Điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng cấp tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCKI. Lê Văn Quảng là chuyên gia về lĩnh vực Tai Mũi Họng với 15 năm kinh nghiệm.

Viêm mũi họng cấp là một bệnh nhiễm trùng do virus khá phổ biến, thường xảy ra khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời chuyển lạnh. Viêm mũi họng cấp ở trẻ em thường có các triệu chứng như đau họng, chảy hoặc tắc nước mũi, sốt và ho.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em

Viêm mũi họng cấp là một bệnh lý cấp tính hay gặp trong chuyên khoa tai mũi họng, thể hiện ở việc viêm cấp tính niêm mạc vùng mũi và họng và hay kết hợp với viêm amidan.

Bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em tuy phổ biến và thông thường nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Biến chứng tại chỗ: Sưng, viêm tấy, áp-xe quanh amidan, áp-xe thành sau, thành bên họng, viêm mũi xoang cấp. Viêm tấy hoại thư vùng cổ họng ít gặp nhưng nếu đã gặp thì tiên lượng rất nặng.
  • Biến chứng gần: Viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp.
  • Biến chứng xa: Viêm cầu thận, viêm khớp (thấp tim tiến triển), viêm màng tim, choáng nhiễm độc liên cầu, hoặc có thể nhiễm trùng máu...

Viêm mũi họng cấp là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra
Viêm mũi họng cấp là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra

2. Vì sao trẻ bị viêm mũi họng cấp?

Trong giai đoạn môi trường sống, thời tiết nhiều biến đổi như ngày nay, trẻ rất dễ mắc viêm mũi họng cấp. Có nhiều nguyên nhân đa dạng dẫn đến chứng viêm mũi họng cấp ở trẻ em như:

2.1 Do môi trường sống thay đổi

  • Thời tiết thay đổi đột ngột, trời lạnh, mưa ẩm
  • Khói xe, khói thuốc lá, than, bụi bẩn, ô nhiễm môi trường
  • Trẻ mới được cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn dặm
  • Trẻ bắt đầu đi học nhà trẻ, mẫu giáo....

2.2 Do virus, vi khuẩn, nấm

  • Do virus (Chiếm tỷ lệ 60-80%): Virus cúm, sởi, virus Adeno, virus Parainfluenzae, virus Coxsackie A hoặc B, virus Herpes gây viêm miệng, virus Zona gây viêm họng có bóng nước Zona. Epstein Barr Virus (EBV hay Herpesvirus 4) gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn cũng như gây viêm mũi họng cấp tính.
  • Do vi khuẩn (Chiếm tỷ lệ 20-40%): Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A,B,C,G; vi khuẩn Haemophilus influenzae (HIB), Moraxella catarrhalis, Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng); các vi khuẩn kị khí....Trong đó nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes) thường lây lan qua nước mũi, nước bọt do khi nói, khi ho hay hắt hơi...nếu để lâu có thể gây nên biến chứng như viêm cầu thận cấp, viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển).
  • Do nấm: Candida

3. Triệu chứng trẻ bị viêm mũi họng cấp

Các triệu chứng viêm mũi họng cấp thường xuất hiện trong vòng 1 đến 3 ngày sau khi bị nhiễm bệnh và thường kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày hoặc có thể kéo dài hơn tùy theo tiến trình chữa trị. Một số dấu hiệu điển hình của viêm mũi họng cấp bao gồm:

  • Triệu chứng toàn thân: Trẻ bị sốt nhẹ hoặc sốt cao có thể lên đến 39,40 độ. Người ớn lạnh, đau đầu, cơ thể nhức mỏi, chán ăn...
  • Triệu chứng cơ năng: Nghẹt mũi nghiêm trọng, chảy nước mũi (lúc đầu trong nhầy, sau đục) khiến việc hít thở bằng mũi khó. Hắt hơi, vòm họng nhớt, đau họng hoặc cổ họng; ho (lúc đầu ho khan, sau ho có đờm, ho kích thích). Giọng nói mất trong hay khàn nhẹ, mỗi lần nuốt thấy đau, đau nhói lan lên tai, giảm thính giác, khứu giác; chảy nước mắt hoặc nước mũi...
  • Triệu chứng thực thể: Niêm mạc họng đỏ rực, với trẻ em hay bệnh nhân trẻ tuổi thấy rõ amidan sưng to, xung huyết hoặc có những chấm mủ trắng phủ trên bề mặt amidan. Sưng và đỏ niêm mạc mũi, xung huyết, xuất tiết nhầy, có thể bị sưng hạch góc hàm, khi ấn thấy đau nhẹ...

Có nhiều nguyên nhân đa dạng dẫn đến chứng viêm mũi họng cấp ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân đa dạng dẫn đến chứng viêm mũi họng cấp ở trẻ em

4. Trẻ hay bị viêm mũi họng phải làm sao?

Thông thường viêm mũi họng cấp do virus sau 3-5 ngày là tự khỏi, các triệu chứng sẽ giảm dần rồi hết. Nếu viêm mũi họng cấp do virus bị bội nhiễm (nhất là bội nhiễm liên cầu) thì bệnh sẽ kéo dài hơn, cần điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ nếu không muốn xảy ra biến chứng viêm mũi họng cấp...

Để điều trị viêm mũi họng cấp, cha mẹ tập trung vào điều trị triệu chứng để giúp hạ sốt, giảm đau, kháng viêm cho trẻ. Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt như Paracetamol khi có dấu hiệu sốt từ 38,5 độ trở lên, đồng thời cho trẻ bù nước và chất điện giải bằng dung dịch oresol (ORS) theo chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc kháng viêm Alphachymotrypsin, Aspirin với liều lượng phù hợp với trẻ em. Dùng các thuốc tây y hoặc đông y (mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh) để chữa ho cho trẻ.

Ngoài ra cần để trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bổ sung chế độ dinh dưỡng nhiều chất, dễ tiêu hóa, giàu năng lượng (trái cây, nhiều vitamin C,B1...) để sớm hồi phục.

5. Phòng ngừa viêm mũi họng cấp ở trẻ em

Phương pháp phòng ngừa viêm mũi họng cấp ở trẻ em tốt nhất là:

  • Giữ ấm cơ thể (cổ, ngực, gan bàn chân) khi thời tiết thay đổi, chuyển lạnh.
  • Vệ sinh miệng, họng sạch sẽ bằng cách đánh răng thường xuyên sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Dạy trẻ súc họng bằng nước muối nhạt hằng ngày.
  • Đảm bảo môi trường sống xung quanh trẻ trong lành, tránh khói bụi, ẩm mốc, ô nhiễm, chật chội.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với người lớn hoặc trẻ em đang mắc bệnh.
  • Cha mẹ nên cân bằng chế độ dinh dưỡng, thực hiện tiêm chủng mở rộng định kỳ để tăng sức đề kháng cơ thể của trẻ.
  • Trong quá trình điều trị viêm mũi họng cấp, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ, không tự ý nhỏ thuốc co mạch kéo dài cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Hướng dẫn cách rửa mũi đúng cách cho bé

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe