Điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Tô Kim Sang - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tổ chức Ung thư Toàn cầu Globocan năm 2020 ghi nhận ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp đứng hàng thứ 4 ở nữ giới với hơn 600000 ca mắc mới và hơn 340000 ca tử vong. Hiện nay, y học càng ngày càng phát triển vượt bậc mang lại hy vọng điều trị cho người bệnh ung thư, trong đó bao gồm cả điều trị ung thư cổ tử cung.

1. Nguyên nhân nào gây ra ung thư cổ tử cung?

  • HPV là tác nhân lây truyền qua đường tình dục và hơn 99% bệnh nhân ung thư cổ tử cung có nhiễm HPV.
  • Ức chế miễn dịch: Thuốc hay các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như HIV gây tăng nguy cơ nhiễm HPV, dẫn đến ung thư cổ tử cung.
  • Tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung càng tăng (bệnh thường được phát hiện giữa độ tuổi 35-44, trung bình là 50 tuổi và 20% trường hợp phát hiện sau 65 tuổi)
  • Hút thuốc, béo phì, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài, quan hệ tình dục không an toàn và chế độ ăn ít rau quả.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do vậy, để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, giới nữ từ 9 -26 tuổi, chưa quan hệ tình dục nên tiêm vắc xin phòng chống virus HPV. Những phụ nữ đã có gia đình hay đã quan hệ tình dục nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung bằng các phương pháp như Thinprep Pap test, HPV DNA test.

2. Người bị ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?

Bệnh ung thư cổ tử cung thường xuất phát từ các tổn thương tiền ung diễn ra âm thầm từ 10 – 15 năm trước đó. Tỉ lệ sống còn của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, chủng tộc và quan trọng hơn hết là giai đoạn bệnh. Theo thống kê từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ 2011-2017, có khoảng 44% trường hợp phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung xâm lấn khi bệnh ở giai đoạn sớm. Khi đó, khả năng sống 5 năm của người bệnh được ước tính là 92%. Tuy nhiên, trường hợp các tế bào ung thư đã lan ra xung quanh hoặc đã di căn hạch, tỉ lệ này giảm còn 58% hay thậm chí chỉ 18% nếu các tế bào ung thư đã di căn xa.

Do vậy, ung thư cổ tử cung có thể sẽ được ngăn ngừa bằng biện pháp tầm soát ung thư và sẽ được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và được điều trị bằng phương pháp thích hợp. Bệnh ung thư càng để lâu thì khả năng điều trị càng giảm và càng tốn kém.

3. Điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn

3.1. Điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiền ung thư

Tổn thương tiền ung cổ tử cung là tổn thương chứa các tế bào bất thường chỉ mới xuất hiện trong lớp biểu mô ở cổ tử cung, chưa xâm lấn qua màng đáy đến các lớp sâu hơn và chưa lan ra các cấu trúc lân cận.

Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể sử dụng những phương pháp điều trị tại chỗ như áp lạnh bằng nitơ lỏng, đốt nhiệt, laser hay khoét chóp, nghĩa là cổ tử cung sẽ bị cắt một phần nhỏ theo hình nón...nhằm hạn chế xâm lấn, bảo tồn chức năng sinh sản nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.


Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn tiền ung thư bằng cách điều trị tại chỗ để giữ lại chức năng tử cung và buồng trứng
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn tiền ung thư bằng cách điều trị tại chỗ để giữ lại chức năng tử cung và buồng trứng

3.2. Điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn I

Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn I tức các tế bào ung thư đã phát triển từ bề mặt và xâm lấn qua màng đáy xuống các lớp mô sâu hơn nhưng chúng vẫn chỉ khu trú ở cổ tử cung, chưa lan sang các vùng lân cận hoặc xa hơn.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn I, đa phần các trường hợp bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật cắt tử cung là phương pháp điều trị đầu tiên. Sau phẫu thuật, người bệnh được đánh giá nguy cơ tái phát. Nếu nguy cơ tái phát trung bình hoặc cao thì cần điều trị hỗ trợ thêm bằng phương pháp xạ trị có kèm hay không kèm theo hóa trị.

Đối với một số trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn I nhưng bướu có kích thước lớn hơn 4cm gây phẫu thuật không thuận lợi, bác sĩ sẽ ưu tiên lựa chọn phương pháp điều trị kết hợp hóa xạ trị đồng thời triệt để giúp tiêu diệt khối u.

Khi người bệnh từ chối phẫu thuật và hóa trị, hoặc có bệnh lý nền nặng không thể phẫu thuật hay hóa trị thì xạ trị triệt để đơn thuần vẫn được khuyến cáo sử dụng.

3.3. Điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn II – III

Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn II-III tức khối ung thư đã xâm lấn đến âm đạo, các mô xung quanh cổ tử cung, vách chậu hoặc đã di căn hạch.

  • Giai đoạn II: khối u xâm lấn đến 2/3 trên của âm đạo hoặc đến các mô xung quanh cổ tử cung.
  • Giai đoạn III: khối u xâm lấn đến 1/3 dưới của âm đạo hoặc đến vách chậu hoặc đã di căn hạch.

Trong điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn II-III, phương pháp điều trị chính là kết hợp hóa xạ trị đồng thời triệt để. Một số trường hợp bệnh giai đoạn xâm lấn sớm như khối u lan đến 2/3 trên của âm đạo nhưng có kích thước nhỏ hơn 4cm thì điều trị phẫu thuật cắt tử cung có thể là phương pháp đầu tiên, sau đó người bệnh sẽ được hỗ trợ thêm bằng phương pháp xạ trị nhằm giúp giảm nguy cơ tái phát.

Khi người bệnh từ chối phẫu thuật và hóa trị, hoặc có bệnh lý nền nặng không thể phẫu thuật hay hóa trị thì xạ trị triệt để đơn thuần vẫn được khuyến cáo sử dụng.

Đối với bệnh ung thư cổ tử cung xâm lấn, việc bảo tồn chức năng sinh sản hầu như là không thể, ngoại trừ các trường hợp bệnh giai đoạn rất sớm khi tế bào ung thư chỉ xâm lấn rất nông về mặt vi thể. Vì thế, trước khi tiến hành điều trị, người bệnh có thể thực hiện lưu trữ trứng. Tuy nhiên, việc này cần được bác sĩ cân nhắc và có chỉ định phù hợp với tình trạng thực tế của từng trường hợp.

3.4. Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IV

Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn IV tức khối ung thư đã xâm lấn trực tiếp đến các cơ quan xung quanh cổ tử cung hoặc đã di căn xa

  • Giai đoạn IVA: khối u xâm lấn trực tiếp đến các cơ quan xung quanh cổ tử cung như bàng quang, trực tràng
  • Giai đoạn IVB: khối u di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, xương...

Đối với trường hợp bệnh giai đoạn IVA, việc điều trị sẽ tương tự như bệnh giai đoạn II-III hoặc nếu đánh giá bệnh có thể phẫu thuật được thì sẽ phẫu thuật và điều trị hỗ trợ sau đó bằng phương pháp hóa xạ trị đồng thời.

Đối với trường hợp bệnh giai đoạn IVB, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm. Điều trị toàn thân là phương pháp được chọn lựa, như hóa trị kết hợp với liệu pháp nhắm trúng đích và hoặc liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, xạ trị tạm bợ vào cổ tử cung có thể có vai trò nhằm giúp kiểm soát triệu chứng cho người bệnh như đau, chảy máu âm đạo.


Điều trị ung thư giai đoạn cuối phức tạp và tốn kém
Điều trị ung thư giai đoạn cuối phức tạp và tốn kém

Việc sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tránh để tiến triển đến giai đoạn muộn, giúp cho các phương pháp chữa trị ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả cao, từ đó làm giảm thiểu nguy cơ tử vong, kéo dài tối đa thời gian sống và tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe