Đặc điểm tâm lý và các rối loạn do căn nguyên tâm lý ở trẻ nhỏ lứa tuổi bồng bế

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Ma Văn Thấm - Bác sĩ Nội Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Ở độ tuổi bế bồng, trẻ sống phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc, nuôi dưỡng, thường là mẹ - bố, hoặc người thay thế. Do đó tâm lý ở thời kỳ này chịu ảnh hưởng của thế giới bên ngoài rất rõ rệt.

1. Đặc điểm tâm lý của trẻ ở độ tuổi bế bồng

Trẻ mới sinh ngủ trong phần lớn thời gian của ngày. Trẻ ở lứa tuổi bế bồng có thể quan sát thấy 6 trạng thái xếp thành các cặp trạng thái như sau:

  • Ngủ yên tĩnh và ngủ hoạt động
  • Thức yên tĩnh và thức hoạt động
  • Ồn ào và khóc.

Trẻ có phản ứng khác nhau với những kích thích trong các trạng thái trên. Khả năng các giác quan cơ bản của trẻ lứa tuổi này có thể phát triển trước sự biểu hiện cố định các giác quan sau này.

Thị giác

Thị giác của trẻ tuổi bế bồng phát triển chưa hoàn thiện. Thị lực được cải thiện tốt dần lên theo thời gian. Khi trẻ 4 tháng tuổi, sử dụng phương pháp rèn luyện theo thói quen, khả năng nhìn về màu sắc đạt tương tự như người trưởng thành. Thị giác của trẻ phát triển tương đương người trưởng thành khi trẻ 6 tháng tuổi.

Thính giác

Khả năng nghe của trẻ đã được phát triển từ trước khi trẻ được sinh ra. Vì vậy, trẻ vừa mới sinh ra đã có xu hướng thích nghe những âm thanh hỗn hợp hơn là những âm thanh thuần túy, thích nghe tiếng người hơn là những âm thanh khác, thích nghe tiếng nói của mẹ hơn những tiếng nói của người khác và thích nghe ngôn ngữ mẹ đẻ hơn là loại ngôn ngữ khác. Những khả năng này đã được học từ khi còn nằm trong tử cung mẹ. Trẻ lứa tuổi bế bồng có thể khám phá trực tiếp rất tốt khi các âm thanh xuất hiện.

Khứu giác và vị giác

Ở trẻ tuổi bế bồng, các giác quan này được thể hiện qua sự biểu hiện khác nhau của trẻ hài lòng hoặc giận dữ khi trẻ tiếp nhận các mùi thơm dễ chịu (như sữa hoặc mật ong...) hay không dễ chịu (như mùi trứng thối, các chất có vị chua...). Trẻ dù được nuôi dưỡng bằng bú mẹ hay bú sữa bằng bình đều chỉ sau 3 ngày tuổi đã thể hiện thích sữa mẹ hơn các loại sữa nhân tạo khác. Bằng chứng còn thể hiện rất rõ qua việc trẻ càng nhiều tháng tuổi hơn càng thích sữa của mẹ mình hơn sữa của người khác.

Ngôn ngữ

Trẻ vừa sinh ra hầu như đã có khả năng phân biệt các âm thanh của tiếng người. Ngôn ngữ xuất hiện sau tháng thứ hai, ban đầu là các âm họng gừ gừ khi có người nhìn bé nói chuyện. Trẻ 6 tháng bắt đầu phát âm bập bẹ, tạo ra các âm tiết. Tháng thứ 10 - 12 biết nói từ đơn giản để chỉ điều mà trẻ muốn như ăn, uống, đi, chơi...


Trẻ đến tháng thứ 10 - 12 biết nói từ đơn giản
Trẻ đến tháng thứ 10 - 12 biết nói từ đơn giản

Xúc giác

Xúc giác là một giác quan được phát triển tốt ngay tại thời điểm trẻ được sinh ra. Dưới 05 tháng, về cảm giác có đặc điểm mang tính chất bất phân. Trẻ không phân biệt được vú mẹ và môi miệng của mình (cứ để gần miệng thì bú...) nắm được vật gì trong tay thì nắm chặt, không phân biệt được mình và vật. Người ta gọi là giai đoạn hòa mình mẹ và đồ vật. Từ tháng thứ sáu trở đi, bé có khả năng đưa tay ra nắm đồ vật, sờ mó chúng. Khi đó bé đã có sự kết hợp giữa mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nếm, mũi ngửi. Điều này giúp cho đứa bé dần dần nhận được những thuộc tính của các đồ vật. Đây là biểu hiện đầu tiên trong bước phát triển trí tuệ. Khoảng tháng thứ 8 - 9 trở đi, trẻ dần dần biết kết hợp các cảm giác hỗn hợp kế tiếp nhau. Trẻ bắt đầu nhận biết những đồ vật riêng biệt. Trẻ cũng hiểu biết được các quan hệ nhân - quả, thời gian - không gian một cách đơn giản.

Từ 8 tháng tuổi, trẻ đã có khả năng tìm kiếm để phát hiện ra những vật được giấu đi và sẽ kiên nhẫn phát hiện khi đồ vật di chuyển. Trẻ càng nhiều tháng tuổi hơn càng nhận biết tốt hơn về đối tượng sau lần quan sát đầu tiên. Thử nghiệm được tiến hành với sự xuất hiện của các đồ chơi được cho trẻ quan sát lặp đi lặp lại. Trước lứa tuổi 8 tháng, trẻ không có khả năng hiểu được về các đối tượng cố định, kể cả con người. Điều này giải thích cho việc trẻ không khóc khi mẹ rời đi. Từ sau tháng thứ 7 - 8, trẻ biết phân biệt người lạ với người mà nó gắn bó. Các biểu hiện lo sợ xuất hiện khi phải xa mẹ, người gắn bó, sợ người lạ, sợ nơi lạ...

Đau

Trẻ tuổi bế bồng có phản ứng đau tương tự các lứa tuổi sau này.

Cảm nhận và hiểu biết thế giới xung quanh của trẻ ở lứa tuổi này phụ thuộc vào khả năng phát triển vận động của trẻ đó. Sự phát triển vận động được nâng cao dần theo lứa tuổi như nâng đầu, lẫy, trườn bò, đứng và đi, do đó nâng cao dần phát triển của các giác quan và nhận thức của trẻ sự vật hiện tượng xung quanh. Sự phát triển của trẻ trong lứa tuổi này như giác quan, hệ thống ngôn ngữ và quan hệ xã hội phụ thuộc rất nhiều vào kích thích từ môi trường. Giai đoạn này được cho là giai đoạn then chốt. Nếu trẻ không có các kích thích thích hợp, sẽ thất bại trong các kỹ năng quan trọng cần thiết trong giai đoạn này mà những kỹ năng này lại không thể học được vào những giai đoạn sau đó. Thời kì này là thời kỳ "tạo lòng tin cơ bản" đối lập với" mất lòng tin". Những đứa trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng tốt, bảo đảm tính an toàn cho trẻ, sau này sẽ phát triển tâm lý tốt, dễ thích nghi. Nếu nuôi dưỡng kém, tạo sự hẫng hụt sớm, sau này sẽ kém thích nghi, thiếu khả năng giao tiếp ứng xử.

Trong vai trò chăm sóc nuôi dưỡng, MẸ - là người đóng vai trò chủ yếu và rất quan trọng. Sự giao tiếp ban đầu giữa mẹ và con, qua sự tác động qua lại giữa thân thể mẹ và con như bế bồng, ôm ấp, tắm rửa hoặc bú mớm, vuốt ve... hình thành quan hệ gắn bó Mẹ - Con.

Quan hệ gắn bó Mẹ - Con tạo ra sự tinh tế của bà mẹ trong cảm nhận và đáp ứng thích hợp các nhu cầu của trẻ, che chở, bảo đảm tính an toàn cho trẻ, giúp trẻ phát triển cân bằng các mặt.

Với em bé, sự cảm nhận, giao tiếp ban đầu giữa Mẹ và bé bằng xúc giác, vị giác, khứu giác, thị giác rất nhạy cảm, giúp cho quan hệ gắn bó Mẹ - Con chặt chẽ. Em bé nhìn nét mặt mẹ, ngửi hơi mẹ, ngậm đầu vú và nếm vị sữa của mẹ, nghe tiếng mẹ nựng, ru...cảm nhận sự mềm mại của da thịt mẹ, chờ đợi sự đáp ứng của mẹ với mọi yêu cầu của mình.

Một bà mẹ hiền ít nhất phải có 2 đức tính: sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con bất cứ lúc nào và nhậy cảm, đáp ứng đúng, kịp thời những tín hiệu con phát ra.

Nếu trong giai đoạn này, một số bà mẹ sau đẻ bị trầm cảm do stress hoặc thay đổi nội tiết, sinh lý như sinh con ngoài ý muốn, bị chồng bỏ rơi, mâu thuẫn với nhà chồng, trẻ quấy khóc hoặc bị bệnh... thường có khó khăn trong việc hình thành quan hệ gắn bó Mẹ - Con. Hậu quả của rối loạn mối quan hệ gắn bó Mẹ - Con biểu hiện đa dạng: biếng ăn, bỏ ăn, thiếu năng động, ít vận động, buồn bã, kêu khóc hoặc vật vã, ngủ ít...có thể biểu hiện những triệu chứng thực thể như nôn trớ, đau bụng, không tăng cân...

2. Rối loạn ăn uống ở trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ


Khoảng 35% số trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ có rối loạn ăn uống
Khoảng 35% số trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ có rối loạn ăn uống

Khoảng 35% số trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ có rối loạn ăn uống. Đó là những khó khăn trong ăn uống phổ biến là ăn quá ít hoặc quá nhiều, sở thích ăn uống bị giới hạn, những hành vi khó chấp nhận trong bữa ăn và những thói quen ăn uống kỳ dị...Một số rối loạn ăn uống trầm trọng như từ chối ăn, nôn trớ có thể liên quan đến việc trẻ kém tăng cân, chiếm 1 - 2% số trẻ dưới 1 tuổi.

Chẩn đoán:

  • Rối loạn ăn biểu hiện bằng trẻ thường xuyên không ăn đầy đủ và không tăng cân hoặc sút cân, kéo dài ít nhất một tháng.
  • Các rối loạn này không gây ra bởi các bệnh lý liên quan đến cơ quan tiêu hóa hoặc các tình trạng bệnh lý thực thể (Ví dụ : Luồng trào ngược dạ dày thực quản)
  • Các rối loạn này không phù hợp hơn cho các rối loạn tâm thần khác hoặc thiếu thức ăn.
  • Khởi phát bệnh trước 6 tuổi.

Các dạng rối loạn ăn uống:

2.1. Rối loạn ăn uống do sự mất ổn định

Thường xuất hiện trong vài tháng đầu sau sinh, được biểu hiện đặc trưng bằng khó tạo sự ổn định, êm dịu trong ăn uống, trẻ ăn uống không đủ, dẫn đến tăng cân không phù hợp theo lứa tuổi. Trẻ biểu hiện sự kém ổn định trong ăn uống như kích thích quấy khóc, dễ mệt mỏi và/hoặc ngủ quá nhiều. Bà mẹ thường biểu hiện lo âu, trầm cảm, tính cách bệnh lý và/hoặc các yếu tố sang chấn tâm lý (stress). Những vấn đề này ảnh hưởng đến khả năng nhậy cảm của mẹ đối với trẻ và khả năng tạo sự êm dịu và hiệu quả khi cho trẻ ăn.

2.2. Rối loạn ăn uống do rối loạn gắn bó

Thường bắt đầu xuất hiện ở lứa tuổi từ 2 – 8 tháng, biểu hiện đặc trưng bởi sự thiếu gắn bó giữa mẹ - con và sự kém phát triển thể chất rõ rệt. Bà mẹ thường từ chối về các rối loạn ăn uống của trẻ và trẻ thường được đưa đến các bác sỹ với các lý do thực thể và / hoặc kém phát triển về thể chất trầm trọng. Trẻ biểu hiện thiếu các đáp ứng xã hội phù hợp lứa tuổi như ít giao tiếp mắt, ít hóng chuyện, ít thích vuốt ve và ít chịu nằm im trong vòng tay mẹ. Phát triển tâm thần và vận động của trẻ có thể bị chậm so với tuổi. Bà mẹ có thể bị trầm cảm cấp tính hoặc mạn tính, rối loạn nhân cách, nghiện rượu hoặc ma túy và / hoặc sang chấn tâm lý trầm trọng. Các tình trạng bệnh lý của mẹ có thể dẫn đến bà mẹ thiếu cảm xúc khi chăm sóc trẻ và cho trẻ ăn không đều đặn.

2.3. Rối loạn ăn uống do chia ly (chán ăn ở trẻ bú mẹ)

Chán ăn ở trẻ bú mẹ thường gặp ở lứa tuổi 9 đến 18 tháng, trong giai đoạn trẻ chuyển dạng sang tự ăn uống. Rối loạn này đặc trưng bằng trẻ từ chối thức ăn, khiến cho cha mẹ lo lắng và xuất hiện mâu thuẫn trong quan hệ mẹ - con. Sự từ chối ăn của trẻ có thể đa dạng với các bữa ăn và người cho trẻ ăn khác nhau. Thông thường, trẻ biểu hiện trầm trọng nhất là bữa ăn do mẹ cho ăn. Sự từ chối ăn có thể làm cho trẻ kém tăng cân. Trong nhận định của cha mẹ, trẻ kém ngon miệng, nhưng nhanh nhẹn và đòi hỏi sự chú ý của mọi người, khó khăn và bướng bỉnh trong bữa ăn. Trẻ từ chối những cố gắng của cha mẹ khích lệ trẻ ăn uống. Cha mẹ thường hoảng sợ vì trẻ không ăn có thể chết đói. Cha mẹ lo âu và thất vọng về trẻ ăn uống kém, do đó thường dỗ dành trẻ ăn nhiều hơn, làm xao nhãng sự chú ý của trẻ sang các đồ chơi, trò chơi hoặc vô tuyến, dành nhiều thời gian sắp đặt cho bữa ăn của trẻ và/hoặc cưỡng bức ăn nếu cha mẹ thất bại với những cách thức này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe