Dịch sốt xuất huyết 2018 hiện đang xảy ra khá phổ biến tại một số địa phương với nhiều người mắc bệnh, những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang nằm trong khu vực có dịch sốt xuất huyết tăng cao, hiện nay đang là thời gian đỉnh dịch từ tháng 9 – 11 hàng năm. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy không nên chủ quan vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh.
1. Tình hình dịch sốt xuất huyết 2018 đang diễn biến phức tạp
Tại nhiều tỉnh/TP hiện nay đang ghi nhận số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng cao, với những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Vì vậy không nên chủ quan khi đối diện với sốt xuất huyết vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh.
Tại TP HCM cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng gần đây (từ 26.10 đến 30.11) số ca nhập viện mắc sốt xuất huyết đều tăng, tập trung ở lứa tuổi nhỏ. Đã có các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, sốc kéo dài, tổn thương đa tạng.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng cảnh báo, không ít người dân vì thấy dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội 2018 số ca mắc SXH năm nay giảm mạnh nên chủ quan, từ đó lơ là việc phòng dịch ngay trong chính gia đình mình. Thậm chí, qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều nơi còn tồn đọng các ổ bọ gậy.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: Da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi v.v. Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: Vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2. Sốt xuất huyết 2018: Không chỉ trẻ em mới gặp nguy hiểm
Khi nói đến sốt xuất huyết, chúng ta thường nghĩ ngay bệnh thường xảy ra ở trẻ em, còn đối với người lớn sẽ không dễ mắc bệnh và bệnh không nguy hiểm ở người lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm không ngoại trừ người nào, bất kể thanh niên, người già hay trẻ em khi mắc phải.
Nhiều người lớn ỷ sức đề kháng bản thân tốt nên thường rất chủ quan, lơ là khi có những dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết. Khi người lớn nhiễm bệnh cũng có những biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách.
Dạng sốt xuất huyết có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày. Nguy hiểm nhất là tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu...
Dạng sốt xuất huyết biểu hiện bên trong, gây xuất huyết nội tạng thường gặp xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não với biểu hiện ban đầu rất bình thường, chỉ sốt, không nổi ban. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân đi tiêu ra máu, phân màu đen hoặc máu tươi số lượng không nhiều, trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, da xanh, người mệt mỏi...
3. Lời khuyên của thầy thuốc trong vụ dịch sốt xuất huyết 2018
- Cần đi khám bác sĩ khi nghi ngờ sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có diễn biến với triệu chứng bệnh lý khác nhau. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời; sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra. Bệnh nhân chỉ được xuất viện về nhà khi hết sốt trong vòng 2 ngày, tỉnh táo; mạch, huyết áp bình thường; tiểu cầu máu phải trên 50.000/mm3 máu.
- Các giai đoạn cần lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết:
- Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau. Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.
- Giai đoạn hồi phục thường xảy ra từ 24 - 48h sau giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều. Bệnh nhân có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này cần thận trọng vì nếu truyền dịch không kiểm soát, truyền dịch quá mức có thể gây nên phù phổi hoặc suy tim
4. Các phương pháp phòng phòng bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Vì vậy, người dân nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân và gia đình mình như vệ sinh nơi ở, ngủ bằng mùng, tránh để nước tù đọng.
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thau rửa dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình, lọ hoa
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai...
- Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
- Phối hợp với cán bộ y tế địa phương khi có các đợt phun hóa chất phòng dịch.
- Khi bị sốt xuất huyết đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Muỗi vằn Aedes là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết thường đốt người vào ban ngày, nhất là vào buổi sáng từ 8- 10h
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.