Ung thư đại trực tràng là bệnh lý ác tính và thường gây tử vong, nhưng nguy cơ sẽ giảm đáng kể với việc kiểm tra thường xuyên và loại bỏ kịp thời các tổn thương tiền ung thư. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy rằng thói quen ăn uống có thể ảnh hưởng đến cả tỷ lệ mắc và sự tiến triển của ung thư đại trực tràng.
1. Tổng quan về ung thư đại trực tràng
Hơn 95% ung thư đại trực tràng là ung thư biểu mô tuyến, có nguồn gốc từ các mô tại trực tràng. Biểu hiện, triệu chứng và biến chứng của ung thư đại trực tràng phụ thuộc vào vị trí của các khối u. Các triệu chứng chung của ung thư đại trực tràng bao gồm: Đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện, giảm khối lượng phân và các triệu chứng thực thể khác như sút cân, suy nhược, mệt mỏi...
Trong khi các khối u bên phải có thể gây ra tình trạng xuất huyết thì các khối u bên trái lại có thể dẫn đến táo bón, tiêu chảy và tụ máu. Bên cạnh đó, những bệnh nhân có khối u bên trái có nguy cơ bị tắc ruột cao hơn nhiều, kèm theo đó là buồn nôn, nôn, đại tiện khó khăn, đầy hơi, chướng bụng hoặc thậm chí thiếu máu.
Có khoảng 15-20% bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng có di căn, phổ biến nhất là di căn đến hạch bạch huyết tại các khu vực như gan, phổi và phúc mạc.
1.1 Yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng
Một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, bao gồm:
- Tuổi: Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng tăng dần theo tuổi, có đến 90% trường hợp ung thư đại trực tràng xảy ra đối với những bệnh nhân trên 50 tuổi.
- Chủng tộc: Tại Mỹ, những người da đen có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng cao hơn 20% so với người da trắng.
- Tiền sử gia đình: 25% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Nguy cơ sẽ gia tăng gấp nhiều lần nếu trong gia đình có nhiều hơn một người đã từng mắc bệnh
- Môi trường: Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng được thống kê cao nhất ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, những người di cư từ các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh thấp đến các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của họ
- Chế độ dinh dưỡng: Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên quan giữa chế độ ăn uống và sự phát triển của ung thư đại trực tràng.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của cả polyp trực tràng và bệnh ung thư đại trực tràng. Những người hút thuốc lá mắc bệnh cũng có nguy cơ tử vong cao hơn
- Hội chứng di truyền: Có một số hội chứng liên quan đến di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng như: Bệnh đa polyp tuyến gia đình và hội chứng Lynch.
- Bệnh đái tháo đường và kháng insulin: Nguy cơ ung thư đại trực tràng ở những người mắc đái tháo đường cao hơn gần 40% so với những người bình thường. Nguy cơ này có thể liên quan đến việc tăng nồng độ yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF-1).
- Bệnh viêm ruột: Cả viêm loét đại tràng và bệnh Crohn đều dẫn đến ung thư đại trực tràng với nguy cơ cao hơn gần gấp 5 lần so với những người bình thường.
- Thừa cân béo phì: Những người có chỉ số BMI > 40 có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn khoảng 45% so với những người có chỉ số BMI ở mức bình thường (18,5 – 24,9). Những người béo phì thể nhẹ hoặc trung bình có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn lần lượt là 10% và 35%.
1.2 Các yếu tố có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư đại trực tràng
Ngoài một số yếu tố nguy cơ, có một số yếu tố có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư đại trực tràng, bao gồm:
- Tập luyện thể dục, thể thao: Hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Trong một nghiên cứu với hơn 120.000 nữ giảng viên, trong số đó có những người chưa bao giờ sử dụng liệu pháp hormone, tập thể dục từ 4 tiếng trở lên mỗi tuần có thể làm giảm một nửa nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với những người chỉ tập thể dục hoặc chơi thể thao ít hơn 30 phút mỗi tuần.
- Liệu pháp hormone sau mãn kinh: Những dữ liệu từ các nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên đây không phải là phương pháp được khuyến khích bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý, bao gồm cả các loại ung thư khác.
- Aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Sử dụng Aspirin và các thuốc dạng NSAID khác thường xuyên có thể làm giảm 20-40% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở những người có nguy cơ trung bình.
- Khám sàng lọc ung thư đại trực tràng: Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất trong việc tầm soát, phát hiện và điều trị sớm ung thư.
2. Dinh dưỡng cho người ung thư đại trực tràng
Chế độ ăn uống không hợp lý và tình trạng thừa cân béo phì là những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Một số loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt là thịt đỏ và thịt đã qua chế biến. Ngược lại chế độ ăn giàu rau, củ, quả có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng do chứa nhiều yếu tố có nguồn gốc thực vật giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng. Dưới đây là một số yếu tố làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng mà bạn có thể tham khảo:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu quan sát trên hơn 16.000 trường hợp đã kết luận rằng cứ 5kg cân nặng tăng lên thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cũng tăng 4%. So với những người có mức cân nặng bình thường, cả bệnh nhân béo phì và nhẹ cân đều có nguy cơ mắc cũng như tử vong do ung thư đại trực tràng cao hơn đáng kể.
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Trong một nghiên cứu tiến hành trên 100.000 người bao gồm cả nam và nữ giới cho thấy những người ít ăn thịt đỏ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn đáng kể so với những người theo chế độ ăn tạp. Ngoài ra, chế độ ăn Địa Trung Hải cũng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng đến 10%.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Các nghiên cứu về cả tổng lượng chất xơ cũng như các loại thực phẩm giàu chất xơ riêng lẻ như trái cây, rau, các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu... đều cho thấy chúng có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư đại trực tràng.
- Sử dụng thực phẩm giàu vitamin B: Các loại rau lá xanh, đậu và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp vitamin B dồi dào, một yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình methyl hóa ADN, ảnh hưởng đến việc duy trì tính toàn vẹn và ổn định của vật chất di truyền. Vitamin B tham gia vào quá trình methyl hóa ADN và ngăn chặn sự hình thành các khối u bằng cách giảm tăng sinh tế bào, stress oxy hóa, hình thành mạch và các cơ chế khác.
- Sử dụng thực phẩm giàu Canxi và vitamin D: Các đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp đã chứng minh tác dụng đáng kể của việc bổ sung Canxi và vitamin D trong việc làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Những người có nồng độ vitamin D trong máu cao có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tới 30%.
- Cà phê: Trong một nghiên cứu về sức khỏe và chế độ ăn uống trên 489.706 người bao gồm cả nam và nữ cho thấy thường xuyên uống cà phê đã làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với những người không uống.
- Hạn chế sử dụng rượu bia: Một nghiên cứu đánh giá năm 2015 cho thấy uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày có liên quan đến việc gia tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng là một bệnh lý tương đối phổ biến và nghiêm trọng. Nguy cơ ung thư đại trực tràng có thể được giảm bớt thông qua chế độ ăn uống giàu thực phẩm có nguồn gốc thực vật và lối sống lành mạnh. Ngay cả sau khi đã được chẩn đoán và điều trị, những thay đổi về chế độ ăn uống cũng như lối sống cũng có thể hữu ích, giúp làm giảm nguy cơ tái phát bệnh. Cách thành viên trong gia đình cũng có thể hỗ trợ người bệnh bằng cách áp dụng các chế độ ăn uống lành mạnh cũng như rèn luyện thói quen tập thể dục hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM