Dị vật ống tiêu hóa

Bài viết được viết bởi ThS.BS - Bác sĩ ngoại tiêu hóa, Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Dị vật ống tiêu hóa là một tình huống cấp cứu thường gặp trong đời sống hàng ngày. Tai nạn sinh hoạt hy hữu này có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào và làm cho người bệnh và người thân lo lắng, nếu không được khám và phát hiện sớm, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí đến tính mạng người bệnh.

Tỉ lệ mắc dị vật ống tiêu hóa chung hiện nay là 1 đến 1,2 người/ 1 vạn dân. Trong đó có khoảng 20% các dị vật sẽ mắc lại ống tiêu hóa trên (từ hầu họng thực quản, dạ dày, tá tràng góc Treitz) xử trí bằng việc gắp qua nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng.

Các trường hợp còn lại chiếm gần 80% trường hợp là hầu hết các dị vật tự thoát và đào thải an toàn khỏi ruột. Tuy nhiên có khoảng 1% trong số các trường hợp dị vật dù đã di chuyển qua được môn vị dạ dày gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng ruột (do các dị vật sắc nhọn), tắc ruột (dị vật có kích thước lớn), khối áp xe trong ổ bụng (dị vật xuyên qua thành ruột và di chuyển vào trong khoang phúc mạc), thậm chí tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc nặng.

1. Dị vật ống tiêu hóa có thực sự nguy hiểm không?

Các biến chứng do dị vật ống tiêu hóa bao gồm: bán tắc hay tắc ruột, dị vật đâm xuyên thành ống tiêu hóa, gây ra viêm phúc mạc hoặc tạo khối áp xe trong ổ bụng...

  • Tắc ruột là một biến chứng có thể gặp trong dị vật tiêu hóa với các triệu chứng lâm sàng điển hình: đau bụng cơn, nôn và bí trung đại tiện. Đau bụng thường là triệu chứng khởi phát của bệnh, cơn đau có thể từ từ hoặc đột ngột, bắt đầu từ vùng rốn hoặc mạn sườn rồi nhanh chóng lan tỏa khắp ổ bụng. Nôn thường xuất hiện đồng thời với cơn đau bụng và không làm cho cơn đau giảm đi. Bí trung đại tiện thường sau khởi phát vài giờ, triệu chứng còn tùy vào vị trí của dị vật gây tắc ruột cao hay thấp.
  • Viêm phúc mạc cũng có thể gặp do dị vật xuyên thủng đường tiêu hóa với các triệu chứng đặc trưng là đau chướng bụng, bụng co cứng kèm theo tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc... nhất là khi đến muộn.
  • Áp xe trong ổ bụng là một khối dịch mủ được bao bọc bởi mạc nối lớn hay thành bụng và thành ống tiêu hóa có nội dung là dị vật xuyên thủng thành ruột.

Tắc ruột là biến chứng của dị vật ống tiêu hóa và gây cho người bệnh triệu chứng nôn kèm theo đau bụng cơn
Tắc ruột là biến chứng của dị vật ống tiêu hóa và gây cho người bệnh triệu chứng nôn kèm theo đau bụng cơn

2. Hoàn cảnh xảy ra

Thông thường người bệnh không chắc đã biết là mình nuốt phải dị vật hay không.

  • Mọi người thường dễ nuốt phải dị vật trong các dịp liên hoan, lễ hội... Trong bữa tiệc tùng, một số người nhai không kỹ, nuốt phải dị vật lẫn trong thức ăn mà không hay biết.
  • Trẻ em khi nghịch ngợm hay ngậm nuốt đồ chơi, vật dụng, hạt quả cũng là đối tượng có nguy cơ cao.
  • Ngoài ra, là nhóm người bệnh già yếu, hoặc người mất răng làm giảm khả năng cắn, xé, nhai thức ăn dẫn đến cố nuốt khối thức ăn dai, xương, tăm và thậm chí là hàm răng giả....
  • Cũng có trường hợp người bệnh vô ý nuốt phải dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ nhựa có cạnh sắc nhọn do người bệnh uống thuốc vào tối hoặc đêm không bật đèn nên có thể uống viên thuốc còn nguyên vỏ.
  • Một nhóm có nguy cơ cao nuốt dị vật nữa là những người có thói quen ngậm tăm sau khi ăn rồi ngủ quên, nuốt phải tăm lúc nào không biết.

3. Triệu chứng

Tùy thuộc vào vị trí của dị vật bị mắc lại, khi đó xuất hiện các triệu chứng tương ứng. Dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng ở đoạn thực quản và ruột non là hay gặp nhất.

Dị vật thường là các mảnh xương động vật (xương cá, gà, lợn...), các vật dụng trong đời sống hàng ngày (tăm tre, chìa khóa, đồng xu...) hay các khối thức ăn dạng bột đặc (hạt trân châu...). Tổng hợp các thống kê cho thấy các dị vật có chiều dài > 6 cm hoặc dị vật đường kính > 2,5cm hiếm khi lọt vào được trong dạ dày.

  • Dị vật thực quản: thường phát hiện ngay sau thời điểm nuốt phải dị vật, người bệnh có cảm giác nuốt vướng và đau, không ăn uống được và thường nôn trớ sau khi tiếp tục ăn uống, điều này khiến người nuốt dị vật phải đi khám bệnh. Một số trường hợp khác cảm thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức. Giai đoạn muộn thì người bệnh xuất hiện sốt, đau nhiều vùng hầu họng hay sau xương ức, ứ đọng đờm rãi và thức ăn do dị vật làm xước rách thực quản, nhiễm trùng tại vị trí mà dị vật bị mắc lại.
  • Dị vật dạ dày: người bệnh vẫn ăn uống được, chỉ có cảm giác buồn nôn, ăn không tiêu và thường nôn ra dịch thức ăn mới và cũ. Ngoài ra có thể có các cơn đau do dạ dày tăng co bóp nhằm tống dị vật qua lỗ môn vị.
  • Dị vật ruột non hay đại trực tràng thì triệu chứng mơ hồ trong 1 vài ngày đầu có thể bệnh nhân đau bụng âm ỉ, dễ nhầm nhẫn các bệnh lý khác, giai đoạn muộn thành khối áp xe thì bệnh nhân nhiễm trùng nặng hơn, sốt, bụng có biểu hiện viêm phúc mạc.

Dị vật thực quản gây triệu chứng khó nuốt khó thở cho người bệnh
Dị vật thực quản gây triệu chứng khó nuốt khó thở cho người bệnh

4. Các phương pháp chẩn đoán dị vật ống tiêu hóa

  • Khai thác tiền sử ăn uống và triệu chứng xâm nhập khi hóc, nuốt dị vật có thể định hướng chẩn đoán người bệnh có dị vật đường tiêu hóa
  • Chụp Xquang ngực có thể thấy hình ảnh dị vật ở những dị vật cản quang hoặc hình ảnh gián tiếp là viêm phổi, áp xe trung thất, tràn dịch màng phổi trong dị vật làm thủng thực quản đã. Xquang bụng không chuẩn bị: liềm hơi dưới hoành trong dị vật ruột non hoặc đại trực tràng có biến chứng thủng
  • Siêu âm và chụp CT ổ bụng có thể thấy được hình ảnh dị vật, các biến chứng do dị vật xuyên thủng hay gây tắc nghẽn ở ruột...
  • Nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp sử dụng để chẩn đoán xác định và can thiệp điều trị (gắp dị vật thực quản, dạ dày và tá tràng qua nội soi)
  • Xét nghiệm máu thấy có hội chứng nhiễm trùng, bạch cầu tăng

5. Phương pháp theo dõi và điều trị

Đối với dị vật ở thực quản, dạ dày thì điều trị bằng phương pháp gắp dị vật qua nội soi gây mê là phương pháp an toàn và triệt để, người bệnh được đảm bảo an toàn, không đau và tránh co thắt thực quản, kích thích, nôn khi soi.

Tuy nhiên, cần lưu ý ở giai đoạn muộn, khi dị vật đã gây biến chứng viêm, áp xe trung thất thì việc điều trị hết sức khó khăn, đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm điều trị. Các trường hợp này cần được điều trị tại các trung tâm lớn nhiều kinh nghiệm vì quá trình phẫu thuật phức tạp, cần nhiều kinh nghiệm lúc phẫu thuật cũng như hồi sức sau mổ.

Đối với dị vật ruột non hoặc đại trực tràng thì nên được theo dõi sát sao ở các cơ sở y tế (các dị vật tròn nhẵn...), thậm chí có thể phải phẫu thuật (các dị vật sắc nhọn, mảnh...).

Tùy theo giai đoạn sớm hay muộn, tùy theo kinh nghiệm phẫu thuật viên cũng như tùy theo điều kiện của cơ sở y tế mà bệnh nhân được phẫu thuật nội soi hay mổ mở, tùy thương tổn cụ thể mà người bệnh có phải cắt ruột hay không, làm hậu môn nhân tạo tạm thời hay không.


Phương pháp kỹ thuật nội soi lấy dị vật thực quản
Phương pháp kỹ thuật nội soi lấy dị vật thực quản

6. Các biện pháp phòng tránh dị vật ống tiêu hóa

  • Ăn chậm, nhai kỹ, tránh mất tập trung.
  • Tránh thức ăn dai hoặc có lẫn xương. Lưu ý các loại thịt, cá còn lẫn xương.
  • Xay nhỏ và nấu nhừ đồ ăn cho người già và trẻ nhỏ.
  • Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi xỉa răng xong.
  • Bóc hết vỏ vỉ thuốc trước khi sử dụng.
  • Khi uống bia rượu cần hết sức cẩn thận trong quá trình ăn uống.

Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật “trôi” xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến vấn đề trở nên phức tạp thêm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe