Đối phó với bệnh mãn tính và trầm cảm

Bệnh mãn tính là một tình trạng sức khỏe diễn biến trong một thời gian rất dài và thường không thể chữa khỏi hoàn toàn, mặc dù một số bệnh có thể được kiểm soát qua lối sống và một số loại thuốc.

1. Tác động của bệnh mãn tính

Bệnh mãn tính là một tình trạng sức khỏe diễn biến trong một thời gian rất dài và thường không thể chữa khỏi hoàn toàn, mặc dù một số bệnh có thể được kiểm soát thông qua lối sống và một số loại thuốc. Một số căn bệnh mãn tính thường gặp, ví dụ như bệnh tiểu đường, bệnh tim, viêm khớp, bệnh thận, HIV/AIDS, lupusbệnh đa xơ cứng.

Những người mắc bệnh mãn tính dễ có nguy cơ cao mắc trầm cảm. Trên thực tế, trầm cảm là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh mãn tính. Người ta ước tính rằng có tới 1⁄3 số người mắc bệnh mãn tính có triệu chứng trầm cảm.

Khi mắc bệnh mãn tính, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đau và mệt mỏi. Thay đổi thể chất từ ​​quá trình điều trị bệnh có thể ảnh hưởng đến ngoại hình của bạn. Những thay đổi này có thể khiến bạn mất đi sự tự tin. Khi bạn cảm nhận về bản thân một cách không tích cực, bạn có thể sẽ tự mình cô lập với các mối quan hệ khác.

Bệnh mãn tính cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bạn trong công việc. Phạm vi chuyển động và các giới hạn vật lý khiến bạn không thể thích nghi được với môi trường làm việc. Giảm khả năng làm việc có thể dẫn đến khó khăn tài chính. Đối với người nội trợ, một nhiệm vụ cụ thể có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành. Bạn có thể phải cần tới sự giúp đỡ của vợ / chồng, người thân hoặc các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe tại nhà. Khi cuộc sống của bạn thay đổi, bạn cảm thấy mất kiểm soát và trở nên lo lắng khi bạn không biết được điều gì sẽ xảy ra với mình.


Bệnh mãn tính khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi
Bệnh mãn tính khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi

2. Cách đối phó với bệnh mãn tính

Bạn cần phải tìm đến sự giúp đỡ khi bản thân cảm thấy tuyệt vọng và bất lực. Hành động sớm sẽ giúp cho bạn hiểu và đối phó với những tác động do bệnh mãn tính gây ra. Học cách quản lý căng thẳng sẽ giúp bạn duy trì những quan điểm tích cực về thể chất, cảm xúc và tinh thần trong cuộc sống.

Các chuyên gia y tế sẽ giúp bạn đưa ra kế hoạch điều trị để đáp ứng nhu cầu cụ thể của bạn. Các biện pháp này được đưa ra nhằm giúp bạn lấy lại cảm giác kiểm soát cuộc sống, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. Khi dấu hiệu trầm cảm xuất hiện, các loại thuốc khác ngoài những thuốc điều trị bệnh có thể được chỉ định nhằm nâng cao tâm trạng của bạn.

Có nhiều biện pháp trợ giúp dành cho những người mắc bệnh mãn tính. Trong số đó có các nhóm hỗ trợ và tư vấn cá nhân.

Các nhóm hỗ trợ cung cấp một môi trường nơi bạn có thể tìm hiểu các cách mới để đối phó với bệnh tật. Bạn có thể chia sẻ phương pháp bạn đã tìm hiểu với những người khác. Bạn cũng sẽ có thêm được một nguồn sức mạnh khi biết rằng bạn không phải đối mặt với khó khăn một mình.

3. Những bệnh mãn tính khiến bạn dễ mắc trầm cảm

Mặc dù bất kỳ căn bệnh nào cũng có thể khiến bạn dễ có cảm giác chán nản, nguy cơ mắc bệnh mãn tính và trầm cảm trở nên cao hơn với mức độ nghiêm trọng của bệnh và mức độ gián đoạn cuộc sống mà nó gây ra. Nguy cơ trầm cảm thường là 10-25% đối với phụ nữ và 5-12% đối với nam giới. Tuy nhiên, những người mắc bệnh mãn tính phải đối mặt với nguy cơ cao hơn nhiều, khoảng từ 25-33%. Rủi ro đặc biệt cao ở những người có tiền sử trầm cảm.

Trầm cảm do bệnh mãn tính thường làm cho tình trạng tồi tệ hơn, đặc biệt là nếu bệnh gây ra đau đớn và mệt mỏi hoặc nó hạn chế khả năng tương tác của bạn với người khác. Trầm cảm có thể làm tăng thêm sự đau đớn, cũng như cảm giác mệt mỏi và uể oải. Sự kết hợp giữa bệnh mãn tính và trầm cảm có thể khiến bạn tự cô lập bản thân, điều này có khả năng làm cho trầm cảm thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.


Người bị trầm cảm hạn chế sự tương tác với mọi người xung quanh
Người bị trầm cảm hạn chế sự tương tác với mọi người xung quanh

Nghiên cứu về các bệnh mãn tính và trầm cảm chỉ ra rằng tỷ lệ trầm cảm cao ở những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính:

  • Đau tim: 40% -65% trải qua trầm cảm
  • Bệnh động mạch vành (không có cơn đau tim ): 18% -20% bị trầm cảm
  • Bệnh Parkinson: 40% trải qua trầm cảm
  • Bệnh đa xơ cứng : 40% trải qua trầm cảm
  • Đột quỵ : 10% -27% trải qua trầm cảm
  • Ung thư : 25% trải qua trầm cảm
  • Bệnh tiểu đường : 25% trải qua trầm cảm
  • Hội chứng đau mãn tính : 30% -54% trải qua trầm cảm

4. Cách đối phó với trầm cảm

Việc chẩn đoán và điều trị sớm trầm cảm có thể giảm bớt đau khổ cùng với nguy cơ biến chứng nguy hiểm và tử tự. Điều trị trầm cảm có thể cải thiện tình trạng y tế tổng thể của bạn, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Khi các triệu chứng trầm cảm có liên quan đến bệnh lý thực thể hoặc tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh hoặc thay đổi phương pháp điều trị của bạn. Khi trầm cảm là một vấn đề riêng biệt, nó có thể được tự điều trị. Hơn 80% những người bị trầm cảm có thể được điều trị thành công bằng thuốc, tâm lý trị liệu hoặc kết hợp cả hai. Thuốc chống trầm cảm thường có tác dụng trong vòng vài tuần.

Cuộc sống gắn liền với một căn bệnh mãn tính là một thách thức, đau buồn và tuyệt vọng là những cảm xúc dễ hiểu khi bạn mắc phải tình trạng này. Nhưng nếu những cảm giác này không biến mất, hoặc bạn gặp khó khăn khi ngủ hoặc ăn, hoặc bạn đã mất hứng thú với các hoạt động bạn thường thích, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ.

Theo đó, để tránh mắc bệnh tránh trầm cảm, bạn cần:

  • Cố gắng không cô lập chính mình. Tiếp cận với gia đình và bạn bè.
  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về tình trạng của bạn nhằm giúp bạn kiểm soát được bản thân
  • Hãy chắc chắn rằng bạn nhận được sự hỗ trợ y tế từ các chuyên gia mà bạn tin tưởng và có thể nói chuyện cởi mở về các câu hỏi và mối quan tâm của bạn.
  • Nếu bạn nghi ngờ rằng thuốc mà bạn đang dùng khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị khác có thể.
  • Nếu cảm thấy đau, hãy chia sẻ với bác sĩ điều trị .
  • Hãy làm những công việc mà mình yêu thích càng nhiều càng tốt. Bạn sẽ duy trì sự kết nối cũng như tăng cường sự tự tin và ý thức cộng đồng của bạn.
  • Nếu bạn nghĩ bạn bị trầm cảm, đừng chờ đợi để được giúp đỡ. Bạn cần chủ động tìm đến sự trợ giúp của các nhà trị liệu hoặc tư vấn viên mà bạn tin tưởng.

Khi mắc bệnh mãn tính, hầu hết người bệnh đều mang tâm lý lo âu, sợ hãi nên việc mắc bệnh trầm cảm là rất dễ xảy ra. Lúc này các liệu pháp tâm lý sẽ có khả năng cải thiện bệnh hiệu quả.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện nay là địa chỉ thăm khám bệnh uy tín, chuyên sâu nổi tiếng với các dịch vụ điều trị và thăm khám sức khỏe tổng quát. Với đội ngũ Y Bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều năm công tác trong nghề sẽ đem lại sự hài lòng cho tất cả quý khách hàng.

Quý khách có nhu cầu khám tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thể liên hệ hệ thống Bệnh viện, Phòng khám Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký khám TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe