Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm phổi không điển hình ở trẻ em là một trong những dạng viêm phổi mà trẻ thường hay gặp nhất. Hầu hết những trẻ em bị viêm phổi không điển hình thường bị ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn so với những triệu chứng của loại viêm phổi khác.
1. Tổng quan về bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ em
Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm trùng xảy ra ở hai lá phổi. Trong đó, viêm phổi không điển hình là tình trạng nhiễm trùng phổi do các vi khuẩn không điển hình khó phát hiện được bằng phương pháp nhuộm Gram thông thường.
Ba chủng vi khuẩn phổ biến gây ra viêm phổi không điển hình hiện nay là:
- Vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae
- Vi khuẩn Chlamydophila Pneumoniae
- Vi khuẩn Legionella Pneumophila.
Trong đó:
- Viêm phổi không điển hình do Mycoplasma (M.Pneumoniae): Ước tính có khoảng 2 triệu ca viêm phổi do Mycoplasma gây ra hàng năm, với đối tượng nguy cơ chủ yếu là những người dưới 40 tuổi, có xu hướng sinh sống hoặc làm việc tại các khu vực có mật độ dân cư đông đúc như trường học, khu tập thể, khu ổ chuột, nhà tù. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp bị mắc viêm phổi do M.Pneumoniae mà không có yếu tố nguy cơ đặc biệt nào.
- Viêm phổi không điển hình do Legionella (L.Pneumophila): Chủng vi khuẩn này thường có mặt trong các đường ống nước của các tòa nhà hoặc các tháp làm lạnh, do vậy đối tượng dễ nhiễm là những người thường xuyên hít thở và tiếp xúc với những giọt nước trong không khí đã bị nhiễm khuẩn L.Pneumophila. Tuy nhiên không phải tất cả những ai tiếp xúc với tác nhân gây bệnh đều bị viêm phổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: Hút thuốc lá, người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi, người đã mắc các bệnh mạn tính khác. Chứng viêm phổi này có thể diễn biến nặng hơn so với các dạng viêm phổi không điển hình khác.
- Viêm phổi không điển hình do Chlamydophila (C.Pneumoniae): Dạng viêm phổi này thường diễn ra quanh năm và dễ gặp nhất ở trẻ em ở lứa tuổi học đường. Theo ước tính, có khoảng 50% người trưởng thành đã từng mắc phải căn bệnh này trước năm 20 tuổi. Người mắc bệnh thường chỉ có triệu chứng viêm phổi nhẹ và hiếm khi xuất hiện những ca bệnh nặng.
2. Triệu chứng viêm phổi không điển hình ở trẻ
Đa số viêm phổi không điển hình ở trẻ em sẽ có giai đoạn tiền triệu chứng bằng chứng viêm đường hô hấp. Trẻ em bị viêm phổi có thể bị sốt cao, sốt liên tục từ 39 đến 40 độ C. Ngoài ra trẻ còn có thể ho nhiều, ho thành cơn, ho khan khàn tiếng đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ...
Đặc biệt, Trẻ em bị viêm phổi do Mycoplasma có thể bị phát ban trong khi viêm phổi do Legionella thì có thể bị tiêu chảy và đôi khi lú lẫn.
Nhìn chung, các triệu chứng thực thể của viêm phổi không điển hình khá nghèo nàn. Việc thăm khám thường ít có biểu hiện rõ ràng như ở phổi hay các triệu chứng khác.
3. Các biện pháp chẩn đoán viêm phổi không điển hình
Đối với viêm phổi không điển hình, phương pháp chụp X-Quang thường đem lại kết quả chẩn đoán khá chính xác. Do viêm phổi không điển hình thường có kết hợp tổn thương ngoài phổi như: tổn thương gan, lách hay cơ tim, tổn thương màng phổi..v.v...nên hình ảnh X-Quang cũng giúp nhận diện và phân biệt viêm phổi với các bệnh hô hấp khác như viêm phế quản cấp.
Cụ thể, hình ảnh tổn thương phổi trên phim X-Quang chủ yếu là tổn thương ở nhu mô, hình lưới, mờ không đều,dạng lan tỏa rải rác toàn bộ 2 phế. Một số trường hợp sẽ thấy tràn dịch màng phổi một hoặc hai bên kèm theo, tuy nhiên lượng dịch không nhiều.
Để đánh giá tổng quan, bệnh nhân cũng có thể cần những xét nghiệm khác như:
- Nuôi cấy dịch tiết từ phổi để tìm vi khuẩn
- Phương pháp nhuộm Gram vi khuẩn
- Ngoáy lấy dịch họng
- Đếm tế bào máu: số lượng bạch cầu tăng hoặc tăng nhẹ, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính có thể không tăng
- Xét nghiệm kháng thể đặc hiệu trong máu
- Nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu máu
4. Các biện pháp điều trị viêm phổi không điển ở trẻ
4.1. Điều trị bằng kháng sinh
Để tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình thì kháng sinh là lựa chọn điều trị. Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ kháng sinh nhóm Macrolid (hữu ích trong việc điều trị nhiễm khuẩn). Nhóm kháng sinh tiếp theo là Quinolon cũng có hiệu quả cao với vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình.
Nếu trẻ em bị viêm phổi không nặng thì có thể dùng dạng uống, ngược lại nếu trẻ ở tình trạng viêm phổi nặng, suy thở thì nên dùng dạng kháng sinh tiêm đường tĩnh mạch, kết hợp với thở oxy.
Đa phần những trẻ em bị viêm phổi không điển hình có thể hồi phục hoàn toàn bằng điều trị kháng sinh. Tuy nhiên cha mẹ (người chăm sóc) cần lưu ý là phải sử dụng đủ liều kháng sinh cho một đợt điều trị, bởi nếu ngừng kháng sinh quá sớm thì nguy cơ tái phát nhiễm trùng là rất cao.
4.2. Chống suy hô hấp
Nếu trẻ em bị viêm phổi có dấu hiệu suy hô hấp cần sử dụng liệu pháp oxy (oxy bổ sung) kết hợp theo dõi sát nhịp thở, SaO2, khí máu, hút thông đường thở.
Song song với đó là truyền dịch để cung cấp đủ nước và chất điện giải cho trẻ. Giúp trẻ hạ sốt và bồi dưỡng thêm các chất dinh dưỡng để trẻ mau lại sức.
4.3. Các phương pháp điều trị hỗ trợ
Đối với trẻ còn nhỏ, nên tăng cường cho trẻ ăn đủ chất, bú đều đặn khi đang bệnh, tránh các tập quán kiêng ăn. Thường xuyên vệ sinh nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
Lưu ý nên cho trẻ uống nhiều nước hoặc khuyến khích cho trẻ bú nhiều hơn. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ em bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho và tránh bị mất nước .
Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, trong một số trường hợp viêm phổi không điển hình có thể dẫn tới các biến chứng viêm phổi nguy hiểm.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.