Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lee Suk Koo - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hệ thống đường mật giữ vai trò như đường dẫn đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, khi hệ thống này bị tắc nghẽn, bilirubin (một chất được tạo ra từ gan) sẽ không thể xuống ruột được và sẽ đi vào máu, lắng đọng lại gây vàng da, vàng mắt (củng mạc mắt). Sau một thời gian, dẫn đến xuất tiết dịch vào trong ổ bụng gọi là dịch cổ trướng, dịch cổ chướng nhiều dần khiến bụng to ra.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lee Suk Koo - Vinmec Times City, teo đường mật bẩm sinh là 1 tình trạng bệnh lý mà trong đó đường mật trong gan bị xơ teo và tắc lại. Cho đến hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây bệnh teo mật bẩm sinh ở trẻ, tuy nhiên có 2 giả thuyết được ủng hộ, thứ nhất là khiếm khuyết bẩm sinh tại đường mật và hai là nhiễm virus gây nên hẹp lòng đường mật cuối cùng gây tắc nghẽn và teo mật.
Teo đường mật bẩm sinh không chỉ dẫn đến vàng da mà còn gây nhiều biến chứng nghiêm trọng khác, cuối cùng sẽ tiến triển xơ gan mất bù, nguy cơ tử vong cao ở trẻ nhỏ.
Trẻ được phát hiện teo mật bẩm sinh thì cần được can thiệp trước khi xơ gan nặng. Đầu tiên, trẻ sẽ được phẫu thuật Kasai giúp loại bỏ đường mật bị teo và thực hiện miệng nối ruột với gan nhằm giúp mật lưu thông được xuống ruột.
Sau khi được can thiệp một phương pháp điều trị, chẳng hạn như phẫu thuật Kasai, hầu hết trẻ teo mật bẩm sinh sẽ tiến triển xơ gan và cần được ghép gan. Đó là lý do ghép gan là lựa chọn cuối cùng cho trẻ bị teo mật.
Cho đến nay chưa có phương pháp nào giúp tầm soát teo đường mật bẩm sinh trước khi trẻ được sinh ra. Trong trường hợp nếu may mắn có phương pháp phát hiện bệnh teo mật bẩm sinh trước sinh thì cũng chưa có chiến lược điều trị nào trước khi trẻ sinh ra.
Khi trẻ bị vàng da do teo đường mật bẩm sinh sẽ có biểu hiện phân bạc màu cùng lúc với da và củng mạc mắt chuyển sang màu vàng. Do vậy, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lee Suk Koo khuyến cáo bất kể lúc nào cha mẹ thấy trẻ có triệu chứng hoặc dấu hiệu kể trên thì phải đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt. Khi bệnh teo mật bẩm sinh được chẩn đoán, can thiệp đầu tiên có thể làm là thực hiện phẫu thuật Kasai để tạo lưu thông dịch mật xuống ruột. Tuy nhiên tỷ lệ thành công không cao, đến trước 20 tuổi thì 85% trẻ teo mật cần phải ghép gan. Khi phẫu thuật Kasai ban đầu thất bại, hầu hết các trường hợp (trẻ teo mật bẩm sinh) cần phải được ghép gan.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.