Bài viết được viết bởi ThS.BS Lã Thị Thùy - Bác sĩ Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới, bệnh Tăng huyết áp ngày càng nhiều người mắc, gây tử vong mỗi năm 7,1 triệu người (tương đương 13% tổng tử vong) và chiếm 4,5% bệnh tật chung toàn cầu. Tỷ lệ tăng huyết áp được dự báo sẽ tăng lên 29,2% (1,5 tỷ người bệnh) vào năm 2025.
1. Tăng huyết áp là gì?
Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra năm 2010 cho thấy, hiện có 25,1% ở người trên 25 tuổi bị tăng huyết áp (khoảng 5 triệu người). Điều nguy hiểm là trong số những người bị tăng huyết áp chỉ kiểm soát tốt 19% còn 81% không quan tâm và lơ là trong việc điều trị.
Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch. Huyết áp tâm thu là áp lực động mạch lúc tim bóp tối đa để tống máu ra động mạch chủ. Huyết áp tâm trương là áp lực động mạch khi tim dãn nở tối đa để nhận máu từ động mạch phổi đổ về.
Theo tổ chức y tế thế giới và hội tăng huyết áp thế giới (WHO/ISH) năm 1999, Tăng huyết áp động mạch ở người trưởng thành được xác định khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg.
2. Cách đo huyết áp để có kết quả chính xác?
Huyết áp phải được đo khi người bệnh trong trạng thái tinh thần thoải mái nhất, nghỉ ngơi hoàn toàn (không gắng sức trước đó bao gồm cả ăn no, không dung các chất kích thích: thuốc lá, trà, cà phê).
Nếu chỉ có một lần duy nhất có chỉ số huyết áp cao thì không có nghĩa là người bệnh bị cao huyết áp. Huyết áp sẽ thay đổi trong suốt cả ngày. Nó có thể cao trong một thời gian ngắn nếu bệnh nhân lo lắng, căng thẳng, hoặc vừa mới tập thể dục.
3. Tăng huyết áp có nguy hiểm không và tại sao cần phải kiểm soát huyết áp?
Tăng huyết áp được biết đến là “kẻ giết người thầm lặng” vì tăng huyết áp giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì đáng kể. Chính vì vậy người bệnh rất chủ quan và chỉ chịu khám và điều trị khi đã xảy ra các biến chứng.
Bệnh có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đỏ bừng hay nóng bừng mặt, tức nặng ngực... Và hậu quả tăng huyết áp lâu ngày không kiểm soát, sẽ làm tổn thương các mạch máu, gây nhiều biến chứng lên các cơ quan đích như tim, não, thận, mắt... đồng thời thúc đẩy xơ vữa động mạch phát triển.
Ngược lại, xơ vữa mạch làm tình trạng tăng huyết áp nặng nề hơn, đưa người bệnh rơi vào vòng xoắn bệnh lý. Những biến chứng này ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong. Có rất nhiều bằng chứng về hậu quả của bệnh tăng huyết áp đối với sức khỏe cộng đồng cũng như kinh tế xã hội.
4. Kiểm soát huyết áp bằng phương pháp không dùng thuốc liệu có khả thi?
Một khi có chẩn đoán tăng huyết áp thì biện pháp can thiệp đầu tiên đối với người bệnh là thay đổi lối sống (bất kể giai đoạn nào của tăng huyết áp) và/hoặc thuốc phối hợp cùng tùy vào giai đoạn tăng huyết áp.
Việc điều trị tăng huyết áp không cần dùng thuốc thường được khuyến khích cho những bệnh nhân bị tăng huyết áp bình thường cao (trừ trường hợp trên bệnh nhân có nguy cơ rất cao bệnh tim mạch) và/hoặc tăng huyết áp độ 1, không có biến chứng về tim mạch và tổn thương cơ quan đích
Thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng, hạn chế các chất kích thích (rượu, bia, cà phê..), tăng cường hoạt động thể lực, bỏ thuốc lá
Hiệu quả của việc điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc phụ thuộc rất nhiều vào sự tuân trị của người bệnh đồng thời bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và để duy trì mức huyết áp hợp lý.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.