Bài viết được viết bởi Bác sĩ Trịnh Ngọc Duy - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Celiac là bệnh lý mạn tính có cơ chế tự miễn do phản ứng với gluten trong thức ăn. Bệnh có yếu tố di truyền và trên thực tế lâm sàng, biểu hiện khá đa dạng từ không có triệu chứng đến triệu chứng mờ nhạt hoặc những trường hợp nặng có thể có triệu chứng kém hấp thụ điển hình như tiêu chảy mạn tính, thiếu máu thiếu sắt, gầy sút cân...
Đây được coi là một bệnh lý rối loạn tiêu hóa hiếm trong đó hay gặp ở trẻ em tuy nhiên trong những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện bệnh lý này tăng cùng với việc ghi nhận nhiều triệu chứng lâm sàng ngoài đường tiêu hóa và gặp ở nhiều lứa tuổi.
1. Nhóm bệnh lý có tỉ lệ mắc bệnh Celiac kèm theo cao
- Hội chứng kém hấp thu, tiêu chảy có gầy sút cân, tiêu chảy
mạn tính, gầy sút không rõ lý do - Bệnh lý chuyển hóa xương, loãng xương sớm, bệnh lý tuyến giáp
- Đầy bụng, ợ hơi sau ăn, hội chứng ruột kích thích
- Tăng men gan
- Teo nhung mao ruột phát hiện tình cờ trên nội soi/mô bệnh học
- Bệnh lý thần kinh ngoại vi, viêm da dạng Herpes, loét áp tơ miệng, thiểu sản men răng
- Hội chứng Down, Turner...
2. Bệnh nhân nào cần sàng lọc bệnh Celiac?
Hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể ở những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm bất thường hoặc tiền sử bệnh lý đặc biệt nào sẽ cần sàng lọc đối với Celiac.
Tỷ lệ phát hiện bệnh lý này tăng nhẹ ở nhóm bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích và cao hơn hẳn trong nhóm bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt không rõ lý do.
Do vậy, ở một số bệnh nhân được coi là đối tượng nguy cơ cao, mặc dù không có triệu chứng điển hình của bệnh vẫn cần được sàng lọc bao gồm:
- Tiền sử gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh Celiac.
- Thiếu máu, đặc biệt thiếu máu thiếu sắt, bệnh lý chuyển hóa xương.
- Đái tháo đường type 1, đặc biệt ở trẻ em.
- Bệnh lý nội tiết tự miễn đặc biệt là tuyến giáp.
- Viêm gan tự miễn, viêm xơ đường mật tiên phát.
- Bệnh lý liên quan đến bất thường về gen: hội chứng Down, Turner.
- Một số bệnh lý khác: viêm da dạng herpes, nhược cơ, bệnh viêm cầu thận IgA.
Trong đó, tiền sử gia đình là yếu tố nguy cơ cao nhất. Tỉ lệ sinh thiết khẳng định chẩn đoán ở nhóm đối tượng này theo một nghiên cứu lên đến xấp xỉ 20%. Theo một nghiên cứu tại Thụy Điển, ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường type 1, tại thời điểm phát hiện bệnh, tỉ lệ được chẩn đoán Celiac có triệu chứng kèm theo thấp (0,7%) nhưng trong quá trình theo dõi dọc 5 năm, tỷ lệ mắc tăng lên 10%. Điều này gợi ý theo thời gian, ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao, tỉ lệ mắc tăng dần.
3. Bệnh Celiac có thể dẫn đến những hậu quả gì?
Bệnh Celiac có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu như không phát hiện và cải thiện tình trạng bệnh sớm. Một số nguy cơ gây ra do bệnh Celiac như:
- Gluten gây tổn thương niêm mạc ruột non ở người bị bệnh Celiac. Tình trạng này sẽ ngăn cơ thể bạn không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng từ thực phẩm dẫn đến cơ thể mệt mỏi, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và hàng loạt các rối loạn khác như rối loạn đông máu....
- Bệnh celiac dẫn đến tăng nguy cơ của cả hai ung thư hạch và ung thư biểu mô của ruột non
- Bệnh lâu ngày và không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng khác, chẳng hạn như viêm loét ruột non và co hẹp ruột non do sẹo.
4. Điều trị bệnh Celiac
Cho đến nay, chế độ ăn loại trừ gluten là phương pháp điều trị hiệu quả nhất giúp ngăn tổn thương niêm mạc ruột tiến triển do tiếp xúc với gluten. Các nguồn thức ăn chính chứa gluten là lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen.
Mặc dù yến mạch đã được chứng minh có hàm lượng gluten rất thấp và có thể sử dụng trong chế độ ăn loại trừ gluten nhằm cung cấp nguồn chất xơ, vitamin B, magie và sắt cho bệnh nhân, việc đưa yến mạch vào chế độ ăn cần hết sức cẩn thận. Trong những trường hợp này, nên có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng và theo dõi để phát hiện sớm nếu có các triệu chứng bùng phát.
Đối với những bệnh nhân mới được chẩn đoán Celiac, cần kiểm tra tình trạng thiếu hụt các vi chất bao gồm sắt, acid folic, vitamin D, vitamin B12 để có tư vấn dinh dưỡng phù hợp.
5. Thế nào là chế độ ăn không có gluten?
Khái niệm chế độ ăn loại trừ gluten được định nghĩa là chế độ ăn có hàm lượng gluten thấp ở mức độ không có khả năng gây nguy hại cho bệnh nhân và theo các nghiên cứu, hàm lượng này là dưới 10mg/ngày.
Áp dụng chế độ ăn này sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng, hồi phục các tổn thương ở đường tiêu hóa và ngăn ngừa biến chứng tiến triển thành ung thư ở bệnh nhân celiac. Bên cạnh đó, có sự cải thiện về các chỉ số dinh dưỡng bao gồm tăng cân, tăng chỉ số BMI, tăng mật độ xương ở bệnh nhân tuân thủ điều trị.
Chế độ ăn không có gluten hay chế độ ăn gluten free là chế độ ăn không bao gồm protein gluten. Chế độ ăn này cần thiết để kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh celiac (là một loại bệnh đường ruột do mẫn cảm với thành phần gluten và gây khó khăn cho việc tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng) và các tình trạng y tế khác có liên quan đến gluten.
Lợi ích từ chế độ này được chứng minh là cải thiện được sức khoẻ, giảm cân và tăng năng lượng. Hầu hết các nghiên cứu lâm sàng liên quan đến chế độ ăn không có gluten đã được thực hiện với những người mắc bệnh celiac. Do đó, rất có ít bằng chứng lâm sàng về lợi ích sức khỏe của chế độ ăn này trong cộng đồng.
Loại bỏ gluten ra khỏi chế độ ăn có thể thay đổi hàm lượng chất xơ, vitamin, chất khoáng và các chất dinh dưỡng khác. Do đó, trong trường hợp phải tuân thủ chế độ ăn không có gluten thì điều quan trọng cần phải biết là chế độ ăn đó có thể hưởng đến toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Giữ chế độ ăn kiêng gluten nghiêm ngặt là một điều cần thiết suốt đời cho những người mắc bệnh celiac. Thực hiện ăn kiêng tốt và tránh lây nhiễm chéo có thể làm giảm triệu chứng và biến chứng của bệnh.
Đối với những người bị nhạy cảm với gluten không celiac, tình trạng này có thể không kéo dài suốt đời. Có thể ăn kiêng gluten trong một thời gian nhất định trong một hoặc hai năm, sau đó kiểm tra lại độ nhạy cảm với gluten. Tuy nhiên, với một số người khác nhạy cảm với gluten không celiac thì chế độ ăn kiêng có thể là một phương pháp điều trị suốt đời.
Một số nghiên cứu lâm sàng đã xem xét lợi ích của chế độ ăn kiêng tại cộng đồng-những người không mắc bệnh celiac hay những người nhạy cảm với gluten không celiac. Không có đủ bằng chứng lâm sàng để xác định chính xác những tuyên bố về kết quả: giảm cân, sức khoẻ tổng thể được cải thiện, cải thiện sức khoẻ đường tiêu hoá, cải thiện các thành tích trong luyện tập thể thao. Thêm vào đó, sẽ có một số rủi ro khi sử dụng chế độ ăn không có gluten như làm thay đổi lượng chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Đào văn Long, Đào Việt Hằng. Bệnh lý tự miễn dị ứng đường tiêu hóa. Nhà xuất bản y học .
- Fasano A. và Catassi C. (2001). Current approaches to diagnosis and
treatment of celiac disease: an evolving spectrum. Gastroenterology, 120(3),636-651.
3. Gujral N., Freeman H. J., và Thomson A. B. R. (2012). Celiac disease:
prevalence, diagnosis, pathogenesis and treatment. World J Gastroenterol, 18(42),6036-6059.