Những cách điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào một số yếu tố như kích thước của khối u, vị trí và mức độ lây lan cũng như tình trạng tổng thể của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thường nhằm kiểm soát sự phát triển của ung thư, giảm các triệu chứng không thoải mái và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Lê Thị Nhã Hiền - Bác sĩ Nội ung bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Ung thư thực quản có chữa được không?
Ung thư thực quản có chữa được không là vấn đề mà bệnh nhân và người thân lo lắng sau khi có chẩn đoán mắc bệnh.
Hiệu quả của việc điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và phản ứng của cơ thể với liệu pháp. Việc phát hiện ung thư thực quản ở giai đoạn sớm đem lại tỷ lệ thành công cao hơn trong điều trị.
Những trường hợp bệnh nhân phát hiện ung thư thực quản giai đoạn sớm chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại đa số các trường hợp đều được chẩn đoán ở giai đoạn 3 hoặc 4 - khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị và hy vọng sống của bệnh nhân. Việc điều trị cho những bệnh nhân giai đoạn muộn không còn mục đích chữa khỏi mà thay vào đó là kéo dài thời gian sống và giảm nhẹ các triệu chứng do bệnh gây ra.
2. Các phương pháp điều trị ung thư thực quản
2.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư thực quản. Tùy thuộc vào mức độ lan rộng của khối ung thư mà phẫu thuật có thể là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết lân cận và các tổ chức khác trong khu vực bị ảnh hưởng.
Phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày giúp bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục nuốt và tiêu thụ thức ăn như bình thường. Một số trường hợp đoạn cắt bỏ quá dài, đoạn nối có thể được lấy từ một đoạn của ruột non hoặc một ống nhựa. Phẫu thuật viên có thể mở rộng đoạn nối giữa dạ dày và thực quản giúp thức ăn đi xuống dạ dày dễ dàng hơn.
2.2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng nguồn tia có năng lượng cao. Tia phóng xạ phát ra có thể xuất phát từ máy xạ trị (xạ ngoài), hoặc từ hoạt chất có hoạt tính phóng xạ được đặt vào khối u (xạ trong). Để quá trình xạ trị trở nên thuận lợi, bác sĩ sẽ đặt một ống nhựa vào để giúp thực quản luôn mở.
Phương pháp này có thể được dùng đơn lẻ để điều trị bệnh hoặc kết hợp hoá chất như một biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật đặc biệt khi khối u lớn và ở vị trí khó khăn cho phẫu thuật. Điều trị bằng phương pháp này giúp giảm đau và giúp bệnh nhân nuốt dễ dàng hơn.
2.3. Hoá trị
Hóa trị được áp dụng đối với các giai đoạn ung thư đã tiến xa hoặc di căn. Bằng cách tiêm các hóa chất kháng ung thư vào tĩnh mạch, các hóa chất này theo hệ thống tuần hoàn máu lưu thông khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hoá trị có thể điều trị kết hợp với xạ trị như một biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật nhằm giảm kích thước khối u trước phẫu thuật.
2.4. Điều trị laser
Phương pháp này chủ yếu sử dụng ánh sáng năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp laser chỉ ảnh hưởng đến các tế bào trong vùng điều trị tác dụng phá huỷ tổ chức ung thư và giải phóng vùng tắc nghẽn của ung thư thực quản, làm thuyên giảm triệu chứng khó nuốt của người bệnh.
2.5. Điều trị quang động học
Khi chiếu một loại ánh sáng đặc biệt vào các tế bào này, các thuốc đặc hiệu (hấp thụ chủ yếu bởi tế bào ung thư) sẽ trở nên linh hoạt có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời làm giảm triệu chứng khó nuốt do ung thư thực quản gây ra.
Ngoài ra, một số trường hợp phải phối hợp điều trị đa mô thức ( phối hợp nhiều phương pháp điều trị), điều trị triệu chứng đối với các bệnh nhân không thể chịu được phẫu thuật, hóa trị, hoặc xạ trị như đặt stent thực quản, chăm sóc giảm nhẹ...
Bệnh nhân cũng có thể lựa chọn các phương pháp mới trong điều trị ung thư thực quản được bác sĩ đề nghị. Các bác sĩ sẽ so sánh hiệu quả các biện pháp điều trị bằng cách phân loại bệnh nhân. Một nhóm bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp mới và một nhóm được điều trị bằng phương pháp thông thường (điều trị chuẩn). Thông qua kết quả thu được, bác sĩ có thể so sánh và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
3. Tác dụng phụ trong và sau quá trình điều trị
Tùy thuộc vào loại phương pháp điều trị và cơ địa mà phản ứng thường khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ giải thích về các tác dụng phụ trước khi điều trị và đưa ra các biện pháp giúp làm giảm các triệu chứng này. Cụ thể:
- Phẫu thuật: Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân có thể cảm thấy đau và tăng cảm giác trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được kiểm soát bằng một số loại thuốc.
- Xạ trị: Phương pháp này không chỉ tác động xấu đến các tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh. Tác dụng phụ của xạ trị nhiều hay ít phụ thuộc vào vùng điều trị và liều điều trị. Bệnh nhân xạ trị thường gặp các triệu chứng như khô, đau họng, miệng, khó nuốt, sưng đau lợi, mệt mỏi và vùng da tại vị trí xạ trị bị thay đổi. Đồng thời, người bệnh có thể mất cảm giác ngon miệng khi ăn.
- Hoá trị: Cũng giống như xạ trị, hoá trị có thể ảnh hưởng đến cơ quan bình thường trong cơ thể. Tác dụng phụ sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thuốc điều trị và liều điều trị. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn, giảm cảm giác ngon miệng, rụng tóc, đỏ da, ban đỏ, đau môi và họng miệng. Nặng hơn nữa là các biến chứng lên hệ tạo huyết như thiếu máu, sốt giảm bạch cầu hạt...Các triệu chứng này sẽ thuyên giảm trong quá trình hồi phục giữa các đợt điều trị hoặc sau khi điều trị liệu trình kết thúc.
- Điều trị Laser: Bệnh nhân có thể cảm thấy đau một thời gian ngắn trong quá trình điều trị nhưng có thể kiểm soát được bằng thuốc. Điều trị quang động học có thể làm tăng độ nhạy cảm ở da và mắt với ánh sáng sau 6 tuần điều trị hoặc lâu hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị ho, khó nuốt, đau bụng, đau khi thở, hoặc cảm giác hụt hơi sau khi được điều trị.
4. Theo dõi sau điều trị ung thư thực quản
Bệnh ung thư thực quản là bệnh lý có khả năng tái phát, di căn xa nhanh vì thế bệnh nhân sau khi điều trị thành công vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. Trong 2 năm đầu, bệnh nhân được hẹn khám 3 tháng/lần; từ năm thứ 2 là 4 - 6 tháng/lần.
Bệnh nhân cần theo dõi về cân nặng, khả năng nuốt và cảm giác nuốt sau khi điều trị ung thư thực quản. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu, nội soi, sinh thiết hoặc CT.
Ngoài ra, các tác dụng phụ sau điều trị ung thư thực quản cũng là mối quan tâm của bác sĩ và người bệnh. Các biến chứng nguy hiểm cần được theo dõi như hẹp, rò miệng nối, viêm phổi, viêm trung thất.
Liệu pháp miễn dịch tự thân đã được áp dụng tại Nhật Bản từ năm 1990 nay đã được đưa vào điều trị bệnh nhân ung thư, trong đó có bệnh ung thư thực quản và đã được áp dụng tại hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Liệu pháp điều trị này giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại tế bào ung thư. Cụ thể là tăng hiệu quả điều trị ung thư thực quản khi kết hợp với các phương pháp điều trị kinh điển (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật) lên tới 21 - 31%. Liệu pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó làm giảm tình trạng mệt mỏi mãn tính, giảm nguy cơ mắc các bệnh tật khác như cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,... ở bệnh nhân ung thư.
Liệu pháp ít gây tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Không gây đau đớn cho bệnh nhân do tế bào miễn dịch được lấy trực tiếp từ tế bào gốc của cơ thể người bệnh. Khi truyền vào cơ thể có thể gây sốt hoặc đau nhưng với tỷ lệ rất thấp < 1%.
Bác sĩ Lê Thị Nhã Hiền có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ. Hiện bác sĩ đang công tác tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.