Đôi mắt nói gì về sức khỏe của bạn?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có 10 năm kinh nghiệm về chuyên ngành mắt.

Bạn có bao giờ nhìn vào gương và thấy mắt bạn bị đỏ, bị sưng, bị mỏi mắt,... Chăm sóc mắt bằng một miếng đắp lạnh, hoặc tự mua thuốc nhỏ mắt có thể hỗ trợ giải quyết được tình trạng tạm thời. Nhưng bạn vẫn nên đi khám bác sĩ. Vì những dấu hiệu đó chính là đang nói cho bạn biết các vấn đề liên quan đến sức khỏe mà bạn đang hoặc có thể gặp phải.

1. Mắt đỏ

Theo bác sĩ nhãn khoa Rebecca J. Taylor ở Nashville nói, vấn đề về mắt phổ biến nhất mà mọi người gặp phải là mắt đỏ. Nó biểu hiện với một vệt máu trên phần trắng của mắt, nhưng thường chỉ là một vết bầm dưới bề mặt của mắt. Chúng được gọi là xuất huyết dưới màng cứng và sẽ hết sau vài tuần.

Nếu cả hai mắt đều đỏ, ngứa và chảy nước mắt, đó có thể là bạn đang bị dị ứng. Những triệu chứng này thường là nguyên nhân bởi dị ứng môi trường (theo mùa), hoặc dị ứng với các sản phẩm mà bạn đã sử dụng. Nước nhỏ mắt không kê đơn có thể sẽ giúp giảm bổ sung độ ẩm cho mắt và thuốc nhỏ mắt kháng histamin sẽ có tác dụng chấm dứt cơn ngứa. Nhưng hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng này không biến mất sau hơn 10 ngày.

2. Đau mắt đỏ

Bác sĩ có thể gọi đây là viêm kết mạc cấp tính. Nó biểu hiện bằng việc mắt bị ngứa, đỏ và mắt tiết ra chất dịch màu trắng hoặc vàng. Thông thường nó là nguyên nhân gây ra bởi virus và kéo dài một tuần đến 10 ngày. Viêm kết mạc cấp tính có thể bắt đầu ở một mắt và đi đến mắt kia. Chảy nước mũi và các triệu chứng cảm lạnh cũng rất phổ biến trong trường hợp này.


Đau mắt đỏ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh
Đau mắt đỏ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh

Nếu bạn nghĩ mình đang bị viêm kết mạc cấp tính, hãy tới khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất. Viêm kết mạc cấp tính có thể rất dễ lây lan, vì vậy hãy rửa tay thật nhiều và thay khăn tắm hoặc khăn lau mặt thường xuyên để đảm bảo vệ sinh mắt. Một số bệnh như bệnh khô mắt hoặc nhiễm trùng mắt trông rất giống bệnh đau mắt đỏ. Nhưng bác sĩ sẽ biết sự khác biệt giữa chúng và đưa ra cách điều trị phù hợp cho từng loại bệnh.

3. Khô mắt

Tình trạng khô mắt thường được quy về các nguyên nhân liên quan đến môi trường, thay đổi nội tiết tố hoặc thói quen hàng ngày. Những người làm việc trên máy tính, điện thoại di động, sách hoặc TV trong thời gian dài có thể cảm thấy rất khó chịu sau khi họ kết thúc công việc, bởi vì họ không chớp mắt đủ.

Theo bác sĩ Taylor, sử dụng nước mắt nhân tạo vài lần/ngày có thể có tác dụng làm ẩm đôi mắt đối với trường hợp này. Nhưng bạn nên đi khám bác sĩ nếu sau khi dùng thuốc nhỏ mắt này mà tình trạng khô mắt vẫn không cải thiện. Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe như viêm khớp cũng có liên quan đến khô mắt và một số loại thuốc bạn đang dùng cũng có thể gây ra tình trạng này.

4. Sưng đỏ trên mí mắt

Mắt có thể tự nhiên tiết ra dầu. Nếu các tuyến dầu bị tắc, chúng có thể gây nhiễm trùng trong nang lông mi. Và kết quả là xuất hiện một vết sưng đau, đỏ trên mí mắt được gọi là lẹo mắt.

Để giảm bớt cơn đau, hãy đặt một miếng gạc ấm, ẩm vào phần mềm nhất của vết sưng 5 hoặc 6 lần một ngày. Bạn cũng có thể vệ sinh mắt bằng cách rửa lông mi mỗi ngày một lần với một vài giọt dầu gội trẻ em và nước nóng. Bạn cũng có thể cần dùng đến một loại thuốc kháng sinh, thuốc mỡ steroid hoặc thậm chí là phẫu thuật để giảm tổn thương.


Tình trạng lẹo mắt gây cảm giác sưng đau cho người mắc
Tình trạng lẹo mắt gây cảm giác sưng đau cho người mắc

5. Chứng co giật mắt

Co giật mí mắt khá phổ biến và gây nhiều phiền toái nhưng thường không nghiêm trọng. Nó gọi là giật mí mắt. Thông thường, co giật mắt không có nguyên nhân rõ ràng và nó tự biến mất. Nó có thể có mối liên quan đến lượng caffeine, căng thẳng hoặc ngủ quá ít.

Giải pháp để giảm co giật mắt là thực hiện thay đổi lối sống như giảm caffein, ngủ đủ giấc. Bạn nên gặp bác sĩ mắt nếu bị co giật trong hơn một tuần, hoặc nếu các phần khác trên khuôn mặt của bạn bắt đầu co giật vì nó có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

6. Mỏi mắt

Khi bạn nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính cả ngày, mắt bạn có thể mệt mỏi. Hãy nghỉ ngơi và thực hiện quy tắc 20/20/20. Tức là nhìn vào một vật thể cách xa ít nhất 20 feet trong 20 giây cứ sau 20 phút. Đây là lời khuyên của bác sĩ Ivan Schwab, Hoa Kỳ.

Một nguyên nhân khác của mỏi mắt là mắt bị khô. Vậy thì, hãy thử một vài giọt nước mắt nhân tạo để cải thiện tình trạng mỏi mắt này. Nhưng nếu bạn đã trên 40 tuổi thì bạn có thể cần phải đeo kính hỗ trợ trong khi làm việc.

7. Sụp mí mắt

Khi bạn già đi, các mô mỏng của mí mắt có thể trông giống như bị rũ xuống. Đây là một điều bình thường, miễn là nó xảy ra ở cả hai mắt.

Nhưng bạn hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu hiện tượng một hoặc cả hai mí mắt sụp trên con ngươi mắt của bạn. Vì nó có thể có một tình trạng sức khỏe khác nghiêm trọng hơn.


Hình ảnh một bên mắt bị sụp mí mắt
Hình ảnh một bên mắt bị sụp mí mắt

8. Viễn thị

Nếu bạn trên 40 tuổi thì hiện tượng này hoàn toàn có thể xảy ra. Vì ở tuổi đó, khả năng nhìn của đôi mắt đã bắt đầu thay đổi và viễn thị là tình trạng phổ biến.

Viễn thị xuất hiện khi ống kính của mắt cứng lại và mắt không thể dễ dàng điều tiết tập trung từ xa sang gần. Dẫn đến tình trạng khó đọc chữ ở cự ly gần, đặc biệt là khi ánh sáng mờ. Kính đọc sách, kính hai tròng và ống kính sẽ có tác dụng hỗ trợ bạn trong trường hợp này.

Nếu bạn có vấn đề gì với mắt của mình, hãy đi khám bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra cách điều trị phù hợp. Nếu bạn từ 40 tuổi trở lên bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra để phát hiện một số bệnh như bệnh tăng nhãn áp hoặc bệnh võng mạc. Những bệnh này nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến mù lòa. Bạn nên xét nghiệm mắt toàn diện nếu bạn có tiền sử gia đình hoặc có tiền sử mắc bệnh tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe