Điều trị viêm gân bằng sóng xung kích

Hầu hết bệnh viêm gân có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên, điều trị viêm gân bằng sóng xung kích sẽ giúp người bệnh cảm thấy giảm đau nhanh, hiệu quả và thời gian điều trị nhanh.

1. Bệnh viêm gân là gì?

Gân được xem là phần kéo dài của cơ bám vào xương. Khi bị viêm gân, gân sẽ bị tổn thương hoặc bị viêm. Tình trạng viêm gân có thể khiến người bệnh đau nhức quanh khớp.

Gân có thể bị viêm tại mọi vị trí trên cơ thể. Một số loại viêm gân thường gặp như viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay, viêm chóp xoay, viêm gân bánh chè... Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của viêm gân là người bệnh sẽ cảm thấy đau tại vị trí xung quanh gân bị viêm, đau có đặc điểm sau:

  • Đau tăng dần, âm ỉ
  • Đau có tính chất chu kỳ, tập trung
  • Đau có thể kéo dài đến nhiều tháng, nhưng cũng có thể tự khỏi bệnh hoặc trở thành bệnh mạn tính.
  • Nếu đau tăng đột ngột sau một hoạt động hoặc mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ thì có thể là biến chứng đứt gân do viêm gân.

Viêm gân do nhiều nguyên nhân gây ra như chấn thương hoặc do hoạt động lặp lại liên tục tại một vị trí trong thời gian dài gây sức ép cho gân. Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm gân như tuổi tác, là vận động viên, thường xuyên rung chấn cơ thể, làm các công việc nặng nhọc.

Nếu không được điều trị, viêm gân có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Làm tăng nguy cơ bị đứt gân và cần phải điều trị bằng cách phẫu thuật. Nếu tình trạng kéo dài có thể gây ra bệnh viêm gân mãn tính, thoái hóa gân và phát triển các mạch máu mới bất thường.


Dấu hiệu của viêm gân là cảm thấy đau tại vị trí xung quanh gân bị viêm
Dấu hiệu của viêm gân là cảm thấy đau tại vị trí xung quanh gân bị viêm

2. Điều trị viêm gân bằng sóng xung kích

2.1. Tác dụng của sóng xung kích

Sóng xung kích là sóng âm có áp lực biến đổi đột ngột với biên độ lớn và ngắt quãng. Sóng xung kích có biên độ áp suất rộng đặc biệt, nên sóng được hấp thu tốt hơn trong môi trường cơ thể. Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn. Tác dụng của sóng xung kích là điều trị các bệnh lý cơ xương khớp với những tính năng vượt trội như:

  • Tương tác với các mô trong cơ thể, tạo ra tác động cục bộ, thúc đẩy quá trình phục hồi mô, tế bào, giảm đau, sưng viêm và khôi phục khả năng vận động do sóng âm mang năng lượng cao
  • Sóng xung kích là dòng máu dinh dưỡng cho sự bắt đầu và quá trình phục hồi các mô bị tổn thương, bởi sóng âm tạo ra sự đứt đoạn mao mạch nhỏ trong gân và xương khiến cho việc tái cấu trúc vi động mạch phát triển và hình thành mới. Những mạch máu mới sẽ cải thiện quá trình cung cấp máu, làm lành vết thương nhanh hơn ở gân, xương.
  • Tác động vào những điểm đau và mô cơ xương bị tổn thương, từ đó thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, tái tạo xương, gân và các mô mềm khác.
  • Ngoài các tác dụng của sóng xung kích như trên, nó còn sản xuất đủ lượng Collagen khiến cho quá trình phục hồi cấu trúc mô, xương, dây chằng bị tổn thương nhanh hơn. Sóng âm trong máy sóng xung kích có thể làm tan các khối vôi hóa, loại bỏ tình trạng vôi hóa sinh học để người bệnh có thể khôi phục khả năng vận động, đi đứng như bình thường.

2.2. Điều trị viêm gân bằng sóng xung kích

Hầu hết bệnh viêm gân có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau hoặc điều trị viêm gân bằng sóng xung kích. Ưu điểm của phương pháp điều trị này là:

  • Với phương pháp điều trị này, người bệnh sẽ cảm thấy giảm đau nhanh, hiệu quả.
  • Giúp cho người bệnh không cần phải can thiệp phẫu thuật hoặc tránh tiêm thuốc vào gân cơ khớp, từ đó giảm nguy cơ rách gân, đứt gân, teo da, nhiễm trùng... do thuốc tiêm.
  • Đặc biệt, thời gian điều trị của phương pháp này nhanh, thông thường từ 3-6 lần/liệu trình, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày và mỗi lần điều trị chỉ mất 10-15 phút.

Các bước tiến hành điều trị viêm gân bằng sóng xung kích như sau:

  • Bước 1: Thăm khám cho người bệnh trước khi thực hiện việc điều trị.
  • Bước 2: Hướng dẫn người bệnh nằm hoặc ngồi sao cho phù hợp với quá trình điều trị, bộc lộ vùng điều trị và thoa Gel lên vùng cần điều trị.
  • Bước 3: Người thực hiện việc điều trị thiết lập thông số trên máy sóng xung kích.
  • Bước 4: Xung quanh vị trí đau thực hiện kỹ thuật rê đầu súng với khoảng 500 xung, giúp bệnh nhân thích nghi. Sau đó, ngay điểm đau, vùng đau thực hiện trung bình 1500 xung, có thể tăng hoặc giảm, sử dụng kỹ thuật xoáy đầu súng.
  • Bước 5: Sau điều trị viêm gân bằng sóng xung kích cần kéo giãn cơ và thư giãn cơ bằng cách hướng dẫn bệnh nhân tự thực hiện kéo giãn. Với các bài tập chủ động, người bệnh chỉ nên thực hiện trong giới hạn 40% sức cơ và nên tập sau ngày thứ hai điều trị.

Điều trị viêm gân bằng sóng xung kích có nhiều ưu điểm
Điều trị viêm gân bằng sóng xung kích có nhiều ưu điểm

3. Lưu ý sau điều trị viêm gân bằng sóng xung kích

Sau điều trị viêm gân bằng sóng xung kích, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây nhằm phát huy tối đa quá trình điều trị và hạn chế bệnh tái phát:

  • Sau điều trị, tránh một gây sức ép lên vùng bị ảnh hưởng. Nếu cơn đau diễn ra trong quá trình tập luyện, nên dừng lại và nghỉ ngơi để thư giãn.
  • Kết hợp nhiều bài tập giúp giảm tình trạng một số bộ phận nhất định phải hoạt động liên tục. Tuy nhiên, cần điều chỉnh đúng tư thế khi tập nếu bị sai tư thế.
  • Từ từ duỗi căng các cơ sau khi tập để giảm các chấn thương, đồng thời tăng cường sức mạnh các cơ để giúp tăng khả năng chịu đựng của các cơ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe