Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt khẩn cấp trong nhãn khoa. Bỏng mắt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng trong mọi trường hợp đều phải xử trí kịp thời, đúng cách thì mới bảo tồn được các chức năng của mắt.
1. Sơ lược về tình trạng bỏng mắt
Tùy vào loại dung dịch bắn vào mắt, độ đậm đặc của dung dịch gây bỏng, diện tích và độ nông sâu của vết bỏng mà người ta xếp loại bỏng mắt từ nhẹ đến nặng.
Trong các loại bỏng mắt thì bỏng hóa chất thuộc loại nặng nhất do hóa chất sẽ phá hủy và thấm sâu vào tổ chức của mắt. Hóa chất hay gặp là axit và bazơ. Tiên lượng của bỏng mắt nặng hay nhẹ phụ thuộc vào việc xử trí bỏng mắt sớm hay muộn.
Bỏng mắt do các axit loãng thường chỉ gây những tổn thương nhẹ và nông, tuy nhiên với axit đặc, pH < 2.5 sẽ gây ra những tổn thương hoại tử giác mạc. Khi axit tiếp xúc với mô và tổ chức sẽ gây hoại tử đột ngột, làm đông vón protein bề mặt, ngăn cản sự lan tỏa của hóa chất khiến axit không lấn sâu vào các mô, tiên lượng có thể biết được ngay sau bỏng.
Bỏng mắt do bazơ là trầm trọng nhất do khi tiếp xúc với tế bào, bazơ làm tan rã tế bào, nhuyễn mô và ngấm sâu, hút nước của tế bào sinh ra nhiệt gây bỏng. Sự tỏa lan của bazơ theo bề rộng và chiều sâu, tác dụng kéo dài nhiều ngày, khó tiên lượng ngay lúc đầu. Nếu bỏng do bazơ cần phải dè dặt ngay cả với tổn thương ban đầu không nặng lắm. Bazơ nguy hiểm nhất là bazơ đậm đặc, nhóm amoni và các hợp chất của nó.
2. Sơ cứu, xử trí bỏng mắt tại hiện trường
Tiên lượng của mắt phụ thuộc vào việc cấp cứu ban đầu sau bị bỏng, do đó việc xử trí bỏng mắt là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả điều trị bỏng mắt về sau.
Đầu tiên cần khẩn cấp tiến hành loại trừ tác nhân gây bỏng bằng cách rửa mắt bằng nước sạch. Nếu không có nước sạch thì phải chấp nhận sử dụng cả nước không sạch (nước ao, hồ, ruộng...) để rửa.
2.1 Tác dụng của việc rửa mắt
- Loại trừ ngay tác nhân gây bỏng mắt ra khỏi mắt.
- Làm giảm nồng độ của chất gây bỏng.
- Kiểm kê được các tổn thương.
- Giúp hạn chế di chứng về sau.
2.2 Cách rửa mắt khi bị bỏng
- Bệnh nhân có thể tự rửa mắt bằng cách ngâm mặt - mắt ngập xuống nước và liên tục chớp mắt nhiều lần trong nước để nước rửa được toàn bộ bề mặt mắt.
- Bên cạnh đó, những người xung quanh vẫn có thể rửa mắt giúp bệnh nhân bằng cách dùng vòi nước, xô, chậu... và đổ nước vào trong mắt với tư thế cho bệnh nhân nằm ngửa mở mắt, nếu không mở mắt được thì nhờ người khác vạch mi giúp.
- Chú ý khi rửa mắt là lượng nước rửa ít nhất phải vài lít và thời gian rửa ít nhất phải 10 đến 15 phút. Và điều cần nhớ là không rửa mắt bằng các dung dịch trung hòa axit bazơ vì như thế chỉ làm tổn thương mắt nặng hơn.
Có theể nói, rửa mắt tại nơi xảy ra tai nạn là một biện pháp xử trí bỏng mắt đơn giản nhưng lại rất có giá trị ở giai đoạn đầu tiên của việc điều trị bỏng mắt. Tác dụng của rửa mắt là ngăn không cho tác nhân gây bỏng lưu lại bề mặt nhãn cầu và xâm nhập vào các tổ chức bên trong mắt.
Sau khi đã xử trí sơ cứu kịp thời thì cần chuyển bệnh nhân tới chuyên khoa mắt để được điều trị. Chống chỉ định băng kín mắt khi vận chuyển vì có thể gây lột da, tổn thương thêm lớp da và niêm mạc quanh mắt.
3. Điều trị bỏng mắt tại cơ sở y tế
Sau khi sơ cứu tại hiện trường bằng cách rửa mắt bằng nước sạch, cần chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để có hướng điều trị thích hợp tiếp theo.
3.1 Nguyên tắc điều trị bỏng mắt
- Loại bỏ chất gây bỏng ra khỏi mắt.
- Giảm đau.
- Chống nhiễm khuẩn (dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân).
- Chống xơ dính (tra thuốc mỡ, không băng).
- Dinh dưỡng kết giác mạc.
3.2 Loại bỏ chất gây bỏng
- Tra thuốc tế Dicain 1% để gây tê tại chỗ.
- Tiếp tục lấy hết dị vật còn trong mắt.
- Nếu bỏng do vôi cục chưa tôi phải dùng panh gắp hết vôi cục ra (không nên rửa mắt ngay từ đầu).
- Dung dịch rửa mắt tốt nhất là nước muối sinh lý nồng độ 9‰ hoặc nước đường (bỏng do vôi cục).
- Cần kiểm tra độ pH trước và sau khi rửa. Nếu bệnh nhân bị bỏng mắt do bazơ cần phải rửa với thời gian lâu hơn 30 phút cho tới khi pH trở về cân bằng (pH = 7).
3.3 Điều trị nội khoa
- Tra thuốc: Cloroxit dầu A, dung dịch CB2, mỡ kháng sinh, tra Atropin 1% giúp chống viêm màng bồ đào (viêm mống mắt thể mi).
- Có thể dùng máu tự thân hoặc huyết thanh tự thân 0.5 - 1 ml để tiêm dưới kết mạc.
- Thoa cùng đồ các loại mỡ kháng sinh bằng que thuỷ tinh đầu tròn mỗi ngày từ 1 - 2 lần để phòng xơ dính mắt.
- Sử dụng thuốc giảm đau, an thần để điều trị triệu chứng hoặc sử dụng các loại vitamin tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
3.4 Điều trị ngoại khoa
Chỉ định ngoại khoa cần thận trọng trong giai đoạn đầu của bỏng mắt, cần cân nhắc giữa lợi ích và biến chứng của các phương pháp ngoại khoa mang lại. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Chọc tiền phòng: Mục đích là thay thế thuỷ dịch nhiễm hóa chất bằng thuỷ dịch thứ sinh có nhiều kháng thể hơn. Chọc tiền phòng thường được chỉ định trong bỏng mắt do bazo.
- Phẫu thuật Doenig : Trường hợp bỏng nặng, kết mạc bị hoại tử nhiều thì cần cắt bỏ kết mạc hoại tử đến sát rìa giác mạc và vá bằng niêm mạc môi hoặc màng rau thai.
- Phẫu thuật Passov Poliak: Đây là phương pháp giúp loại trừ các chất độc và các độc tố do các mô hoại tử tiết ra lưu lại dưới kết mạc. Thực hiện phẫu thuật bằng cách rạch 4 đường trên kết mạc dài 4 - 5 mm, hình nan hoa, tách lớp giữa kết mạc và củng mạc và để hở, không khâu kết mạc.
- Ghép giác mạc: Đây là biện pháp hiện đại, ngày càng được áp dụng rộng rãi trong điều trị bỏng mắt nặng. Ghép giác mạc bao gồm ghép giác mạc xuyên, ghép giác mạc nông.
- Một số phương pháp khác ít được sử dụng như: Phẫu thuật tách dính mi cầu, phẫu thuật da tạo hình mi, phẫu thuật phủ Tenon, hạ nhãn áp, phẫu thuật Sapejko, phẫu thuật khâu cò mi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.