Một cơn bùng phát viêm khớp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, với các triệu chứng đau khớp dữ dội, sưng và cứng khớp. Phương thức điều trị thường được sử dụng nhất là sử dụng thuốc giảm đau và tiêm steroid.
1. Cơn bùng phát viêm khớp xảy ra do đâu?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây cơn bùng phát viêm khớp là do vận động quá mức và chấn thương khớp. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể gây bùng phát đau khớp dữ dội, bao gồm:
- Nhiễm trùng như cảm lạnh hoặc cúm
- Hình thành gai xương
- Các chuyển động lặp đi lặp lại
- Căng thẳng
- Tăng cân
- Thời tiết lạnh
- Thay đổi thời tiết
Một số bệnh lý thường khiến viêm khớp tái phát gồm:
Theo thời gian, bạn sẽ phát hiện ra nguyên nhân gây bùng phát đợt viêm khớp cấp tính và các dấu hiệu sớm cảnh báo. Trước mỗi cơn bùng phát viêm khớp, bạn có thể cảm thấy đau âm ỉ các khớp hoặc buồn ngủ vào ban ngày trong vài ngày. Điều trị sớm sẽ giúp bạn kiểm soát cơn đau tốt hơn.
2. Điều trị viêm khớp tái phát
Khi viêm khớp tái phát trở lại, bạn nên gọi cho bác sĩ để hướng dẫn điều trị. Thông thường, nó sẽ thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn trong vài ngày. Nếu cơn đau kéo dài hoặc trở nên đau khớp dữ dội thì bạn cần đi khám ngay để được điều chỉnh phương thức điều trị:
- Thay đổi thuốc: Một số loại thuốc mới hoặc điều chỉnh liều dùng của các thuốc đang sử dụng có thể giúp giảm đau tốt hơn. Loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát cơn bùng phát viêm khớp là thuốc chống viêm không steroid theo đơn hoặc không theo đơn dạng viên uống hoặc bôi ngoài da. Acetaminophen có thể có hiệu quả với một số người. Tiêm steroid vào khớp cũng có thể được sử dụng khi thuốc không có hiệu quả.
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi cũng là một cách để cơn đau thuyên giảm, nhưng không được ngừng di chuyển hoàn toàn để tránh bị cứng khớp, thay vào đó thỉnh thoảng nên thực hiện một số động tác kéo giãn nhẹ nhàng.
- Liệu pháp nóng và lạnh: Liệu pháp nóng có thể giúp tăng cường lưu lượng máu và thư giãn cơ bắp. Đối với viêm khớp, liệu pháp nóng thường được sử dụng là sáp parafin, có một loại máy đặc biệt để làm nóng sáp. Ngược lại, liệu pháp lạnh giúp giảm đau bằng cách co mạch, làm giảm lưu lượng máu đến vùng bị đau, trong đó chườm đá thường được sử dụng nhất. Bạn chỉ nên sử dụng 2 biện pháp này 2 - 4 lần/ngày, mỗi lần không quá 15 phút.
- Băng dán cơ Kinesio: Một số nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của băng dán cơ trong việc giảm đau và cứng khớp do viêm khớp. Việc băng bó quanh khớp giúp giảm bớt áp lực, trong khi vẫn cho phép bạn cử động bình thường. Băng dán cơ có thể được sử dụng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, bạn nên gặp bác sĩ vật lý trị liệu để được hướng dẫn cách sử dụng băng dán cơ tại nhà.
- Châm cứu: Một số người nhận định châm cứu có tác dụng trong điều trị viêm khớp bùng phát. Bác sĩ sử dụng các kim chân siêu mảnh đâm vào một số điểm trên cơ thể, cảm giác khó chịu có thể xảy ra khi kim châm đủ sâu, nhưng hầu như không gây cảm giác đau đớn.
- Gel capsaicin: Là loại gel được chiết xuất từ ớt, được sử dụng trong giảm đau đầu gối mức độ nhẹ. Nó không thấm đủ sâu để giảm đau ở vùng hông. Lưu ý, cần rửa tay sạch sau khi thoa kem để đảm bảo không dính vào mắt.
- Các thiết bị hỗ trợ: Chiếc gậy hoặc nẹp có thể hỗ trợ giảm đau khi cơn bùng phát viêm khớp xuất hiện ở đầu gối, hông. Nẹp ngón tay và cổ tay có thể được sử dụng để điều trị viêm khớp tay. Mỗi vùng khớp sẽ có một loại thiết bị hỗ trợ riêng, bạn sẽ được tư vấn loại phù hợp khi đi khám.
- Các nhóm giáo dục và hỗ trợ: Một số nhóm hỗ trợ trong cộng đồng có thể giúp bạn học cách kiểm soát các cơn bùng phát, cũng như sống chung với bệnh viêm khớp. Tư vấn và trị liệu nhận thức hành vi cũng có thể hữu ích, đặc biệt nếu bạn bị căng thẳng kéo dài.
3. Ngăn ngừa viêm khớp tái phát
Cùng với việc tuân theo kế hoạch điều trị, một số thay đổi trong lối sống cũng có thể giúp ngăn ngừa cơn bùng phát viêm khớp:
- Vận động: Tập thể dục làm cho các cơ gần khớp khỏe hơn, hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa cứng khớp và giảm đau. Bạn nên tìm một hoạt động mà mình yêu thích và phù hợp với thể trạng, một số gợi ý cho bạn gồm đi bộ, đi xe đạp tại chỗ, rèn luyện sức bền và các bài tập thăng bằng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia một số hình thức vận động dưới nước, vì chúng có thể giúp di chuyển khớp dễ dàng và tăng phạm vi vận động của khớp.
- Giảm căng thẳng: Tập yoga và thái cực quyền có thể giúp bạn vừa được vận động vừa thư giãn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập thiền để làm giảm căng thẳng.
- Giảm cân: Nếu bạn bị thừa cân, việc giảm cân sẽ giúp làm giảm bớt áp lực lên đầu gối và hông. Cân nặng càng giảm thì các triệu chứng của viêm khớp sẽ càng được cải thiện. Bạn nên bắt đầu với mục tiêu giảm 5% trọng lượng cơ thể.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây cơn bùng phát viêm khớp là do vận động quá mức và chấn thương khớp. Ngoài ra, còn do một số yếu tố khác. Trước mỗi cơn bùng phát viêm khớp, người bệnh có thể cảm nhận được các triệu chứng của bệnh. Việc điều trị sớm sẽ cải thiện tốt các triệu chứng của bệnh, nâng cao sức khỏe toàn diện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, arthritis.org