Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Cơn hen phế quản nặng và nguy kịch thường xuất hiện trên bệnh nhân hen phế quản không được theo dõi và điều trị dự phòng không đúng theo hướng dẫn. Nếu không được điều trị kịp thời cơn hen phế quản có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh, thậm chí tử vong vì lên cơn hen.
1. Cơn hen phế quản
Cơn hen phế quản nặng và nguy kịch thường xuất hiện trên bệnh nhân hen phế quản không được theo dõi và điều trị dự phòng không đúng theo hướng dẫn, hoặc khi xuất hiện cơn hen phế quản cấp không được điều trị tốt. Những người bệnh dễ có nguy cơ mắc phải cơn hen phế quản nặng và nguy kịch bao gồm:
- Bệnh nhân có tiền sử cơn hen phế quản nặng và đã từng phải đặt ống nội khí quản hay thở máy.
- Thời gian gần đây đã phải vào nằm viện hoặc cấp cứu vì cơn hen phế quản.
- Thường dùng thuốc corticoid uống, đặc biệt là những trường hợp mới ngừng uống corticoid.
- Không dùng corticoid đường hít.
- Thời gian gần đây phải tăng liều lượng dùng thuốc cường Beta-2 giao cảm đường hít.
- Có tiền sử bệnh lý tâm thần hoặc có vấn đề về tâm lý và xã hội, kể cả khi đã dùng thuốc an thần.
- Bệnh nhân không được theo dõi và điều trị hen phế quản đúng cách.
Cơn hen phế quản nặng có thể xuất hiện và nặng lên rất nhanh trong vòng 2 đến 6 giờ đồng hồ bởi các yếu tố khởi phát như:
- Dị nguyên trong nhà: mạt bụi nhà, nấm mốc, lông thú (mèo, chó, chuột,...), gián, thuốc men và hóa chất,...
- Dị nguyên ngoài nhà: bụi đường phố, nấm mốc, phấn hoa, chất lên men, các hóa chất, yếu tố nhiễm trùng (chủ yếu là virus) hay hương khói các loại.
- Nhiễm trùng: chủ yếu là do nhiễm virus.
- Các yếu tố nghề nghiệp: bụi bông, than, hoá chất,...
- Thuốc lá: hút thuốc bị động hoặc chủ động.
- Ô nhiễm môi trường không khí: khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông, các loại khí ô nhiễm và hoá chất,...
2. Điều trị cơn hen nặng và nguy kích
2.1 Nguyên tắc xử trí
Nguyên tắc xử trí cơn hen phế quản nặng và nguy kịch đòi hỏi phải khẩn trương, tích cực, sử dụng thuốc đúng phương pháp (đúng đường dùng, đúng liều lượng). Phác đồ điều trị cơn hen phế quản nặng và nguy kịch cần phải phối hợp các phương pháp đó là:
- Bảo đảm oxy máu: Cần cho người bệnh thở oxy với lưu lượng cao qua ống thông mũi (gọng kính oxy) hoặc mặt nạ oxy. Nếu bệnh nhân đã dùng oxy lưu lượng cao mà vẫn giảm oxy máu nặng thì cần chỉ định thở máy.
- Thuốc giãn phế quản: Thuốc giãn phế quản được lựa chọn hàng đầu đó là thuốc cường β2 giao cảm tác dụng nhanh, đường dùng tại chỗ sẽ được ưu tiên đầu tiên (thường dùng khí dung, nếu không có điều kiện khí dung có thể sử dụng dạng xịt định liều). Thuốc ức chế phó giao cảm tác dụng nhanh cũng thường được sử dụng kết hợp với cường β2 giao cảm. Theophyllin chỉ được xem xét chỉ định ở những trường hợp người bệnh kém đáp ứng với cường β2 giao cảm và đáp ứng tốt với theophyllin. Adrenalin được chỉ định khi phải sử dụng các thuốc trên với liều lượng cao mà không có tác dụng.
- Corticoid: Thuốc corticoid đường toàn thân dưới dạng tiêm tĩnh mạch được sử dụng trong điều trị cơn hen phế quản nặng.
2.2 Xử trí ban đầu cơn hen nặng và vận chuyển cấp cứu
- Cho người bệnh thở khí dung ngay với thuốc cường bêta-2 giao cảm trong 20 phút, khí dung nhắc lại nếu không có hiệu quả. Hoặc có thể xịt thuốc cường bêta-2 giao cảm với liều lượng 2 - 4 lần xịt, nhắc lại và tăng số lần phát xịt từ 8 - 10 phát nếu không có hiệu quả.
- Dùng thuốc corticoid đường uống (prednisolon 5 mg x 6 - 8 viên) hoặc tiêm tĩnh mạch (methylprednisolon 40 mg).
- Chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện. Trên đường vận chuyển cần cho người bệnh thở oxy với liều lượng 6 - 8 lít/phút, tiếp tục xịt thuốc cường β2 giao cảm cứ 10 - 15 phút/lần. Nên sử dụng buồng đệm khi xịt thuốc thuốc cường bêta-2 giao cảm.
3. Tiên lượng và biến chứng
Cơn hen phế quản tiến triển nặng hay nguy kịch còn phụ thuộc vào việc điều trị có được tiến hành khẩn trương và đúng phác đồ hay không. Một cơn hen phế quản kéo dài có thể nặng lên và trở thành nguy kịch nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, nhất là chậm trễ trong việc chỉ định dùng thuốc không đủ liều hoặc thở máy. Tiên lượng của cơn hen phế quản nặng sẽ phụ thuộc vào sự xuất hiện các biến chứng. Những biến chứng có thể xảy ra sau khi xuất hiện cơn hen phế quản nặng và nguy kịch như:
- Tràn khí màng phổi hoặc trung thất: có thể xuất hiện tự phát, thường xuất hiện khi người bệnh gắng sức, hoặc là biến chứng của thở máy.
- Nhiễm khuẩn bệnh viện.
- Rối loạn nước và điện giải: người bệnh có thể mất nước và điện giải trong quá trình gắng sức hô hấp, hạ kali máu do sử dụng thuốc cường giao cảm liều cao.
Một số biện pháp phòng cơn hen phế quản nặng và nguy kịch bao gồm:
- Theo dõi quản lý bệnh hen và điều trị dự phòng hen phế quản đúng phác đồ.
- Khi xuất hiện cơn hen phế quản cấp người bệnh cần được điều trị tích cực, đúng phương pháp, đặc biệt là đối với các người bệnh có nguy cơ bị cơn hen phế quản nặng.
- Cố gắng hạn chế và tránh tiếp xúc với những dị nguyên gây cơn hen phế quản.
Tóm lại, cơn hen phế quản nặng và nguy kịch thường xuất hiện trên bệnh nhân hen phế quản không được theo dõi và điều trị dự phòng không đúng theo hướng dẫn, hoặc khi xuất hiện cơn hen phế quản cấp không được điều trị tốt. Nếu không được điều trị kịp thời cơn hen phế quản có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh, thậm chí tử vong vì lên cơn hen. Do vậy, người bệnh mắc hen phế quản cần tuân thủ phác đồ điều trị tại nhà, tránh xa các tác nhân có thể gây ra cơn hen, đồng thời khi có dấu hiệu cơn hen nặng cần đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.