Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Minh Quyết - Chuyên gia tư vấn tâm lý, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Rối loạn giấc ngủ là một triệu chứng thường gặp ở tất cả các nhóm tuổi, xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt ở người cao tuổi. Ở nước ta, xu hướng rối loạn giấc ngủ gia tăng nhanh ở những người cao tuổi trong những năm gần đây.
1. Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi thường gặp 2 dạng: dạng mất ngủ và dạng đảo lộn giấc ngủ.
1.1. Mất ngủ ở người cao tuổi
Đây là tình trạng người cao tuổi ngủ ban đêm chỉ được dưới 4 tiếng hoặc trong những tình huống khó đi vào giấc ngủ chậm, ngủ rất khuya hay đi vào giấc ngủ dễ dàng nhưng thức giấc sớm, sau đó trằn trọc suốt đêm. Ban ngày mệt mỏi, lừ đừ, không muốn làm bất cứ điều gì.
Nguyên nhân gây mất ngủ có thể là do môi trường xung quanh không yên tĩnh, dùng các chất gây hưng phấn trước khi ngủ như trà, cà phê, coca hay một số loại thuốc dùng điều trị bệnh khác. Một số người có thói quen uống rượu trước khi ngủ hay dùng thuốc an thần lâu ngày nhưng ngừng đột ngột cũng có thể bị mất ngủ. Những người nhàn rỗi nhiều, người lao động trí óc lười vận động cũng rất dễ bị mất ngủ. Ngoài ra, tình trạng đau mãn tính ở cơ, xương , khớp, dị ứng về đêm, khó thở, ngưng thở khi ngủ, co giật chân khi ngủ, những trường hợp rối loạn nhịp tim, suy tim và những rối loạn ở đường tiêu hóa như trào ngược thực quản hay những vấn đề về đường tiểu như tiểu đêm nhiều lần, tác dụng phụ của một số nhóm thuốc điều trị bệnh khác có tác động đến hệ thần kinh trung ương, thấm qua hàng rào máu não và gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ. Ở người tuổi trung niên và cao tuổi, trầm cảm có thể là nguyên nhân bị mất ngủ, đặc biệt là lúc gần sáng. Tình trạng lo âu mãn tính kéo dài cũng có thể mất ngủ và gây ra những cơn ác mộng trong giấc ngủ nhanh.
1.2. Đảo lộn giấc ngủ
Đảo lộn giấc ngủ là hiện tượng không ngủ được vào ban đêm nhưng ngủ nhiều vào ban ngày, thường gặp ở người cao tuổi do rối loạn chức năng hoạt động tại não trong quá trình lão hóa hay sau tai biến mạch máu não, sau một cơn bệnh nặng...
2. Điều trị rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Tránh xa các chất kích thích
Tránh các đồ uống chứa caffeine (cà phê, nhiều loại trà, sô-cô-la và một số loại nước ngọt) sau 1 hoặc 2 giờ chiều hoặc hoàn toàn không dùng nếu bạn đặc biệt nhạy cảm với caffeine. Caffein làm ngăn chặn tác dụng của adenosin, một chất của não tiết ra để thúc đẩy giấc ngủ. Hạn chế uống rượu, không dùng hơn 1 ly/ngày, tốt nhất không uống ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Rượu gây trở ngại cho giấc ngủ sâu và có thể cản trở việc thở. Ngưng hút thuốc và tránh khói thuốc lá. Nicotin làm cho khó rơi vào giấc ngủ và khó ngủ yên giấc.
Ngủ trưa ngắn
Nếu không thể tỉnh táo vào buổi chiều, người cao tuổi nên có một giấc ngủ trưa ngắn từ 15 - 20 phút, thời gian này là đủ dài để cải thiện sự tỉnh táo nhưng không quá dài để cảm thấy chệnh choạng sau đó.
Tập thể dục
Bắt đầu bài tập thường xuyên như đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội có thể giúp ngủ nhanh hơn, giấc ngủ sâu hơn và ít thức giấc thường xuyên hơn trong đêm. Tuy nhiên cần tránh tập thể dục trong vòng một vài giờ trước khi đi ngủ.
Thiết lập một lịch ngủ khoa học
Một lịch đi ngủ thường xuyên sẽ giúp đồng bộ hóa chu kỳ của giấc ngủ/thức. Cần xác định ngủ trong bao lâu là tốt, đi ngủ mỗi đêm và thức dậy buổi sáng cùng một mốc giờ lặp lại hàng ngày.
Làm cho phòng ngủ thành nơi riêng tư
Trước khi ngủ, người cao tuổi nên ngồi thiền và đọc sách, giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh, giường nệm nằm thoải mái.
Ăn uống hợp lý
Cần kết thúc bữa ăn tối vài giờ trước khi đi ngủ, nếu cần bữa ăn nhẹ vào buổi tối, có thể ăn một ít đồ ăn dễ tiêu như: táo, sữa chua, ngũ cốc, sữa hoặc bánh mì nướng và mứt.
Không nên xem đồng hồ
Nhìn những phút trôi qua khiến người già khó khăn hơn để trở lại giấc ngủ. Hãy xoay mặt đồng hồ để không thể nhìn thấy nó.
Thiết lập một thói quen thư giãn trước khi ngủ
Ngồi thiền, nghe nhạc thư giãn trước khi ngủ. Tránh các hoạt động có thể gây căng thẳng như bàn luận công việc hoặc thảo luận các vấn đề gay gắt.
Hạn chế uống nước trước khi ngủ
Giảm thiểu đi tiểu ban đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, không nên uống bất cứ loại nước gì trong 2 hoặc 3 giờ trước khi ngủ.Nếu bị rối loạn giấc ngủ liên tục, không điều chỉnh được bằng các biện pháp điều trị thay đổi lối sống nêu trên, đặc biệt là tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, người cao tuổi cần gặp các chuyên gia để được tư vấn. Sau khi loại trừ các nguyên nhân bệnh lý hoặc tâm thần, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên, phương pháp tốt nhất để giải quyết mất ngủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.