Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Tấn Đạt, Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Không phải ung thư nào cũng có thể chữa bằng phương pháp dùng tế bào gốc. Phương pháp này chỉ có vai trò trong điều trị một số loại ung thư (chủ yếu là ung thư hệ tạo máu) mà thôi. Việc điều trị ung thư bằng hóa chất và xạ trị không những tiêu diệt tế bào ung thư mà còn vô tình giết chết các tế bào gốc trong tủy xương. Do đó, bệnh nhân cần kết hợp ghép tế bào gốc, hay còn gọi là ghép tủy, nhằm giúp phục hồi hay tạo mới các tế bào khỏe mạnh.
1. Các loại cấy ghép tế bào gốc điều trị ung thư
Sau khi kết thúc đợt hóa trị hoặc xạ trị, những tế bào gốc mới cần được đưa vào tĩnh mạch bệnh nhân, tương tự như truyền máu (chứ không phải là một cuộc mổ ghép như kiểu ghép gan, ghép thận), để thay thế số lượng tế bào đã bị phá hủy. Theo thời gian, các tế bào gốc truyền vào này dần ổn định trong tủy xương (có thể hình dung là chúng “mọc” được trong tủy xương) và bắt đầu phát triển, sản sinh ra các tế bào máu khỏe mạnh bình thường.
Dù có một vài hình thức điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc, song tất cả đều được phân làm 2 dạng chính:
- Ghép tế bào gốc tự thân (autologous stem cell transplantation): Cấy ghép trở lại các tế bào gốc của chính người bệnh.
- Ghép tế bào gốc đồng loại (hay dị thân) (allogenic stem cell transplantation): Cấy ghép các tế bào gốc của thân nhân hoặc người hiến tặng phù hợp.
1.1. Cấy ghép tế bào gốc tự thân
Ở dạng điều trị ung thư bằng tế bào gốc này, các tế bào gốc sẽ được lấy ra từ máu hoặc tủy xương của chính bệnh nhân trước khi hóa trị hay xạ trị, và mang đi đông lạnh. Sau khi kết thúc đợt điều trị, các tế bào gốc được rã đông và cấy (truyền) trở lại vào cơ thể bệnh nhân.
Ưu điểm
Điểm mạnh lớn nhất của ghép tế bào gốc tự thân là bệnh nhân có thể lấy lại tế bào của chính mình. Hạn chế được tình trạng thải ghép, không có tình trạng tế bào ghép tấn công cơ thể vật chủ hoặc nhiễm trùng từ người khác.
Nhược điểm
- Đôi khi tế bào gốc không thể đi vào tủy xương và tái sinh máu như dự kiến.
- Tế bào ung thư đã từng thoát khỏi sự tấn công và chiến thắng hệ miễn dịch của bệnh nhân trước đây có thể lặp lại điều này một lần nữa, hậu quả là bệnh tái phát.
- Phải mất thời gian loại bỏ các tế bào ung thư cũ có sẵn trong nguồn tủy đang được trữ lạnh. Trong quá trình này có thể vô tình tiêu diệt cả tế bào khỏe mạnh, dẫn đến gia tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc xuất huyết.
Cấy ghép tế bào gốc tự thân hiện nay được áp dụng trong điều trị một số bệnh, bao gồm:
- Nhóm các ung thư hệ tạo máu, như: Bệnh bạch cầu, u lympho và đa u tủy
- Một số các ung thư thuộc nhóm u đặc như: Ung thư tinh hoàn, u nguyên bào thần kinh, và một số bệnh ung thư ở trẻ em khác
- Ngoài ra, ghép tế bào gốc cũng có triển vọng áp dụng điều trị cho một số bệnh lý không phải ung thư, như: Bệnh xơ cứng hệ thống, bệnh đa xơ cứng (MS), bệnh Crohn và bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Sau khi cấy ghép, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc chống ung thư để loại bỏ tất cả tế bào bất thường còn sót lại trong cơ thể.
1.2. Ghép tế bào gốc 2 lần (“tandem transplants”. “tandem” nghĩa là “xe đạp đôi”)
Đây là hình thức cấy ghép tế bào gốc tự thân với 2 lần hóa trị liệu tấn công. Mỗi đợt ghép vẫn sử dụng chính nguồn tủy của bệnh nhân. Tất cả các tế bào gốc cần thiết sẽ được thu hoạch trước khi áp dụng hóa trị liều cao lần đầu tiên. Mỗi ca cấy ghép sau đó sẽ dùng một nửa trong số này. Thông thường, thời gian diễn ra 2 lần cấy ghép là trong vòng 6 tháng, lần thứ hai được thực hiện sau khi bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe từ sau đợt điều trị ung thư bằng tế bào gốc đầu tiên.
Cấy ghép bổ sung thường áp dụng trong điều trị đa u tủy và điều trị ung thư tinh hoàn tiến triển. Đôi khi, kỹ thuật này cũng được tiến hành sau ghép tạng. Tuy nhiên, việc tiến hành 2 lần ghép tủy có thể nguy hiểm hơn so với chỉ làm 1 lần. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu cách để tối ưu hóa phương pháp này.
1.3. Cấy ghép tế bào gốc đồng loại
Đây là hình thức ghép tủy phổ biến nhất khi bệnh nhân nhận tế bào gốc từ một người khác phù hợp. Người này có thể là một thành viên thân thiết trong gia đình, chủ yếu là anh chị em, hoặc người hiến tặng.
Ưu điểm
Các tế bào gốc của người hiến tặng tạo ra một hệ miễn dịch mới, có thể giúp tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể bệnh nhân sau khi điều trị bằng hóa chất liều cao hoặc bằng xạ trị. Ngoài ra, người hiến tặng có thể cho bệnh nhân thêm các tế bào bạch cầu khỏe mạnh và không có tế bào bất thường.
Nhược điểm
- Các tế bào gốc của người hiến tặng có thể chết hoặc bị phá hủy trong cơ thể bệnh nhân trước khi ổn định ở tủy xương.
- Hệ miễn dịch mới từ người hiến tặng có thể tấn công luôn cả các tế bào khỏe mạnh của bệnh nhân. Đây được gọi là tình trạng kháng ghép (bệnh ghép chống chủ).
- Nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra mặc dù trước khi hiến tặng các tế bào gốc đã được kiểm tra. Nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Cấy ghép tế bào gốc đồng loại thường được ứng dụng trong điều trị một số bệnh như bạch cầu, u lympho, đa u tủy, hội chứng loạn sinh tuỷ và thiếu máu bất sản.
1.4. Ghép tế bào gốc “mini” (mini-transplants, hay non-myeloablative transplantation, ghép tế bào gốc không diệt tủy)
Đối với người lớn tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe không ổn định, việc điều trị “mạnh tay” (hóa chất, xạ trị) để diệt toàn bộ tế bào tủy trước khi cấy ghép tế bào gốc là khá nguy hiểm. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc “mini”. Hình thức này dùng ít hóa trị và / hoặc phóng xạ hơn so với phương pháp cấy ghép tiêu chuẩn. Mục đích là tiêu diệt một số tế bào ung thư, bao gồm một phần tủy, và ức chế hệ miễn dịch vừa đủ để các tế bào gốc mới nhận từ người hiến phát huy tác dụng.
Sau thời gian tồn tại song song, các tế bào gốc mới dần chiếm lấy tủy xương và thay thế các tế bào gốc cũ của chính bệnh nhân. Một hệ miễn dịch mới hình thành giúp người được ghép chống lại căn bệnh ung thư.
Ưu điểm lớn nhất của cấy ghép mini là sử dụng liều hóa trị và chất phóng xạ thấp hơn. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả cho những bệnh nhân có ung thư lan tràn nhiều trong cơ thể hoặc căn bệnh đó phát triển quá nhanh. Ngoài ra, mặc dù tác dụng phụ của chất hóa học và phóng xạ có thể ít hơn so với cấy ghép dị thân thông thường, song nguy cơ bệnh ghép chống chủ của hai hình thức ghép tế bào gốc này là như nhau.
1.5. Đồng ghép (các cặp sinh đôi)
Đây là một dạng cấy ghép đồng loại đặc biệt, chỉ có thể tiến hành khi bệnh nhân có anh chị em sinh đôi hoặc sinh ba.
Điểm mạnh của đồng ghép là sẽ không xảy ra tình trạng kháng vật chủ (bệnh ghép chống chủ). Hơn nữa, tế bào gốc mới được cấy ghép có thể đảm bảo hoàn toàn khỏe mạnh, không còn sót lại tế bào ung thư.
Tuy nhiên, hệ miễn dịch mới lại rất giống với hệ miễn dịch cũ của người nhận lại là điều bất lợi, vì khả năng tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư và ngăn cản chúng tái phát là khá thấp.
2. Các nguồn tế bào gốc
Tế bào gốc sử dụng trong liệu pháp ghép tế bào gốc có thể từ một trong 3 nguồn sau đây:
- Tủy xương
Tủy xương là mô chất lỏng xốp nằm ở chính giữa một số xương, có chức năng tạo ra các tế bào máu lưu thông trong cơ thể. Xương chậu (hông) là nơi có nhiều tủy nhất và chứa số lượng tế bào gốc khá lớn. Để lấy máu từ tủy xương, phải tiến hành thủ thuật giống như một cuộc mổ nhỏ. Tủy đã lấy ra sẽ được xử lý như: lọc, lưu trữ trong một dung dịch đặc biệt và sau đó mang đi đông lạnh trước khi ghép vào bệnh nhân. Hiện nay trong ghép tế bào gốc ít dùng phương pháp lấy tế bào gốc từ tủy xương.
- Máu từ tĩnh mạch ngoại vi
Thông thường, trong máu ngoại vi không có nhiều tế bào gốc. Tuy nhiên, có thể tiêm các chất giống như hoóc môn nhằm kích thích tăng trưởng tế bào một vài ngày trước khi tiến hành thu hoạch tế bào gốc, giúp tế bào gốc phát triển nhanh hơn để có thể thu hoạch từ máu ngoại vi (việc thu hoạch này giống như lúc hiến máu, nhưng phải thông qua một máy chiết tách đặc biệt để lấy được tế bào gốc). Sau khi thu hoạch, tế bào gốc được xử lý, đếm số lượng tế bào và quyết định liệu có thể tiến hành ghép được hay không. Có khi cần thu hoạch nhiều lần để đủ số lượng tế bào gốc cần thiết. Trong quá trình ghép cho bệnh nhân, các tế bào gốc được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch, tương tự như truyền máu.
- Máu dây rốn của trẻ sơ sinh
Máu lấy từ nhau thai và dây rốn của trẻ sơ sinh là nguồn tế bào gốc mới để ghép dị sinh. Số lượng lớn tế bào gốc ở cuống rốn tuy nhỏ nhưng có xu hướng nhân lên nhanh chóng. Song nguồn tế bào gốc này cho đến nay chỉ được thực hiện ở trẻ em vì số lượng tế bào không đủ để ghép cho một người trưởng thành.
Hiện nay, nhiều mạng lưới ghép tế bào gốc đã xây dựng được các “Ngân hàng” máu cuống rốn để có thể cung cấp cho các trường hợp cần dùng tế bào gốc cuống rốn (có khi là chính bản thân người dự trữ máu cuống rốn), cũng như “ngân hàng” dữ liệu về kiểu gen của những người hiến tặng (người cho) có kiểu gen phù hợp để khi cần có thể nhờ họ đến hiến tặng cho trường hợp cần ghép đồng loại.
3. Ghép tế bào gốc điều trị ung thư tại Vinmec Times City
Vinmec là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu bài bản và chuyên sâu trong lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc, cũng như đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã bắt đầu tiếp nhận và triển khai công nghệ điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc từ năm 2015, với đầy đủ trang thiết bị cao cấp, hiện đại như: Monitor theo dõi bệnh nhân 7 thông số (có ETCO2, IBP), B40i, hệ thống máy Flow Cytometor Navios đánh giá chất lượng tế bào gốc,.... Nhờ đó, Vinmec có thể cung cấp liệu pháp ghép tế bào gốc điều trị ung thư cho những bệnh nhân trong nước mong muốn được tiếp cận phương pháp này mà không cần phải ra nước ngoài bất tiện và tốn kém.
Ngoài cơ sở vật chất đạt chuẩn 5 sao, Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City còn có riêng phòng cách ly đặc biệt cho bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu. Đội ngũ Phó Giáo sư,Tiến sĩ, Bác sĩ tại đây đều là những người có uy tín trong ngành, chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, Vinmec Times City còn phối hợp đa chuyên khoa, hợp tác về kỹ thuật toàn diện với các bệnh viện trong nước và quốc tế như Singapore, Nhật, Mỹ,.. nhằm điều trị, chăm sóc người bệnh với chất lượng tốt nhất, đạt hiệu quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: cancer.org