Giận dữ là cảm xúc bình thường mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bản thân thường xuyên giận dữ mất kiểm soát hoặc luôn có cảm giác tức giận âm ỉ thì đó có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý.
1. Tức giận là gì?
Giận dữ là đáp ứng tự nhiên của cơ thể, là cảm xúc theo bản năng khi chúng ta phản ứng với các mối đe dọa hoặc nguy hiểm trong cuộc sống. Cảm xúc tức giận là cần thiết cho sự tồn tại của con người.
Sự tức giận sẽ trở thành vấn đề khi bạn không thể kiểm soát được cơn giận của mình, có thể dẫn đến bạo lực lời nói và hành vi, tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng không kiểm soát được tức giận sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tâm lý của con người.
2. Vì sao bạn tức giận?
Mọi người có thể trở nên giận dữ vì nhiều lý do khác nhau, và sự thể hiện cơn giận của mỗi người là không giống nhau. Nguyên nhân dẫn đến sự tức giận ở người này có thể hoàn toàn không ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác.
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây ra tức giận, đó là do tác động của hoàn cảnh bên ngoài và do bệnh lý bên trong cơ thể.
Nguyên nhân bên ngoài
Chúng ta có thể tức giận khi gặp phải các hoàn cảnh như:
- Bị tấn công hoặc bị đe doạ
- Bị lừa dối
- Thất vọng, tuyệt vọng hoặc bất lực
- Bị đối xử bất công
- Không được tôn trọng
Nguyên nhân bên trong
Có nhiều bệnh lý tiềm ẩn làm cho người bệnh khó kiểm soát được cơn giận, bao gồm:
- Đột quỵ: Bệnh nhân đột quỵ - đặc biệt là bệnh nhân bị tổn thương vùng não giúp cân bằng cảm xúc - rất khó kiểm soát tức giận. Người bệnh thường cảm thấy thất vọng, lo lắng, buồn bã và tức giận.
- Bệnh Alzheimer: Thay đổi tâm trạng và tính cách có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh, thể hiện dưới dạng dễ nóng giận, cáu gắt.
- Tự kỷ: Người mắc chứng tự kỷ rất dễ phản ứng thái quá với các thay đổi dù là nhỏ nhất ví dụ như tiếng ồn, sự thay đổi kế hoạch.
- Trầm cảm: Trầm cảm thường đi kèm với tức giận, người bệnh có thể cảm thấy thất vọng không vì bất kỳ lý do gì.
- Đái tháo đường: Rối loạn đường huyết có thể dẫn đến thay đổi hành vi như tức giận, khóc lóc hoặc bối rối.
- Động kinh: Co giật cục bộ đơn giản – một dạng động kinh hiếm gặp – tác động đến một bên não làm rối loạn cảm xúc và gây ra cảm giác tức giận, phẫn nộ.
- Suy gan: Gan bị suy dẫn đến tích tụ các độc chất trong máu gây ảnh hưởng đến não làm bệnh nhân thay đổi tâm trạng, tích cách và dễ cáu gắt.
- Tiền mãn kinh: Sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm cả tức giận khó kiểm soát.
- Cường giáp: Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, bệnh nhân thường có triệu chứng lo lắng, hồi hộp, dễ nóng giận.
- Bệnh Wilson: Bệnh lý di truyền liên quan đến chuyển hóa đồng, khiến người bệnh bị ứ đồng trong cơ thể. Bệnh nhân thường có những thay đổi về tâm trạng, tính cách và hành vi.
- Thuốc: Các loại thuốc nhóm statin có thể khiến người dùng mắc phải các vấn đề về tâm lý hoặc thay đổi hành vi. Một số ít bệnh nhân được ghi nhận là có xu hướng hung hăng, bạo lực.
Nếu không thể kiểm soát được cơn giận của mình hoặc nó gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, bạn hãy tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ điều trị kịp thời và hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, medicalnewstoday.com