Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng đường dẫn khí trong phổi bị viêm và thu hẹp (viêm phế quản mãn tính) và các túi khí bị tổn thương (khí phế thũng). Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng trong điều trị COPD.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (thường được gọi là "COPD") là tình trạng đường dẫn khí trong phổi bị viêm và thu hẹp (viêm phế quản mãn tính) và các túi khí bị tổn thương (khí phế thũng).
Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi phổi bị tổn thương nhiều hơn theo thời gian, nó ngày càng trở nên khó thở. Khi tổn thương lan rộng, phổi cũng trở nên khó có thể nhận đủ oxy vào máu và loại bỏ carbon dioxide dư thừa. Những thay đổi này đều dẫn đến khó thở và các triệu chứng khác.
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường giúp kiểm soát khó thở, ho và đôi khi, có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm để cải thiện tình trạng của mình là ngừng hút thuốc và tránh hít phải khói thuốc.
2. Thức ăn liên quan đến hơi thở như thế nào?
Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi biết rằng, thực phẩm họ ăn có thể ảnh hưởng đến hô hấp của họ. Cơ thể của bạn sử dụng thức ăn làm nhiên liệu cho tất cả các hoạt động của nó. Sự kết hợp đúng các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống có thể giúp bạn thở dễ dàng hơn. Không có thực phẩm nào cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng bạn cần - một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm rất nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Quá trình biến đổi thức ăn thành nhiên liệu trong cơ thể được gọi là quá trình trao đổi chất. Oxy và thực phẩm là nguyên liệu thô của quá trình này còn năng lượng và carbon dioxide là thành phẩm. Carbon dioxide là sản phẩm chất thải mà chúng ta thở ra.
Sự trao đổi chất của carbohydrate tạo ra nhiều khí carbon dioxide nhất nên đối với một số người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ăn một chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều chất béo sẽ giúp họ thở dễ dàng hơn.
3. Dinh dưỡng cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
3.1. Carbohydrate
Chọn các loại carbohydrate phức hợp, chẳng hạn như bánh mì và mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả.
- Để giảm cân: Chọn trái cây tươi và rau thay vì bánh mì và mì ống vì phần lớn lượng carbohydrate phức hợp.
- Để tăng cân: Ăn nhiều loại carbohydrate nguyên hạt cùng trái cây tươi và rau quả.
Hạn chế các loại carbohydrate đơn giản như đường ăn, kẹo, bánh ngọt và nước ngọt thông thường. Ăn 20 đến 30 gam chất xơ mỗi ngày, từ các món như bánh mì, mì ống, các loại hạt, trái cây và rau.
3.2. Protein
Nạp một nguồn protein tốt ít nhất hai lần mỗi ngày để giúp duy trì cơ hô hấp mạnh mẽ. Các lựa chọn protein tốt bao gồm sữa, trứng, pho mát, thịt, cá, thịt gia cầm, các loại hạt và đậu khô hoặc đậu Hà Lan.
- Để giảm cân: Chọn các nguồn protein ít chất béo như thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo.
- Để tăng cân: Chọn protein có hàm lượng chất béo cao hơn, chẳng hạn như sữa nguyên chất, pho mát sữa nguyên chất và sữa chua.
3.3. Chất béo
Chọn chất béo không bão hòa đơn và đa, không chứa cholesterol. Đây là những chất béo thường ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng và có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như dầu hạt cải, cây rum và dầu ngô.
- Để giảm cân: Hạn chế ăn những chất béo này.
- Để tăng cân: Thêm các loại chất béo này vào bữa ăn của bạn.
Hạn chế thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Ví dụ: Bơ, mỡ lợn, mỡ và da từ thịt, dầu thực vật hydro hóa, shortening, thực phẩm chiên, bánh quy, bánh quy giòn và bánh ngọt.
Lưu ý: Đây là những hướng dẫn dinh dưỡng chung cho những người bị COPD. Tuy nhiên, nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bạn thay đổi chế độ ăn uống của mình
3.4. Vitamin và các khoáng chất
Nhiều người thấy việc dùng vitamin tổng hợp đa năng là hữu ích. Thông thường, những người bị COPD dùng steroid. Sử dụng steroid lâu dài có thể làm tăng nhu cầu canxi của bạn. Do đó, hãy cân nhắc việc bổ sung canxi. Hãy tìm thêm các loại thực phẩm có chứa vitamin D. Canxi cacbonat hoặc canxi citrate là những nguồn canxi tốt. Trước khi bổ sung bất kỳ loại vitamin nào vào thói quen ăn uống hàng ngày của bạn, hãy nhớ thảo luận với bác sĩ.
3.5. Natri
Quá nhiều natri có thể gây phù nề (sưng tấy) hoặc làm tăng huyết áp. Nếu bạn gặp phải tình trạng phù nề hoặc huyết áp cao, hãy nói chuyện với bác sĩ về lượng natri bạn nên ăn mỗi ngày. Hỏi bác sĩ về việc sử dụng các loại gia vị và thảo mộc trong việc nêm nếm thức ăn và các cách khác để bạn có thể giảm lượng natri của mình.
3.6. Chất lỏng
Uống nhiều nước không chỉ quan trọng để giữ cho bạn đủ nước mà còn giúp giữ cho chất nhầy loãng ra để loại bỏ dễ dàng hơn. Nói chuyện với bác sĩ về lượng nước bạn nên uống mỗi ngày. Mục tiêu tốt đối với nhiều người là uống 6 đến 8 ly (mỗi ly 8 ounce chất lỏng) mỗi ngày. Tuy vậy, đừng cố uống quá nhiều nước cùng một lúc; hãy trải ra trong cả ngày.
Một số người thấy rất hữu ích khi đổ đầy nước vào bình đựng nước mỗi buổi sáng với đủ lượng nước họ phải uống trong một ngày. Hãy nhớ rằng, bất kỳ chất lỏng lành mạnh nào không chứa caffeine đều được tính vào mục tiêu chất lỏng của bạn và hầu hết các loại thực phẩm cũng đóng góp một lượng chất lỏng đáng kể.
4. Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng y tế
Bạn có thể cảm thấy khó đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của mình bằng các loại thực phẩm thông thường, đặc biệt là nếu bạn cần nhiều calo mỗi ngày. Ngoài ra, nếu bác sĩ của bạn gợi ý rằng bạn nên nạp nhiều calo hơn từ chất béo — loại không bão hòa đa, không bão hòa đơn và ít cholesterol — thì bạn có thể không dễ dàng đạt được mục tiêu này bằng các loại thực phẩm thông thường. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị bạn uống một chất lỏng được gọi là sản phẩm dinh dưỡng y tế (chất bổ sung). Một số sản phẩm này có thể được sử dụng như một chế độ ăn kiêng hoàn chỉnh cho những người không thể ăn thức ăn thông thường, hoặc chúng có thể được thêm vào bữa ăn thông thường cho những người không thể ăn đủ.
5. Gợi ý về chế độ ăn uống cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Nghỉ ngơi ngay trước khi ăn.
- Ăn nhiều thức ăn hơn vào sáng sớm nếu bạn thường quá mệt để ăn muộn trong ngày.
- Tránh thức ăn gây đầy hơi hoặc chướng bụng. Chúng có xu hướng làm cho việc thở khó khăn hơn.
- Ăn 4 đến 6 bữa nhỏ mỗi ngày. Điều này cho phép cơ hoành của bạn di chuyển tự do và giúp phổi của bạn chứa đầy không khí và thải ra ngoài dễ dàng hơn.
- Nếu uống chất lỏng trong bữa ăn khiến bạn cảm thấy quá no, hãy hạn chế chất lỏng trong bữa ăn và uống một giờ sau bữa ăn.
- Cân nhắc bổ sung thực phẩm bổ sung dinh dưỡng vào ban đêm để tránh cảm giác no vào ban ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo: uptodate.com