Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Lông quặm (Quặm mi) là tình trạng có thể bắt gặp ở bất kỳ đối tượng nào kể cả trẻ sơ sinh và người lớn tuổi. Quặm mi tuy không quá nguy hiểm nhưng thường gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
1. Bệnh lông quặm là gì?
Bệnh lông quặm là tình trạng lông mi mọc sai hướng và cuộn vào phía bên trong mi mắt. Điều này khiến cho phần giác mạc và kết mạc liên tục bị chà sát bởi lông mi dẫn đến tổn thương.
Phần lông quặm có thể xuất hiện rải rác theo từng đoạn nhỏ hoặc xuất hiện trên cả vùng mi mắt.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh lông quặm
Bệnh lông quặm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cụ thể như:
2.1 Lông quặm bẩm sinh
Lông quặm bẩm sinh thường là do khuyết tật cấu trúc sụn mi hoặc tăng sản cơ vòng mi và lớp da ở trẻ sơ sinh. Khi đó, phần bờ mi lộn vào trong khiến cho lông mi liên tục cọ sát vào phần giác mạc. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành viêm loét giác mạc và ảnh hưởng không tốt đến thị lực của trẻ.
2.2 Do tuổi già
Đây được coi là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất ở những người bị bệnh lông quặm. Hiện tượng lão hóa ở người lớn tuổi làm các mô nâng đỡ mi bị lỏng lẻo, khiến lông mi không được giữ đúng hướng và quặp vào trong gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, đỏ mắt, chảy nước mắt.
2.3 Lông quặm do co thắt
Co thắt mi mạn tính có thể bắt gặp ở những trường hợp bị viêm mắt hoặc gặp sang chấn hậu phẫu. Tình trạng này thường xảy ra ở mi dưới nhiều hơn.
2.4 Lông quặm do sẹo
Một số bệnh lý về kết mạc có thể dẫn đến biến chứng quặm mi như bệnh Pemphigus mắt, bệnh mắt hột, bỏng hóa chất, hội chứng Stevens – Johnson... Khi kết mạc mi có sẹo khiến cho phần sụn mi mắt bị cong vào trong, có một vài trường hợp kèm theo dính mi một phần.
3. Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh lông quặm
Các triệu chứng thường gặp của bệnh lông quặm khá dễ nhận biết, khi lông quặm tiếp xúc liên tục với kết mạc và giác mạc có thể gây ra:
- Nước mắt chảy nhiều
- Đỏ mắt
- Vùng mi mắt có đóng vảy cứng và tiết dịch nhầy
- Mắt có cảm giác cộm, khó chịu
- Nhạy cảm với ánh ánh, đặc biệt khi nhìn ánh sáng chói có thể thấy đau mắt
- Thị lực suy giảm
4. Điều trị bệnh lông quặm hiệu quả
4.1 Phương pháp chẩn đoán bệnh lông quặm
Trong trường hợp nghi ngờ bị bệnh lông quặm, bác sĩ sẽ sử dụng đèn khe toàn diện để kiểm tra phần phía trước. Từ đó, có cơ sở đánh giá sự phân bố của phần lông mi quặm, đồng thời tìm ra nguyên nhân và phân biệt với các chẩn đoán khác.
4.2 Phương pháp điều trị bệnh lông quặm
Phương pháp điều trị bệnh lông quặm thường được áp dụng là phẫu thuật. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh lông quặm mà bác sĩ sẽ lựa chọn các kỹ thuật can thiệp khác nhau như tái định vị lông mi/ nang lông hoặc triệt lông mi/ nang lông.
4.3 Tái định vị lông mi/nang lông
Phẫu thuật tái định vị lông mi/nang lông được thực hiện cụ thể như sau:
- Đối với trường hợp quặm mi chiều ngang hay chùng mi: Bác sĩ sẽ tiến hành gắn lại phần cơ rút mi dưới, đồng thời loại bỏ lớp sụn thể.
- Đối với trường hợp tạo sẹo lớp sau: Các lớp mỏng và vòm phía sau thường có thể được kéo dài bằng việc sử dụng các mảnh ghép.
4.4 Triệu lông mi/nang lông
Lông quặm từng phần hoặc cục bộ có thể áp dụng điều trị bằng cách tiến hành phẫu thuật triệt lông mi/ nang lông. Việc sử dụng các loại kẹp thường để nhổ lông đơn giản chỉ là một biện pháp xử trí kịp thời bởi vẫn để lại các nang lông. Khi đó, lông mi mọc trở lại thậm chí có thể cứng và gây cảm giác khó chịu hơn trước.
Một phương pháp triệt lông mi hiệu quả hơn là triệt lông mi bằng điện. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi người bệnh phải chịu đau và đôi khi gây khó khăn cho đội ngũ y bác sĩ phẫu thuật.
Bên cạnh việc phẫu thuật can thiệp, người bệnh có thể làm giảm sự chà sát của lông mi bằng cách dùng chất bôi trơn như thuốc mỡ hoặc nước mắt nhân tạo. Ngoài ra, bệnh nhân đau mắt hột cũng có thể sử dụng tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc doxycycline nhằm làm ức chế nguyên bào sợi cơ, từ đó hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tái phát lông quặm hậu phẫu thuật.
Người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, cụ thể như hội chứng Stevens – Johnson hay bóng nước có sẹo ở mắt.
5. Phương pháp ngăn ngừa và hạn chế bệnh lông quặm
Để có thể ngăn ngừa và hạn chế bệnh lông quặm một cách tốt, người bệnh cần nắm được đầy đủ thông tin về tình trạng này. Lông quặm tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị có thể diễn biến nghiêm trọng và ảnh hưởng đến thị lực.
Do đó, người bệnh nên cảnh giác với bất kỳ triệu chứng nào nghi là của bệnh lông quặm. Khi xuất hiện triệu chứng của bệnh lông quặm như kể trên thì nên đến ngay các cơ sở chuyên về mắt để được thăm khám và tư vấn cụ thể.