Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Sụp mi là sự sa xuống của mi trên thấp hơn so với vị trí bình thường (bình thường bờ mi trên phủ rìa cực trên của giác mạc 1 – 2mm), gây mất thẩm mỹ khuôn mặt và ảnh hưởng đến chức năng thị giác. Phẫu thuật hẹp khe mi được coi là phương pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng sụp mi.
1. Chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật
1.1. Chỉ định
Phẫu thuật sụp mi được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Hẹp khe mi mắc phải do cơ: Cơ nâng mi bị giảm chức năng co cơ vĩnh viễn hoặc tạm thời trong các bệnh cơ khu trú hoặc lan tỏa (bệnh loạn dưỡng cơ, loạn dưỡng cơ mắt - hầu, liệt vận nhãn tiến triển mạn tính, hội chứng Guillain - Barré,...), sau tiêm Botulinum toxin,...
- Hẹp khe mi do tác nhân cơ học: Mi trên bị chèn ép (u mi trên, u hốc mắt, tuyến lệ phì đại,...) do chùng da mi, do dính (xơ hóa quanh cơ, sẹo lớn mi, dính mi - cầu do bỏng, dị ứng thuốc, mắt hột,...),...
- Hẹp khe mi do thần kinh - cơ trong bệnh nhược cơ nặng.
- Hẹp khe mi do chấn thương, phẫu thuật, can thiệp mạch máu: Phẫu thuật hốc mắt, sọ não, can thiệp mạch máu cũng có thể làm tổn thương trực tiếp cân cơ, thần kinh gây sụp mi.
- Hẹp khe mi do tuổi già: Cân cơ nâng mi bị dãn đứt, tuột điểm bám, mi trên chùng dãn, thừa da, thừa mỡ, sa tuyến lệ,...
1.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định phẫu thuật sụp mi với các trường hợp:
- Các tổn thương mới xuất hiện (sẹo mi chưa đủ 6 tháng ổn định, liệt dây VII chưa đủ 3 tháng theo dõi).
- Bệnh lý toàn thân chưa cho phép phẫu thuật.
2. Phẫu thuật sụp mi
2.1 Mục đích điều trị
- Cải thiện chức năng giải phóng diện đồng tử, hạn chế các biến chứng (giảm thị lực, nhược thị ...) cải thiện thẩm mỹ.
- Lựa chọn phương pháp phẫu thuật sụp mi: Căn cứ vào cơ chế gây sụp mi, mức độ sụp mi, chức năng của cơ nâng mi và các yếu tố ảnh hưởng khác.
2.2 Thời điểm phẫu thuật
- Với sụp mi bẩm sinh: Thường khi trẻ 5 - 6 tuổi, nếu sụp mi nặng có nguy cơ nhược thị hoặc lệch vẹo đầu thì cần phải mổ sớm hơn, có thể từ lúc 1 tuổi.
- Với hẹp khe mi mắc phải: Khi độ sụp mi và nguyên nhân đã ổn định.
- Mức độ điều chỉnh: Nâng mi đến mức tốt (cả chức năng và thẩm mỹ, ưu tiên tư thế nhìn thẳng) nhưng vẫn bảo đảm được chức năng che phủ nhãn cầu của mi mắt (không hở giác mạc khi nhắm mắt ).
2.3 Quy trình phẫu thuật hẹp khe mi
- Gây tê tại chỗ. Gây mê nếu bệnh nhân kém hợp tác.
- Gây tê góc ngoài mi.
- Mở góc ngoài mi.
- Cắt nhánh dưới của dây chằng mi ngoài và cầm máu.
- Bộc lộ thành ngoài hốc mắt, bộc lộ màng xương.
- Tạo vạt sụn mi dưới và khâu đính vạt sụn vào màng xương bằng chỉ prolene 5/0.
- Khâu cơ, da theo từng bình diện.
Hiện nay, với sự phát triển của các máy móc, phương tiện chẩn đoán cùng sự nhận thức tốt của người dân, nhiều trường hợp hẹp khe mi đã được khám và điều trị kịp thời tại các bệnh viện mắt chuyên khoa, giúp bệnh nhân tránh được những hậu quả không đáng có để tự tin hòa nhập được với cuộc sống xung quanh một cách tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.