Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Ung thư đại tràng là sự phát triển không kiểm soát của tế bào tạo nên các khối u tại đại tràng. Nếu đã được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng, nhóm chăm sóc ung thư sẽ thảo luận với bạn về các lựa chọn điều trị. Việc điều trị ung thư đại tràng sẽ được cân nhắc phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh để hạn chế tối thiểu các rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra.
1. Điều trị tại chỗ
Là điều trị khối u mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể. Điều trị tại chỗ hiệu quả đối với các ung thư giai đoạn sớm. Các phương pháp điều trị tại chỗ ung thư đại trực tràng bao gồm: Phẫu thuật và xạ trị
1.1 Phẫu thuật ung thư đại tràng
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị chính cho ung thư đại tràng giai đoạn sớm. Phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào giai đoạn (mức độ lan rộng) của ung thư, vị trí khối u và mục tiêu của phẫu thuật.
Phẫu thuật ung thư đại tràng bằng cách cắt bỏ một phần đại tràng, hoặc cắt bỏ trực tràng tùy theo vị trí khối u cùng các hạch lân cân và tái lập lưu thông đường tiêu hóa.
Các dạng phẫu thuật ung thư đại trực tràng bao gồm:
- Phẫu thuật cắt polyp và cắt u khu trú: Một số ung thư đại tràng sớm (giai đoạn 0 và một số giai đoạn I) và hầu hết các polyp có thể được cắt bỏ trong quá trình nội soi.
- Phẫu thuật cắt đại tràng: Là phẫu thuật cắt bỏ tất cả hoặc một phần của đại tràng kèm các hạch bạch huyết lân cận.
- Phẫu thuật ung thư đại tràng lan rộng: Trong một số trường hợp ung thư lan sang các cơ quan khác và khối u gây tắc đại tràng, phẫu thuật có thể được thực hiện để làm giảm tắc nghẽn mà không cần cắt bỏ phần đại tràng chứa ung thư. Thay vào đó, đại tràng được cắt phía trên khối u và được gắn vào một lỗ (mở trên da bụng) để phân thải ra, gọi là hậu môn nhân tạo. Phương pháp này có thể giúp bệnh nhân đủ thời gian phục hồi để bắt đầu các phương pháp điều trị khác.
1.2 Xạ trị ung thư đại tràng
Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Xạ trị trước phẫu thuật giúp thu nhỏ khối u và dễ loại bỏ hơn. Xạ trị sau phẫu thuật giúp tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể bị sót lại.
Các loại xạ trị khác nhau có thể được sử dụng để điều trị ung thư đại trực tràng.
- Xạ trị chùm ngoài (external-beam radiation therapy - EBRT)
- Xạ trị trong (internal radiation therapy - brachytherapy)
- Xạ điều trị tắc mạch (radioembolization)
Nếu sắp được xạ trị, bạn cần phải hỏi bác sĩ trước về các tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn có thể xảy ra. Các tác dụng phụ có thể có của xạ trị đối với ung thư đại trực tràng bao gồm:
- Kích ứng da tại vị trí chiếu xạ, có thể từ đỏ đến phồng rộp và tróc da
- Vấn đề với việc chữa lành vết thương nếu xạ trị trước phẫu thuật
- Buồn nôn
- Kích thích trực tràng, có thể gây ra tiêu chảy, co thắt ruột hoặc máu trong phân
- Đại tiện không tự chủ (rò phân)
- Kích thích bàng quang, có thể gây ra các vấn đề như cảm giác mót rặn (cảm giác luôn muốn đại tiện), nóng rát hoặc đau khi đi tiểu, hoặc máu trong nước tiểu
- Mệt mỏi.
Hầu hết các tác dụng phụ sẽ cải thiện dần theo thời gian sau kết thúc điều trị, nhưng một số vấn đề có thể không biến mất hoàn toàn. Nếu nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy nói chuyện với bác sĩ ngay có thể giúp cải thiện tác dụng phụ.
2. Điều trị toàn thân
Ung thư đại trực tràng cũng có thể được điều trị bằng thuốc, đường uống hoặc trực tiếp vào máu, gọi là liệu pháp toàn thân vì chúng có thể đến các tế bào ung thư khắp cơ thể. Tùy thuộc vào loại ung thư đại trực tràng, có thể sử dụng các loại thuốc khác nhau:
- Hóa trị
- Thuốc điều trị nhắm trúng đích
- Liệu pháp miễn dịch
2.1 Hóa trị ung thư đại trực tràng
Mục đích của hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hóa trị liệu toàn thân: Thuốc được đưa thẳng vào máu thông qua tĩnh mạch hoặc đường miệng. Các loại thuốc xâm nhập vào máu và đến toàn cơ thể, có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng lan sang các bộ phận khác.
- Hóa trị vùng: Thuốc được đưa ngay vào động mạch dẫn đến vùng có khối u, tập trung hóa trị vào các tế bào ung thư ở vùng đó, giúp giảm tác dụng phụ do hạn chế lượng thuốc đến các vùng còn lại của cơ thể. Truyền động mạch gan, hoặc hóa trị đưa trực tiếp vào động mạch gan, là một ví dụ về hóa trị vùng ung thư di căn gan.
Hóa trị được điều trị theo chu kỳ, sau mỗi đợt điều trị là khoảng thời gian nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian phục hồi. Chu kỳ hóa trị thường kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần, bệnh nhân thường được điều trị một vài chu kỳ.
Hóa trị có thể được áp dụng tại các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị ung thư đại trực tràng:
- Hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật: Mục tiêu là tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể còn sót lại sau phẫu thuật, cũng như các tế bào ung thư thoát ra khỏi khối u và di căn đến các bộ phận khác nhưng quá nhỏ không thể nhìn thấy trên các xét nghiệm hình ảnh, và giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát.
- Hóa trị tân bổ trợ (đôi khi kèm xạ trị): Sử dụng trước phẫu thuật để cố gắng thu nhỏ ung thư và dễ cắt bỏ hơn, thường được áp dụng cho ung thư trực tràng.
- Đối với các ung thư tiến triển đã lan đến các cơ quan khác như gan, hóa trị có thể giúp thu nhỏ khối u và giảm bớt các vấn đề mà chúng gây ra. Mặc dù không có khả năng chữa ung thư, nhưng thường giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn.
Các tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào loại và liều lượng thuốc và thời gian sử dụng. Tác dụng phụ thường gặp của hóa trị có thể bao gồm:
- Rụng tóc
- Loét miệng
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn và ói mửa
- Bệnh tiêu chảy
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng (do quá ít bạch cầu)
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do quá ít tiểu cầu)
- Mệt mỏi (do quá ít hồng cầu).
Ngoài ra, còn một số thuốc có những tác dụng phụ đặc trưng như: Hội chứng chân tay, bệnh lý thần kinh (tổn thương thần kinh, phản ứng dị ứng).
2.2 Thuốc điều trị nhắm trúng đích
Phương pháp này giúp ức chế sự phát triển, xâm lấn và di căn của khối u nhưng không làm tổn thương những tế bào thường. Thuốc điều trị nhắm trúng đích hoạt động khác với thuốc hóa trị, và thường có ít tác dụng phụ hơn, có thể được sử dụng cùng với hóa trị hoặc dùng riêng nếu hóa trị không hiệu quả.
2.2.1 Thuốc nhắm đích vào sự tạo thành mạch máu (VEGF)
Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (vascular endothelial growth factor-VEGF) là một loại protein giúp khối u hình thành các mạch máu mới để có chất dinh dưỡng phát triển. Thuốc ngăn chặn VEGF hoạt động có thể sử dụng để điều trị một số ung thư đại trực tràng, bao gồm:
- Bevacizumab (Avastin)
- Ramucirumab (Cyramza)
- Ziv-aflibercept (Zaltrap)
Các thuốc này được truyền tĩnh mạch (IV) mỗi 2 hoặc 3 tuần, thường kết hợp với hóa trị, có thể giúp bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng tiến triển sống lâu hơn.
Tác dụng phụ có thể có của thuốc nhắm đích VEGF:
- Huyết áp cao
- Mệt mỏi, nhức đầu
- Bạch cầu thấp (tăng nguy cơ nhiễm trùng)
- Loét miệng, ăn mất ngon
- Tiêu chảy
2.2.2 Thuốc nhắm đích EGFR
Thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor receptor - EGFR) là một loại protein giúp các tế bào ung thư phát triển, thường có rất nhiều trên bề mặt tế bào ung thư. Thuốc nhắm đích EGFR có thể được sử dụng để điều trị một số ung thư đại trực tràng tiến triển, bao gồm:
- Cetuximab (Erbitux)
- Panitumumab (Vectibix)
Tác dụng phụ có thể có của thuốc nhắm đích EGFR là phát ban (giống như mụn trứng cá) trên mặt và ngực, đôi khi có thể nhiễm trùng, và có thể dẫn đến bong tróc da.
2.2.3 Thuốc điều trị nhắm đích khác
Regorafenib (Stivarga) là loại nhắm đích được gọi là chất ức chế kinase. Kinase là các protein trên hoặc gần bề mặt tế bào mang các tín hiệu quan trọng đến trung tâm điều khiển tế bào. Regorafenib chặn một số protein kinase giúp tế bào u phát triển hoặc giúp hình thành các mạch máu mới để nuôi khối u. Chặn các protein này có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.
Thuốc được sử dụng để điều trị ung thư đại trực tràng tiến triển, khi các loại thuốc khác không còn hữu ích, và được dùng bằng đường uống.
2.3 Liệu pháp miễn dịch cho ung thư đại trực tràng
Liệu pháp miễn dịch là sử dụng thuốc giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư, có thể điều trị một số ung thư đại trực tràng tiến triển.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, tiêu chảy, phát ban da và ngứa.
Hãy thảo luận về tác dụng phụ với nhóm chăm sóc ung thư của bạn, và thông báo về bất kỳ tác dụng phụ hoặc thay đổi nhận thấy trong khi hóa trị để có thể được điều trị ngay lập tức. Trong một số trường hợp, có thể cần giảm liều thuốc hóa trị hoặc điều trị có thể cần trì hoãn hoặc ngừng để không trở nên tồi tệ hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ