Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Thiệp - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
1. Ho ra máu là gì?
Ho ra máu là máu từ đường hô hấp dưới đi ra ngoài qua đường miệng khi ho. Đây là một triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý đường hô hấp. Bệnh có xu hướng tái phát nếu không được điều trị triệt để.
1.1. Cơ chế gây ho ra máu
- Do loét, vỡ mạch máu đường hô hấp: vỡ phình mạch, giãn phế quản, Ung thư phổi...
- Do tăng áp lực mạch máu, tăng tính thấm thành mạch: phù phổi huyết động, phù phổi tổn thương...
- Tổn thương màng phế quản mao mạch: hội chứng Good Pasture.
- Rối loạn đông máu, chảy máu.
Ho ra máu có thể xuất hiện khi người bệnh cố gắng sức và xúc động.
1.2 Triệu chứng ho ra máu
- Ho ra máu khiến người bệnh có cảm giác nóng rát sau xương ức, ngứa họng, tanh miệng hoặc mệt xỉu.
- Khạc ra máu đỏ tươi, có bọt, có thể chỉ là máu đơn thuần hoặc máu lẫn với đờm.
- Đuôi khái huyết là dấu hiệu của đã ngừng chảy máu, thường gặp ở bệnh nhân lao phổi: khạc ra máu ít dần, đỏ thẫm rồi đen.
2. Chẩn đoán ho máu như thế nào?
2.1 Chẩn đoán lâm sàng
- Hoàn cảnh xuất hiện ho ra máu: gắng sức, xúc động ...
- Ho, đau ngực, cảm giác ngứa họng
- Máu đỏ tươi lẫn bọt hoặc đờm.
- Đi ngoài phân bình thường (có thể phân đen nếu lượng nhiều dẫn đến nuốt đờm máu).
2.2 Xét nghiệm cận lâm sàng
Chụp X - quang cho thấy tổn thương đám mờ (thường đỉnh phổi), CT scanner: tổn thương đông đặc, chứa máu hoặc máu trong lòng phế quản.
pH kiềm: dịch ho có pH kiềm (nôn máu: pH axit).
Phân loại mức độ ho máu:
- Ho ra máu ở mức độ ít: Ho từng bãi đờm nhỏ lẫn máu, tổng lượng máu <50ml.
- Ho ra máu vừa: Tổng lượng máu ho từ 50-200ml. Huyết áp còn bình thường, mạch nhanh, không suy hô hấp.
- Ho ra máu nặng: Lượng máu ho >200ml/lần hoặc 600ml/24h, suy hô hấp, trụy tim.
- Ho máu sét đánh: Xuất hiện đột ngột, máu chảy khối lượng lớn, ồ ạt tràn ngập hai phổi gây ngạt thở và tử vong.
3. Làm cách nào để điều trị ho ra máu?
Điều trị ho máu sẽ tùy thuộc vào các nguyên nhân gây bệnh như sau:
- Bệnh Lao: điều trị theo phác đồ chống lao.
- Ung thư phổi: điều trị hóa chất, điều trị đích, tia xạ hoặc phẫu thuật.
- Viêm phổi: kháng sinh, chống viêm...
- Giãn phế quản: dự phòng viêm phổi...
- Bệnh tim mạch: điều trị theo từng nguyên nhân...
Ngoài ra các nguyên nhân khác như do chấn thương hoặc u máu phổi bệnh nhân sẽ được phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.
4. Các phương pháp điều trị ho máu
Phương pháp điều trị ho ra máu quan trọng nhất là điều trị cấp cứu làm cầm máu và hạn chế lượng máu mất. Các phương pháp điều trị:
- Nội khoa: thuốc cầm máu
- Cầm máu bằng nội soi phế quản.
- Phẫu thuật
- Nút động mạch phế quản.
Theo đó, phương pháp điều trị nội khoa là phương pháp điều trị bằng băng thuốc cầm máu đường uống và đường tiêm.
5. Cầm máu bằng nội soi phế quản
Là phương pháp sử dụng thuốc cầm máu tại chỗ bằng cách đưa dụng cụ nội soi vào vị trí chảy máu và dùng thuốc cầm máu tại điểm chảy máu.
Đây là phương pháp có nhiều hạn chế và hiệu quả không cao vì đôi khi khó thấy được vị trí đang chảy máu và nguồn chảy máu có thể từ tiểu thùy... Thuốc cầm máu tại chỗ đôi khi không hiệu quả trong trường hợp chảy máu nhiều.
6. Phẫu thuật điều trị ho ra máu
Phẫu thuật cắt tiểu thùy phổi, 1 thùy phổi hay toàn bộ một bên phổi. Đây là phương pháp điều trị triệt căn nhưng xâm lấn nhiều và khó áp dụng trong trường hợp máu chảy từ cả hai bên phổi.
7. Điều trị ho ra máu bằng nút động mạch phế quản
Điều trị ho ra máu bằng nút động mạch phế quản là phương pháp cầm máu ngăn chặn sự chảy máu cấp tính trong các trường hợp ho ra máu cấp bằng cách làm thuyên tắc nhánh động mạch phế quản dưới hướng dẫn DSA.
7.1 Vật liệu phẫu thuật
Vật liệu nút mạch hạt: PVA, embospheres, embozene... keo sinh học, coils... tùy theo nguyên nhân gây ho máu, kích cỡ và vị trí tổn thương của động mạch phế quản.
7.2. Chỉ định phẫu thuật
Chỉ định điều trị ho ra máu bằng nút động phế quản với các bệnh nhân ho ra máu sét đánh. Điều trị ho ra máu cấp tính mà lượng máu mất ≥ 240ml/24h. Hoặc >100ml/24h trong ≥3 ngày liên tục hoặc có ổ chảy máu đang hoạt động (trên CT scanner)
Thăm khám lâm sàng: ho ra máu đỏ tươi, triệu chứng tiến triển nhanh.
7.3. Cách thức tiến hành
- Bước 1: Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán và có chỉ định cầm máu động mạch bằng thuyên tắc động mạch phế quản sẽ được đưa vào phòng chụp mạch (DSA).
- Bước 2: Sát khuẩn mở đường vào động mạch bẹn.
- Bước 3: Đưa dụng cụ vào động mạch và chụp kiểm tra động mạch phế quản 02 bên, tìm vị trí chảy máu. Cần chú ý: động mạch phế quản có nhiều biến thể giải phẫu đôi khi nhánh chảy máu có thể xuất phát từ động mạch dưới đòn hoặc động mạch liên sườn.
- Bước 4: Đối chiếu vị trí có thoát chất cản quang trên DSA với vị trí tổn thương trên Xquang và CT scanner. Xác định vị trí và nhánh tổn thương chảy máu.
- Bước 5: Bơm chất gây thuyên tắc làm tắc hoàn toàn nhánh động mạch tổn thương.
- Bước 6: Chụp kiểm tra nhánh vừa nút và các vị trí có thể có nhánh chảy máu khác. Rút dụng cụ và đóng đường vào động mạch, băng ép cố định.
8. Ưu và nhược điểm của điều trị ho máu bằng thuyên tắc động mạch phế quản (BAE)
Ưu điểm lớn nhất của việc điều trị ho ra máu bằng thuyên tắc động mạch phế quản như sau:
- Là kỹ thuật đơn giản, cầm máu nhanh chóng (bệnh nhân có thể hết ho máu ngay khi bơm chất gây thuyên tắc mạch).
- Ít xâm lấn, lượng máu mất do thủ thuật ít (3-5ml).
- Triệu chứng lâm sàng cải thiện nhanh sau điều trị.
- Chi phí thấp so với phẫu thuật, thời gian phục hồi sau thủ thuật ngắn.
- Có thể tiến hành nhiều lần.
Nhược điểm duy nhất của kỹ thuật này phải chiếu tia X lên người bệnh.
Thông thường, việc tiến hành cầm máu bằng nút động mạch phế quản mất thời gian khoảng 45 -60 phút. Một số trường hợp có thể kéo dài từ 2 đến 3 giờ do biến thể của động mạch phế quản, nhánh chảy máu nhỏ và nhiều nhánh khác nhau cùng gây chảy máu.
Ho máu là triệu chứng lâm sàng nguy hiểm hay gặp và tỉ lệ tử vong cao (thậm chí trong vòng vài giờ). Việc cầm máu bằng thuốc nhiều khi không đem lại hiệu quả cao trong khi đó việc cầm máu bằng nội soi và phẫu thuật đôi khi rất hạn chế và thời gian kéo dài. Nút động mạch phế quản điều trị ho máu là phương pháp mới và đang được ứng dụng rộng rãi. Với nhiều trung tâm lớn đây là phương pháp đầu tay cho cầm máu trong bệnh cảnh ho ra máu. Cải thiện triệu chứng nhanh chóng và hiệu quả, ít xâm lấn. Đôi khi BAE là lựa chọn điều trị duy nhất cho những trường hợp ho máu mà khó hoặc không thể điều trị phẫu thuật.
Nếu thấy có dấu hiệu ho ra máu, bệnh nhân nên đi khám tại bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh, từ đó quyết định phương pháp điều trị cụ thể. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện uy tín lâu năm trong khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm khi khám chữa bệnh tại đây.
Khách hàng có nhu cầu đăng ký khám và tư vấn tại Vinmec vui lòng đặt khám TẠI ĐÂY.