Hỏi
Chào bác sĩ,
Em muốn hiến gan cho bệnh nhân là quan hệ thân thiết. Bác sĩ cho em hỏi biến chứng sau khi hiến gan có thể gặp phải là gì? Vì em thấy bác sĩ có tư vấn là gan có thể hồi phục, có thể cho em biết chi tiết hơn được không thưa bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ.
Dương Văn Hoàng (1996)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Đức Nam - Bác sĩ ngoại gan - mật - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Biến chứng sau khi hiến gan có thể gặp phải là gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Hiến gan từ người hiến sống cho người sống là một phẫu thuật lớn (phẫu thuật đặc biệt vì phải sử dụng nhiều vật tư trang thiết bị đặc biệt hiện đại) vì thường sẽ cắt đi 65-70% thể tích gan sẵn có.
Tất cả mọi can thiệp thủ thuật - phẫu thuật đều tiềm ẩn nguy cơ của nó: Tùy vào loại hình can thiệp, phương cách gây mê, sử dụng thuốc, chế phẩm máu,... Hiện nay, cắt gan hiến sống tại nhiều trung tâm lớn trên thế giới và trong nước cho kết quả rất khả quan: Tử vong nhỏ hơn 0,1%; Biến chứng liên quan phẫu thuật nhỏ hơn 5%.
Sau cắt gan có thể gặp:
- Các biến chứng nhẹ thoáng qua, không cần xử trí, can thiệp đặc biệt: Mệt mỏi suy nhược do suy gan thoáng qua (thiếu thể tích gan chức năng): Thông thường tự hồi phục sau 1 tuần, tràn dịch màng phổi phải, chướng bụng liệt ruột kéo dài; Đau vết mổ, dò mật - tụ dịch tối giới hạn khu trú vùng,..
- Các biến chứng nghiêm trọng cần xử trí can thiệp hoặc mổ lại: Chảy máu (vết mổ hoặc trong bụng), dò mật lượng nhiều lan tỏa gây viêm phúc mạc mật; Thủng ruột; Hẹp tại mỏm cắt ống gan phải hoặc tĩnh mạch cửa (có thể biểu hiện hoặc diễn biến sau 1 vài tháng như vàng da, đau bụng phải); Suy gan nặng khó hồi phục do bệnh lý gan nền, hoặc thể tích gan còn lại quá bé (nhỏ hơn 30% thể tích gan chuẩn),...
Một số lưu ý cho người muốn tiến hành hiến gan:
- Về mặt pháp lý: Cần đảm bảo phù hợp pháp luật (luật ghép tạng). Hoặc là có quan hệ huyết thống (cha mẹ với con cái, cô dì chú bác với cháu ruột, anh chị em ruột,... và ngược lại); Hoặc là quan hệ hôn nhân (vợ-chồng với nhau). Pháp luật không cấm tuyệt đối nhưng không khuyến khích hiến tạng không cùng quan hệ. Nếu vẫn muốn được hiến tạng thì cần liên hệ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia để hiến ngẫu nhiên không xác định danh tính khi cần.
- Về mặt y khoa: Cần được khám sàng lọc kỹ lưỡng về tâm lý; Sinh lý chức năng gan, không có bệnh gan nền - và toàn thân; Chụp CT scan và cộng hưởng từ gan: Đánh giá giải phẫu và đo đạc thể tích phù hợp để cắt gan lớn; Không mắc bệnh ung thư và các bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan siêu vi, lao phổi tiến triển,...) ; Ưu tiên cùng nhóm máu ABO và Rh.
Như vậy, bạn hiến cho người thân thiết cần phải được bộ phận pháp chế làm rõ.Tốt nhất, bạn nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa Gan mật để được tư vấn cụ thể.
Nếu bạn còn thắc mắc về biến chứng sau khi hiến gan, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.