Điều trị thoát vị khe hoành phần 2: Các phương pháp tạo hình góc HIS

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Mời quý vị theo dõi loạt bài về điều trị thoát vị khe hoành của Bác sĩ Mai Viễn Phương:

"Góc HIS" dùng để chỉ 1 góc nhọn bình thường được tạo thành giữa thực quản đoạn bụng và đáy dạ dày (phình vị lớn hay đáy vị) tại vùng tiếp nối dạ dày-thực quản (esophagogastric junction). Góc này là một trong những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Khi vùng đáy vị được mở rộng bằng không khí hay các thành phần khác trong dạ dày, các cấu trúc thực quản ngực được "đẩy" từ trái sang phải, làm đóng van dạ dày-thực quản (gastroesophageal flap valve).

1. Các phương pháp tạo hình góc HIS

1.1 Tạo hình góc HIS theo NISSEN

Phình vị được cuốn quanh thực quản tâm vị 360o.


Hình 8: Tạo hình góc His theo Nissen (Nguồn: . Ketan M. Desai, (2003))
Hình 8: Tạo hình góc His theo Nissen (Nguồn: . Ketan M. Desai, (2003))

Chỉ định tạo hình góc His bán phần:

  • Rối loạn vận động thực quản nguyên phát: xơ cứng bì, co thắt tâm vị.
  • Rối loạn vận động thực quản thứ phát: giảm vận động thực quản dẫn đến thực quản Barret hay trào ngược mãn tính.
  • Không có khả năng dung nạp với tạo hình góc His hoàn toàn: khó nuốt, đầy hơi, buồn nôn mãn tính, sửa đổi lại một tạo hình 3600 gây tắc nghẽn, chứng nuốt hơi.

1.2 Tạo hình góc HIS theo TOUPET

Phình vị được khâu cuốn không hoàn toàn (270o).


Hình 9: Tạo hình góc His theo Toupet (Nguồn: . Ketan M. Desai, (2003))
Hình 9: Tạo hình góc His theo Toupet (Nguồn: . Ketan M. Desai, (2003))

1.3 Tạo hình góc HIS theo DOR

Bờ phải của đáy vị được khâu vào bờ trái của thực quản, mặt trước đáy vị được khâu vào bờ phải thực quản. Khâu cố định giữa bờ cong nhỏ dạ dày và phần đáy vị được gấp lại.


Hình 10: Tạo hình góc His theo Dor (Nguồn: DeMeester TR, (1989))
Hình 10: Tạo hình góc His theo Dor (Nguồn: DeMeester TR, (1989))

2. Vai trò của tạo hình góc His

Tạo hình góc His để chống trào ngược hay không vẫn còn đang bàn cải. Những tác giả không ủng hộ việc tạo hình góc His dựa trên tỉ lệ biến chứng đáng kể sau phẫu thuật, cũng như thời gian dài hơn, tăng chi phí phẫu thuật. Tuy nhiên, hầu hết các tác giả chủ trương tạo hình góc His thường quy sau khi sữa chữa khiếm khuyết cơ hoành. Có nhiều lí do cho điều này. Thử nghiệm đo pH thực quản 24 giờ cho thấy sự tăng tiếp xúc của thực quản đối với dịch vị trong 60 - 70% bệnh nhân đối với thoát vị khe hoành dạng trượt, 71% đối với thoát vị cạnh thực quản. Hơn nữa, không có mối liên hệ giữa triệu chứng của bệnh nhân với trương lực của tâm vị. Cuối cùng, sự bóc tách thực quản dạ dày có thể dẫn đến trào ngược sau phẫu thuật mặc dù trước phẫu thuật bệnh nhân không có trào.

3. Tạo hình góc His theo phương pháp nào?

Có hai cách tạo hình góc His là tạo hình góc His toàn phầntạo hình góc His bán phần.

Kỹ thuật tạo hình góc His bán phần được chỉ định cho những trường hợp như xơ cứng bì, co thắt tâm vị, giảm vận động thực quản dẫn đến bệnh lý thực quản Barret hay trào ngược mãn tính, không có khả năng dung nạp với tạo hình góc His hoàn toàn: khó nuốt, đầy hơi, buồn nôn mãn tính, sửa đổi lại một tạo hình 3600 gây tắc nghẽn, chứng nuốt hơi.

Một trong các phương pháp khâu cuốn phình vị được áp dụng phổ biến nhất là phẫu thuật Nissen. Phẫu thuật Nissen có tỉ lệ biến chứng thấp và thời gian phải nằm viện ngắn so với phẫu thuật mổ mở. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân bị nuốt nghẹn và chướng hơi trong dạ dày sau mổ khá cao. Để giảm bớt nguy cơ nuốt nghẹn và chướng hơi dạ dày, DeMeester và Peters đề xuất việc đặt một bougie trong thực quản (qua nội soi) khi tiến hành phẫu thuật, đồng thời giảm bớt chiều dài mảnh cuốn cũng như di động dạ dày nhiều hơn.

Phẫu thuật Toupet là một cải biên của Nissen, trong đó phình vị được khâu cuốn không hoàn toàn (270o), với mục đích làm giảm tỉ lệ nghẹt tâm vị sau mổ.

Thật sự trong các phương pháp tạo hình góc His bán phần, lựa chọn phương pháp nào là tùy thuộc vào sự thành thạo của phẫu thuật viên. Kỹ thuật tạo hình góc His chủ yếu của chúng tôi là tạo hình theo phương pháp Dor vì đây là phương pháp dễ thực hiện, cho tỉ lệ biến chứng nuốt nghẹn sau mổ thấp hơn so với các phương pháp khác.

4. Đặt mảnh ghép

Có nhiều phương pháp đặt mảnh ghép. Theo Oelschlager BK., một mảnh ghép kích thước khoảng 7 x 10 cm hình chữ U được đặt vào khe hoành sau khi đã khâu hai trụ hoành. Mảnh ghép được cố định vào cơ hoành với keo sinh học hoặc các mũi chỉ khâu rời.


Hình 11: Kỹ thuật đặt mảnh ghép (Nguồn: Oelschlager BK, (2003))
Hình 11: Kỹ thuật đặt mảnh ghép (Nguồn: Oelschlager BK, (2003))

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thoát vị khe hoành...Cùng với đó, tại Bệnh viện Vinmec, việc nội soi chẩn đoán được thực hiện thông qua nội soi dạ dày với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương thoát vị nhỏ. Bệnh viện Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi dạ dày, thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe