Ăn đồ lạnh bị ê buốt răng là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải và điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống hàng ngày. Vậy ăn đồ lạnh hại răng như thế nào và cần làm gì để khắc phục vấn đề này?
1. Ăn đồ lạnh hại răng như thế nào?
Khi tiếp xúc với các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể gây ê buốt răng và hiện tượng này thường xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn rồi biến mất sau khi không còn tiếp xúc với thức ăn.
Ê buốt răng khi ăn đồ lạnh là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, sâu răng, viêm nha chu. Nguyên nhân dẫn đến các bệnh này đa phần là do chăm sóc răng miệng không đúng cách và nếu không được cải thiện kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng ê buốt răng hay bệnh lý khác sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Một số tác hại của việc ăn đồ lạnh bao gồm:
- Răng bị gãy hoặc mòn bề mặt men
Răng khi bị chấn thương ở mức độ nặng có thể gây lộ ra phần ngà răng. Bên trong các ống ngà có chứa các đầu tận cùng thần kinh nên khi ngà răng tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài thì có thể gây đặc biệt khó chịu và nhạy cảm khi tiếp xúc với thức ăn lạnh.
- Răng bị tụt nướu
Khi mô nướu đã bị tổn thương do các bệnh lý và tụt xuống thì phần ngà ở chân răng có thể lộ ra ngoài. Đó là điều kiện thuận lợi cho axit trong nước bọt và thức ăn có thể dần dần ăn mòn men răng.
- Sâu răng
Khi bệnh nhân vệ sinh răng miệng không sạch sẽ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn ăn mòn dẫn đến tạo ra nhiều lỗ sâu trên bề mặt. Lúc đó, răng dễ dàng trở nên nhạy cảm, đặc biệt là khi ăn các thức ăn lạnh, nóng hoặc chua.
Ngoài ra, nếu lỗ sâu không được phát hiện để làm sạch và trám lại kịp thời thì vi khuẩn sẽ tấn công vào sâu hơn đến vùng tủy răng gây viêm tủy.
- Viêm nướu, viêm nha chu
Viêm nướu hay viêm nha chu mãn tính cũng là nguyên nhân ăn đồ lạnh bị buốt răng. Bệnh còn có thể kèm theo những biểu hiện khác như đau nhức, chảy máu nướu răng,...
2. Làm thế nào để khắc phục tình trạng ê buốt răng?
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương nướu khác nhau, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị linh hoạt để đảm bảo mang lại kết quả điều trị tối đa. Tình trạng ê buốt răng khi ăn đồ lạnh cần phải được điều trị theo nguyên nhân một cách triệt để bệnh thì tình trạng ê buốt răng mới chấm dứt.
- Điều trị mòn men răng
Với trường hợp men răng bị mòn ít thì có thể thực hiện tái khoáng hoặc trám lại phần men đã bị mất đi bằng vật liệu trám răng. Tuy nhiên, nếu răng bị tổn thương nghiêm trọng thì cần điều trị tủy và bọc răng sứ thẩm mỹ.
- Điều trị răng viêm tủy
Bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch phần mô bị sâu và thực hiện trám răng hoặc bọc răng sứ để bảo vệ bên ngoài phần răng bị tổn thương. Điều này giúp hạn chế tối đa sự tấn công của vi khuẩn và giúp duy trì sức khỏe răng lâu dài.
- Viêm nướu, viêm nha chu
Đối với nhóm bệnh về nướu và nha chu thì phương pháp điều trị tại nha khoa là sử dụng thuốc trong những trường hợp nhẹ. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã bước sang giai đoạn nặng thì cần phải phẫu thuật ghép nướu hoặc cấy ghép mô mềm để phục hồi mô nướu khỏe mạnh.
3. Cách phòng ngừa ê buốt răng hiệu quả
Để tránh khỏi tình trạng đau răng khi ăn đồ lạnh thì chăm sóc răng miệng đúng cách cũng là cách hiệu quả vừa giúp cải thiện các vấn đề răng miệng vừa phòng ngừa nhiều bệnh lý răng miệng gây ê buốt răng:
- Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày vào tối trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy vào buổi sáng.
- Chải răng với lực nhẹ nhàng để tránh làm mòn men răng và tổn thương mô nướu.
- Lựa chọn bàn chải đánh răng lông mềm và thay bàn chải 3 tháng một lần.
- Kết hợp sử dụng thêm chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa răng để làm sạch mảng bám hiệu quả hơn và tránh làm tổn thương răng và nướu
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho răng miệng.
- Đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần hoặc ngay khi có biểu hiện bất thường về răng miệng để bác sĩ có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Trên đây là những nguyên nhân gây ê buốt răng. Do đó để hạn chế tình trạng này bạn nên thay đổi chế độ ăn và vệ sinh răng miệng cẩn thận. Trong trường hợp tình trạng ê răng vẫn kéo dài bạn nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra nhằm có những chỉ định phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: nhakhoahome.com