Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Trào ngược dịch mật là căn bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đây là hai căn bệnh hoàn toàn khác biệt. Việc điều trị tình trạng trào ngược dịch mật khá khó khăn so với bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
1. Trào ngược dịch mật là gì?
Dịch mật được sản xuất ở gan, nó có màu vàng đục hoặc hơi xanh, dạng dịch lỏng, có vị đắng và tính kiềm (pH từ 7 đến 7,7). Mỗi ngày có khoảng 700 đến 800 ml dịch mật được tiết ra và dự trữ trong túi mật. Khi bạn ăn, túi mật co bóp chuyển dịch mật trong túi mật vào tá tràng.
Vai trò của dịch mật đó là tiêu hóa chất béo, giúp cơ thể hấp thụ các vitamin tan trong dầu như A,D,E,K; kích thích tiết và hoạt hóa dịch tụy, dịch ruột; tạo môi trường kiềm ở ruột non, kích thích nhu động ruột và ức chế hoạt động của vi khuẩn lên men thối.
Van môn vị là vách ngăn giữa dạ dày và tá tràng sẽ đóng mở khi cần thiết nhằm đưa thức ăn xuống ruột non theo một chiều, nghĩa là dịch và thức ăn không thể từ ruột non quay lại vào dạ dày.
Nhưng vì một lý do nào đó khiến cho van môn vị đóng không kín, gây ra tình trạng trào ngược dịch mật và thức ăn từ ruột non lên dạ dày. Nếu có tình trạng van tâm vị mở thì dịch mật này sẽ tiếp tục trào ngược lên trên thực quản.
Thực tế cho thấy trào ngược dịch mật và nôn ra dịch dạ dày thường xảy ra cùng một lúc, song nó thường gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn cho thực quản.
2. Vì sao bị trào ngược dịch mật?
Tình trạng trào ngược dịch mật là hậu quả của các vấn đề sau:
- Loét dạ dày - tá tràng: Tình trạng loét dạ dày - tá tràng thường khiến cho hoạt động tiêu hóa giảm sút, thức ăn dễ bị ứ đọng lâu trong dạ dày, tạo áp lực lớn cho cả cơ môn vị và cơ tâm vị. Vì thế sau một thời gian dài mắc bệnh loét dạ dày tá tràng, bạn sẽ dễ mắc chứng trào ngược dịch mật.
- Biến chứng sau phẫu thuật dạ dày: Việc phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày trong điều trị ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày hoặc giảm cân ở người béo phì có thể gây ảnh hưởng đến van môn vị và van tâm vị. Khi van môn vị bị ảnh hưởng, sẽ xuất hiện tình trạng đóng không khít, từ đó dịch mật sẽ rò rỉ từ tá tràng vào dạ dày và có thể trào ngược lên thực quản.
- Bệnh nhân phẫu thuật túi mật: Nghiên cứu chỉ ra rằng những người từng phẫu thuật cắt bỏ túi mật có nguy cơ bị trào ngược dịch mật cao hơn do dịch mật không còn được dự trữ và tiết ra đều đặn theo nhu cầu của cơ thể. Dịch mật được sản xuất từ gan sẽ tiết trực tiếp vào hệ tiêu hóa, dễ gây ra tình trạng quá tải.
3. Dịch vàng trong dạ dày là gì? Có phải là dịch mật trào ngược?
Các biểu hiện của trào ngược dịch mật gồm có:
- Đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng hay gặp trong trào ngược dịch mật, đau tức hay từng cơn, kèm theo cảm giác nóng rát cồn cào vùng ngực, bụng trên.
- Ợ nóng, đắng miệng.
- Nôn ra chất lỏng màu xanh vàng, đắng họng. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất gợi ý cho tình trạng trào ngược dịch mật.
- Ho khan, khàn giọng có thể có do dịch mật trào lên thực quản.
- Đầy bụng, chậm tiêu và giảm cân.
Do đó, bị nôn ra dịch dạ dày màu vàng, xanh là dấu hiệu trào ngược dịch mật. Nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp quan trọng để có thể chẩn đoán trào ngược dịch mật. Qua nội soi bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh trực tiếp dịch mật từ tá tràng trào qua lỗ môn vị vào trong dạ dày hoặc thấy dịch mật màu vàng ứ đọng từng đám ở các nếp niêm mạc thân vị, phình vị. Ngoài ra, trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương của dạ dày, thực quản. Tuy nhiên, nếu thời điểm nội soi không trùng với thời điểm dịch mật trào ngược thì sẽ không quan sát thấy gì.
4. Điều trị trào ngược dịch mật như thế nào?
4.1. Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống lành mạnh là điều bắt buộc trong điều trị trào ngược dịch mật, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt hơn.
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, đồ uống có ga, cà phê.
- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, không để tình trạng quá đói hoặc quá no sau ăn.
- Không hút thuốc lá.
- Tránh xa thực phẩm dễ gây kích thích trào ngược dịch mật như giấm, cà chua, hành tây, cam quýt, thực phẩm nhiều gia vị,...
- Sau khi ăn nên ngồi nghỉ ngơi một thời gian, không nên nằm ngay. Khi ngủ, bạn nên gối đầu cao hơn chân khoảng 10 - 15 cm, như vậy dịch mật được tiết ra để tiêu hóa sẽ không bị trào ngược lên dạ dày và thực quản nhiều.
- Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, đặc biệt là với những người béo phì cần thực hiện chế độ giảm cân lành mạnh.
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe, tuy nhiên bạn cần hạn chế thực hiện các động tác xoắn vặn cơ bụng vì nó khiến bệnh trào ngược dịch mật trở nên nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế thức quá khuya, giảm căng thẳng.
4.2. Sử dụng thuốc để điều trị trào ngược dịch mật
Bệnh trào ngược dịch mật thường phải kết hợp điều trị bằng thuốc cùng với thay đổi thói quen sinh hoạt để giảm nhanh các triệu chứng, kiểm soát bệnh tiếp diễn. Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị trào ngược dịch mật gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton: Đây là loại thuốc thường dùng trong điều trị trào ngược acid dạ dày vì có khả năng ngăn tiết acid, song nó cũng được chỉ định với trào ngược dịch mật cũng được sử dụng.
- Acid Ursodeoxycholic: Thuốc này có tác dụng thúc đẩy lưu lượng mật, giảm triệu chứng và tần suất triệu chứng.
- Thuốc cô lập dịch mật: Cần thận trọng khi sử dụng thuốc này vì nó có thể gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe. Thuốc này có tác dụng làm gián đoạn tạm thời quá trình lưu thông mật và giảm triệu chứng trào ngược.
Các loại thuốc này không thể điều trị tận gốc bệnh mà nó chỉ có thể giúp kiểm soát triệu chứng, vì thế không nên lạm dụng quá mức.
4.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị trào ngược dịch mật thường được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị trên hoặc có các triệu chứng rất nghiêm trọng hay nghi ngờ có thay đổi tiền ung thư.
Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để lựa chọn phương pháp pháp phẫu thuật phù hợp với tình trạng bệnh của bạn:
- Phẫu thuật chuyển hướng: Phương pháp này phù hợp với bệnh nhân đã từng phẫu thuật dạ dày và cắt bỏ môn vị trước đó. Một đường dẫn lưu mật bên trong ruột non sẽ được tạo thành để chuyển dịch mật ra khỏi dạ dày, tránh tình trạng tích tụ quá nhiều và trào ngược lên thực quản.
- Phẫu thuật chống trào ngược: Bác sĩ phẫu thuật sẽ cuốn lại và khâu xung quanh một phần cơ thắt thực quản dưới, do đó van được củng cố sẽ có khả năng ngăn chặn tốt hơn. Ngăn không cho acid và dịch mật trào ngược gây tổn thương thực quản.
Tóm lại, khi bị nôn ra dịch dạ dày màu vàng, xanh là một trong những dấu hiệu trào ngược dịch mật. Tình trạng này sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho thực quản người bệnh. Do đó, khi có các triệu chứng như đau vùng thượng vị, ợ nóng, đắng miệng, nôn ra dịch xanh và vàng... thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.