽ tạo điểm vào thứ phát, dòng máu sẽ chảy trong lòng giả từ điểm nguyên phát đến thứ phát ngăn cản hình thành huyết khối trong lòng giả.
Đau như xé ngực có tính chất di chuyển, có thể đau lan ra sau lưng xuất hiện đột ngột, tính chất đau rất dễ nghĩ đến nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân có thể mất hoặc yếu mạch ở tay hoặc chân. Ngoài ra còn các triệu chứng lâm sàng khác mà các bác sĩ khám có thể phát hiện.
Các thăm dò cận lâm sàng có thể nghi ngờ hoặc "nhìn" thấy vị trí rách và lòng giả của mạch máu lóc tách như: siêu âm tim, siêu âm tim qua thực quản, chụp CT - Scanner, chụp cộng hưởng từ MRI.
Nhìn chung với những triệu chứng cấp tính và dữ dội như vậy hầu như bệnh nhân luôn tìm đến thầy thuốc, vấn đề phát hiện sớm thuộc về các thầy thuốc tuyến cơ sở.
3. Phòng ngừa bệnh động mạch chủ
Kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách phòng bệnh động mạch chủ
Thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý động mạch chủ cũng như những biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim. Lời khuyên là:
- Ngưng hút thuốc lá và tránh khói thuốc, nói không với rượu bia.
- Tránh xa những loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều muối và nhiều đường.
- Ăn nhiều rau củ quả và các loại thực phẩm nhiều chất xơ như ngũ cốc thô, các loại hạt, các loại đậu, trái cây, rau quả xanh,...
- Giảm cân nếu bị thừa cân.
- Dành nhiều thời gian đi bộ, hoạt động thể chất. Tuy nhiên, người bệnh tim mạch cần trao đổi kỹ với bác sĩ để lựa chọn hình thức tập luyện và cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
- Kiểm tra, điều trị kịp thời những bệnh lý liên quan tới bệnh mạch vành như đái tháo đường, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,...
- Xây dựng lối sống tích cực, vui vẻ, thanh thản, tránh căng thẳng quá mức, làm việc điều độ,...
Bệnh lý động mạch chủ thường diễn biến rất nhanh với nhiều bệnh lý nguy hiểm đòi hỏi xử trí kịp thời, hiệu quả. Ngày nay, ở Việt nam tuổi thọ tăng cao, dân số người già cũng gia tăng vì vậy người cao tuổi cần chú ý kiểm soát huyết áp, khám bệnh, xét nghiệm máu cơ bản và siêu âm mạch định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh lý động mạch chủ để đề phòng và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng dễ tử vong. Phình động mạch chủ bụng và bóc tách động mạch chủ là hai bệnh thường gặp trong số các bệnh lý động mạch chủ nguy cơ tử vong cao do vỡ phình động mạch chủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.