Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ, Tiến sĩ Đỗ Minh Hùng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
33% người bệnh đã phẫu thuật ở thành bụng để điều trị bất kỳ bệnh gì có khả năng bị thoát vị thành bụng sau mổ và trong số người bệnh này, 33% người bệnh sẽ phải phẫu thuật thoát vị thành bụng để điều trị. Nguyên nhân là do ở vị trí vết mổ, các cơ xung quanh vết sẹo mổ bị suy yếu dẫn đến một phần ruột thoát ra khỏi thành bụng. Hiện tượng này thường gặp ở người cao tuổi, người thừa cân, người ít hoạt động sau phẫu thuật, người phải mổ nhiều lần qua một vết rạch.
1. Triệu chứng của thoát vị thành bụng sau mổ
Triệu chứng đáng chú ý nhất của thoát vị sau vết mổ là người bệnh thấy một chỗ phình ra gần vị trí vết mổ. Vị trí phình thường thấy rõ nhất khi bạn căng cơ, chẳng hạn như khi bạn đứng lên, nâng vật gì đó hoặc ho. Bên cạnh dấu hiệu phình rõ ở bụng, thoát vị sau vết mổ cũng có thể gây ra:
- Buồn nôn và ói mửa
- Sốt
- Nóng rát hoặc đau gần chỗ bị thoát vị
- Đau bụng và khó chịu, đặc biệt là xung quanh vị trí thoát vị
- Nhịp tim nhanh hơn bình thường
- Táo bón
- Tiêu chảy
Nguy cơ bị thoát vị thành bụng sau mổ cao nhất thường diễn ra vào khoảng từ ba đến sáu tháng sau khi phẫu thuật, nhưng thoát vị có thể xảy ra trước hoặc sau khung thời gian này.
Có hai loại thoát vị thành bụng sau phẫu thuật:
- Thoát vị có thể ấn xẹp: là khối thoát vị có thể mất đi khi nằm hoặc khi ấn.
- Thoát vị không thể ấn xẹp: là khi thoát vị kẹt hoặc nghẹt, tạng thoát vị không thể đẩy vào ổ bụng. Lúc này người bệnh có thể đau tức hoặc biểu hiện tắc ruột, nguy cơ hoại tử ruột... Người bệnh cần khám sớm và có thể phải mổ cấp cứu.
2. Nguyên nhân dẫn đến thoát vị thành bụng sau mổ
Thoát vị thành bụng sau vết mổ xảy ra khi vết mổ ở thành bụng khiến gân cơ liền không đúng cách dẫn đến cơ bụng bị yếu đi hoặc hở, cho phép các mô và cơ quan chui ra ngoài thành bụng thông qua vị trí yếu hoặc hở, tạo ra khối phình ở thành bụng.
Một số yếu tố làm hạn chế vết mổ lành như:
- Tăng áp lực ổ bụng
- Tăng cân nhanh sau phẫu thuật
- Mang thai trước khi vết mổ lành hoàn toàn
- Hoạt động thể chất quá sớm sau phẫu thuật
- Đôi khi, không có lý do rõ ràng tại sao một vết mổ không liền đúng cách.
3. Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng người bệnh mắc thoát vị thành bụng sau phẫu thuật, bao gồm:
- Vết thương bị nhiễm trùng
- Bệnh hiện tại như suy thận, tiểu đường hoặc bệnh phổi
- Béo phì
- Hút thuốc
- Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc ức chế miễn dịch hoặc steroid
Bạn có thể giúp giảm nguy cơ thoát vị bằng cách thực hiện đúng thời gian nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ để vết mổ có đủ thời gian để liền lại sau phẫu thuật bụng.
Thoát vị thành bụng vẫn có thể phát triển ở những người bệnh không có bất kỳ yếu tố rủi ro nào, do đó, điều quan trọng tất cả người bệnh đều phải tuân theo các hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị thành bụng. Ngay cả khi bạn cảm thấy hoàn toàn bình phục, hãy tránh tập thể dục hoặc hoạt động gắng sức khác cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ.
4. Điều trị thoát vị thành bụng sau mổ
Khối thoát vị không thể tự biến mất và chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật.
Nếu khối thoát vị nhỏ hoặc có thể giảm thì người bệnh có thể chưa cần phải phẫu thuật ngay. Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh tật và các yếu tố khác trước khi quyết định phẫu thuật để sửa chữa vị trí thoát vị.
Thoát vị sau mổ có thể phải phẫu thuật nếu:
- Khối thoát vị tiếp tục phình to theo thời gian
- Khối thoát vị có kích thước rất lớn
- Khối thoát vị gây ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ
- Khối thoát vị vẫn còn ngay cả khi bệnh nhân thư giãn hoặc nằm xuống
- Khối thoát vị gây đau
Trong một số trường hợp này, quyết định có nên phẫu thuật hay không là tùy thuộc vào người bệnh. Người bệnh có thể muốn phẫu thuật nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc lo lắng về khối thoát vị. Tốt nhất hãy thảo luận về phẫu thuật với bác sĩ để có được thông tin chi tiết liên quan đến thoát vị thành bụng sau mổ như phương pháp phẫu thuật để sửa vị trí thoát vị, hướng dẫn hồi phục sau phẫu thuật...
- Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật thoát vị sau mổ thường được thực hiện bằng cách gây mê toàn thân và được thực hiện tại bệnh viện. Phẫu thuật thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi, thông qua các vết mổ nhỏ thay vì vết mổ mở truyền thống.
Bác sĩ sẽ rạch các vết mổ nhỏ trên thành bụng để đưa ống kính soi và các dụng cụ phẫu thuật vào khoang bụng. Các tạng trong túi thoát vị được đưa vào lại ổ bụng. Phần khiếm khuyết trên thành bụng có thể được khâu lại nếu nhỏ, hoặc đặt lưới nhân tạo che phủ. Lưới này sẽ tồn tại vĩnh viễn, ngăn ngừa tái phát thoát vị.
Khi lưới đã được đặt đúng vị trí hoặc cơ đã được khâu, thiết bị phẫu thuật nội soi được lấy ra và các vết mổ nhỏ được khâu lại, chỉ thường được cắt trong lần tái khám tới.
- Phẫu thuật thoát vị thành bụng bằng robot (robotic surgery)
Đây là kỹ thuật phẫu thuật thuộc nhóm phẫu thuật ít xâm hại với mẫu robot điển hình là hệ thống robot da Vinci, mang lại nhiều lợi điểm như đường mổ nhỏ, ít đau, nguy cơ nhiễm trùng thấp, thời gian nằm viện ngắn, thời gian phục hồi nhanh, ít sẹo, ít mất máu, cải thiện kết quả điều trị.
Tại nước ta, hệ thống robot da Vinci đang được đầu tư tại một số bệnh viện do việc đầu tư hệ thống này rất tốn kém bao gồm cả về trang thiết bị, đào tạo nhân lực vận hành máy, bác sĩ phẫu thuật, điều dưỡng, dụng cụ, bảo trì... Do đó, nắm bắt được xu hướng bệnh tật và nhu cầu được điều trị bằng phương pháp tối ưu nhất, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã triển khai phẫu thuật thoát vị thành bụng bằng robot dưới sự điều khiển của TS.BS Đỗ Minh Hùng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp. Với hơn 25 kinh nghiệm về ngoại khoa và đã được đào tạo để sử dụng “dụng cụ robot cầm tay”, bác sĩ Hùng đã điều trị thành công cho các bệnh nhân thoát vị thành bụng từ đơn bản đến phức tạp, mang hiệu quả điều trị cao với mức chi phí hợp lý.
- Chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị thành bụng
Hầu hết bệnh nhân thoát vị có thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng hai đến bốn tuần. Trong thời gian này, vết mổ cần được bảo vệ bằng cách tránh các hoạt động nặng trong sinh hoạt khiến làm tăng áp lực trong ổ bụng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân thoát vị vết mổ, vì họ dễ bị thoát vị vết mổ và có thể có nguy cơ mắc thoát vị khác tại các vị trí vết mổ mới.
Các hoạt động cần hạn chế sau mổ gồm:
- Đứng lên
- Hắt xì
- Ho
- Táo bón
- Nôn
- Nâng vật nặng
Nhiều hoạt động được liệt kê có thể là những việc mà bạn sẽ phải thực hiện mỗi ngày mà không thể tránh được. Tuy nhiên, người bệnh cần hạn chế các hoạt động do đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng. Hãy giữ số liên lạc với bác sĩ điều trị của bạn để trong trường hợp bạn nghi ngờ có điều gì đó không ổn thì hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và thăm khám lại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02836221166 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: hopkinsmedicine.org, verywellhealth.com healthline.com