Điều trị và phục hồi chức năng là một trong những hình thức trị liệu quan trọng nhất đối với những trẻ mắc bệnh bại não thể phối hợp. Trên thực tế, tất cả trẻ em bị bại não thể phối hợp, bất kể rối loạn ở mức độ nhẹ hay nặng đều được khuyên tập vật lý trị liệu, vừa giúp cải thiện triệu chứng của bại não, vừa hỗ trợ chức năng vận động bình thường cho trẻ.
1.Mục tiêu của điều trị và phục hồi chức năng bại não thể phối hợp
Trẻ em được chẩn đoán bại não thể phối hợp sẽ có mức độ kiểm soát, cân bằng và vận động khác nhau, tùy thuộc vào mức độ rối loạn nghiêm trọng như thế nào. Khi trẻ được tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, các bác sĩ, kỹ thuật viên có thể giúp giải quyết những vấn đề này bằng cách hỗ trợ trẻ tự giữ thăng bằng, tư thế, bò, leo trèo, đi bộ và các bài tập tăng cường cơ bắp.
Theo đó, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng bại não sẽ giúp trẻ bị bại não đạt được các mục tiêu như sau:
- Vượt qua những trở ngại do giới hạn về thể chất
- Tăng tính độc lập
- Giúp mở rộng phạm vi cử động
- Tăng cường sức mạnh cơ bắp
- Giảm nguy cơ biến dạng xương
- Nâng cao sự linh hoạt, cân bằng và tư thế
- Giảm những khó chịu và đau đớn về thể chất
2.Lợi ích khi cho trẻ tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng bại não thể phối hợp
Bản thân vật lý trị liệu đã có rất nhiều lợi ích, việc ứng dụng với trẻ em bị bệnh bại não sẽ đem lại những hiệu quả đặc biệt. Những lợi ích chính là giúp trẻ vượt qua những hạn chế về thể chất gây cản trở đáng kể đến cuộc sống hàng ngày. Để đạt được như vậy, quá trình tập luyện cần phải thực hiện lâu dài, kiên trì và tích cực, có sự phối hợp tốt với các chuyên khoa khác, bao gồm thần kinh, xương khớp và cả vấn đề dinh dưỡng.
Khi bắt đầu chương trình tập, nhà vật lý trị liệu sẽ xây dựng một kế hoạch điều trị chuyên biệt, cá thể hóa theo từng điểm mạnh và điểm yếu của mỗi trẻ, nhằm đạt được lợi ích là cải thiện các tình trạng của trẻ, hạn chế các di chứng của bệnh bại não như sau:
- Nhược cơ
- Phạm vi chuyển động hạn chế
- Mất chức năng khớp
- Co cứng cơ
- Đau cơ và khớp
- Viêm khớp
3.Những điều kiện cần có của điều trị và phục hồi chức năng bại não thể phối hợp
Nhân lực
Các bài vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng bại não thể phối hợp cần được thiết kế và thực hiện bởi các nhà vật lý trị liệu chuyên nghiệp và kinh nghiệm đối với đối tượng là trẻ em bị bại não.
Đội ngũ nhân lực này có thể xuất phát với trình độ nền tảng là bác sĩ hay kỹ thuật viên, đã được đào tạo chuyên môn cao cấp với các lĩnh vực y khoa, sinh học, vật lý, hóa học, giải phẫu học, sinh lý, chuyển hóa, dinh dưỡng và cả tăng trưởng và phát triển con người.
Ngoài ra, vấn đề luyện tập cho trẻ về mặt lâu dài sẽ còn cần nhờ đến sự góp sức của các trợ lý vật lý trị liệu. Đội ngũ này sẽ làm việc dưới sự giám sát của nhà vật lý trị liệu, nhằm duy trì các bài tập và theo dõi, đánh giá tiến triển các khả năng vận động của trẻ hằng ngày tại trung tâm hay tại nhà.
Địa điểm
Việc thực hiện các bài tập phục hồi chức năng bại não thể phối hợp cho trẻ có thể diễn ra ở một số cơ sở chuyên biệt cho trẻ bị bại não hay các trung tâm thông thường, bao gồm cơ sở y tế ngoại trú hoặc phòng khám, trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm điều dưỡng... cũng như có thể tại nhà.
Trong nhiều trường hợp, khi khả năng phục hồi của trẻ đã đạt mục tiêu tương đối, vấn đề tập luyện lâu dài nên được một nhà vật lý trị liệu thiết kế và hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc để duy trì thực hiện cho trẻ tại nhà.
Trang bị - thiết bị
Các nhà vật lý trị liệu thường sẽ cần sử dụng thêm một loạt các phương tiện hỗ trợ giúp đa dạng, linh hoạt bài tập cũng như tăng cường tính hiệu quả điều chỉnh, hồi phục khả năng vận động cho trẻ.
Ví dụ như các thiết bị niềng, nẹp và chèn giày, lót giày là các loại dụng cụ chỉnh hình thường được sử dụng để giúp cho trẻ dễ dàng đi lại hơn, thay đổi tư thế và di chuyển, cử động khớp.
Ngoài ra, các bài tập vật lý trị liệu cũng thường cần đến các công cụ hỗ trợ khác như sau:
- Bóng tập thể dục
- Quả tạ
- Dây đàn hồi
- Bể nước
4.Có bất kỳ nguy cơ nào khi tập vật lý trị liệu đối với trẻ bị bại não hay không?
Mặc dù các nhà vật lý trị thiết kế chi tiết một chương trình tập luyện riêng theo từng trẻ, rất khó tránh khỏi sai sót do các khiếm khuyết cơ thể cá nhân không lường trước được. Chính điều này sẽ gây ra các nguy cơ khi tập, nhất là khi cần phối hợp với dụng cụ, và theo đó tiến trình cải thiện cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nếu những động tác phục hồi chức năng được thực hiện quá mức so với phạm vi cử động của trẻ, cường độ quá cao trong mỗi lần tập thì cũng có thể gây thương tích hoặc đau đớn không cần thiết, đó không phải là mục tiêu của vật lý trị liệu. Trái lại, những bài tập cơ bản ban đầu cũng không thể tuyệt đối không gây khó chịu hay đau đớn gì cho trẻ. Chìa khóa để giảm thiểu rủi ro khi tập vật lý trị liệu đối với trẻ bị bại não và tối đa hóa kết quả là cần phối hợp với tiếp xúc giao tiếp cởi mở với trẻ, song trên hết vẫn là tấm lòng yêu trẻ và tâm huyết với công việc.
Tóm lại, điều trị và phục hồi chức năng bại não thể phối hợp bằng các bài tập vật lý trị liệu là một trong các bước đầu tiên song song với điều trị chuyên biệt. Các hình thức này có thể giúp cải thiện kỹ năng vận động, tăng cường sức mạnh cơ bắp và tính linh hoạt xương khớp, giúp chăm sóc cho trẻ bị bại não có một cuộc sống độc lập hơn. Chính vì thế, cần bắt đầu tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt để mang đến cho trẻ cơ hội cải thiện tốt nhất trong tương lai.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.