Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Độ xơ hóa gan F2, F3 là giai đoạn tiếp theo của xơ gan F1, đây là giai đoạn ranh giới giữa bệnh xơ gan giai đoạn nhẹ và giai đoạn nặng (F4). Lúc này, các mô xơ, mô sẹo đã xuất hiện rõ ràng hơn cùng với những hư hỏng nhất định tại gan.
1. Xơ hóa gan F2-F3 có nghĩa là gì?
Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến mất chức năng của gan.
Có nhiều nguyên nhân gây xơ gan như xơ gan do viêm gan virus B, C,...; do rượu, bia, thuốc lá; bệnh đường mật như tắc mật, sỏi mật; dinh dưỡng không đầy đủ; bệnh béo phì, đái tháo đường, do nhiễm ký sinh trùng (sán máng, sán lá gan); do thuốc và hóa chất; xơ gan mật nguyên phát, bệnh tim, các bệnh về rối loạn chuyển hóa do di truyền và xơ gan chưa rõ nguyên nhân,...
Xơ gan F2 – F3 là mức độ và giai đoạn của bệnh.
Giai đoạn 2 (F2): Gan xuất hiện tổn thương nhiều hơn và có nhiều triệu chứng hơn.
Đây là giai đoạn xơ hóa gan F2 (xơ gan cấp độ 2, xơ gan độ F2), bệnh lúc này xuất hiện nhiều hơn các mô sẹo, mô xơ hóa trong gan người bệnh có thể nhìn thấy rõ nét hơn. Xơ gan F2 là hiện tượng các mô gan bị hư hỏng tạo thành các mô liên kết dư thừa.
Lượng tế bào mô xơ giai đoạn này tăng lên rất nhiều, làm gan bị suy yếu chức năng rõ rệt, chất độc bị ứ đọng, không được thải ra ngoài khiến các cơ quan khác bị tác động gây rối loạn các chuyển hóa trong cơ thể.
Giai đoạn 3 (F3): Gan xuất hiện nhiều tổn thương hơn, triệu chứng cũng rõ rệt hơn.
Xơ gan giai đoạn 3 (xơ gan cấp độ 3, xơ gan độ F3) đã làm gan bị rối loạn chức năng gan một phần. Bởi lượng tế bào gan bị thay thế bằng các mô xơ hóa chiếm chủ yếu. Độ xơ hóa gan F3 cao hơn nhiều so với xơ hóa gan F2 làm gan mất đi hầu hết chức năng vống có.
Các tế bào gan bình thường còn lại sẽ phải làm việc nhiều hơn thay thế cho phần gan bị xơ dẫn đến việc quá tải, chất độc ứ đọng ngày càng nhiều khiến tế bào gan dần bị tổn thương và chuyển sang giai đoạn xơ hóa.
2. Độ xơ hóa gan F2, F3 có chữa được không?
Bệnh xơ gan tiến triển qua nhiều giai đoạn và chia thành các mức độ gồm: F1, F2, F3, F4. Trong đó, F1 là mức độ nhẹ, F2 là trung bình và F3, F4 là cấp độ nặng. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn F1, F2 thì có thể điều trị dứt điểm.
Nhưng khi xơ gan chuyển sang giai đoạn F3, F4 sẽ rất khó điều trị khỏi hoàn toàn, lúc này việc điều trị chỉ giúp kiểm soát triệu chứng, hạn chế bệnh tiến triển, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
>>Xem thêm: Vai trò của thảo dược trong điều trị, chống xơ hoá gan- Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.3. Triệu chứng điển hình của xơ gan F2, F3
Triệu chứng xơ gan F2
- Bệnh nhân thấy đầy bụng, khó tiêu, cơ thể mệt mỏi, thường bị sốt nhẹ vào buổi chiều tối.
- Nước tiểu chuyển màu vàng đậm, sắc tố da ở bàn tay, bàn chân vàng hơn.
- Đau cấp tính tại phần bụng hạ sườn bên phải, cơn đau do bệnh xơ gan không diễn ra thường xuyên.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Móng tay, móng chân khô lại, màu trắng hơn.
Triệu chứng xơ gan F3:
- Rối loạn tiêu hóa nặng, khi đi ngoài phân chuyển màu đen. Người bệnh cũng thấy buồn nôn, nôn ra máu.
- Bệnh nhân xơ gan có dịch tích tụ ở bàn chân gây phù chân, khi ấn vào chân bị lõm nhưng phải mất từ 1 – 2 phút vết lõm mới mất đi.
- Bụng to lên, ứ dịch cổ trướng, ấn vào thấy đau dữ dội
- Vùng da người bệnh xơ gan bị vàng không chỉ xuất hiện ở bàn tay, bàn chân mà còn lan rộng ra toàn thân
- Tăng nhịp tim và thường xuyên thấy chóng mặt, dễ ngất xỉu
- Do vậy, người bệnh cần sớm phát hiện triệu chứng xơ gan để đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán, có phương pháp điều trị phù hợp.
4. Phương pháp chẩn đoán xơ gan
Xét nghiệm máu
Khi mắc bệnh xơ gan, các mô xơ ở gan sẽ gây cản trở dòng máu chảy qua gan. Máu sẽ bị chảy ngược về lá lách, khiến lá lách phình to. Lá lách sẽ giữ lại và phá hủy tế bào máu, khiến số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu giảm xuống, đây còn được gọi là hiện tượng cường lách. Xét nghiệm máu cho thấy bị giảm tiểu cầu có thể cảnh báo bệnh xơ gan.
Siêu âm
Đây là phương pháp đơn giản, nhanh gọn, không gây nguy hại cho người bệnh và có thể thực hiện nhiều lần. Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá được kích thước gan to hay nhỏ, cấu trúc của gan, bờ của gan có gồ gề hay có sẹo không, có xuất hiện các bất thường như gan nhiễm mỡ, áp xe, khối u trong gan. Nếu siêu âm màu, bác sĩ có thể thấy được các mạch máu trong gan rõ ràng hơn và các hướng đi của dòng máu chảy trong gan.
Hiện nay phương pháp chẩn đoán siêu âm đàn hồi mô gan là phương pháp tốt nhất để đánh giá tổn thương trong nhu mô gan và mức độ xơ gan. Theo đó, bệnh nhân nằm ngửa, tay phải đặt sau đầu, người thực hiện đặt đầu dò lên da kẽ liên sườn vị trí thường sinh thiết gan và ấn với một áp lực nhẹ và kiểm tra gồm 10 phép đo liên tục tại cùng một vị trí. Máy sẽ tự động tính trị số trung bình. Kết quả được máy phân tích và cho ra con số cụ thể.
Ưu điểm của kỹ thuật là không xâm lấn, dễ thực hiện được ở bệnh nhân béo phì, báng bụng và có thể áp dụng với nhiều cơ quan khác nhau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.