Dị ứng ở trẻ em: Những điều cần biết

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tình trạng dị ứng ở trẻ em khá phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Việc tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa dị ứng giúp hạn chế được những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

1.Dị ứng ở trẻ em là gì?

Nếu một đứa trẻ bị dị ứng tiếp xúc với chất gây dị ứng thì hệ thống miễn dịch của chúng sẽ nhầm tưởng rằng nó đang gây hại cho cơ thể chúng. Nó phản ứng quá mức và coi chất này như một kẻ xâm lược và cố gắng chống lại nó. Để bảo vệ cơ thể, hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE) . Điều này khiến một số tế bào giải phóng các hóa chất trung gian (bao gồm cả histamine) vào máu để bảo vệ chống lại "kẻ xâm lược" là chất gây dị ứng.

Việc giải phóng các hóa chất này gây ra các phản ứng gọi là dị ứng. Các phản ứng có thể ảnh hưởng đến mắt, mũi, họng, phổi, da và đường tiêu hóa. Tiếp xúc trong tương lai với cùng một chất gây dị ứng đó sẽ kích hoạt phản ứng dị ứng này một lần nữa.

2.Các triệu chứng của dị ứng ở trẻ em là gì?

Phản ứng dị ứng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Điều này bao gồm da, mắt, niêm mạc dạ dày, mũi, xoang, cổ họng và phổi. Đây là những nơi mà các tế bào của hệ thống miễn dịch tìm thấy dị nguyên. Phản ứng dị ứng có thể gây ra:

  • Ngạt mũi, hắt hơi, ngứa hoặc chảy nước mũi và ngứa trong tai hoặc vòm miệng
  • Đỏ, ngứa, chảy nước mắt
  • Da đỏ, ngứa, khô
  • Nổi mề đay hoặc ngứa ngáy
  • Phát ban ngứa
  • Các triệu chứng hen suyễn, chẳng hạn như khó thở, ho, thở khò khè
  • Phản ứng phản vệ

3. Nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ em?

Có rất nhiều thứ có thể gây ra phản ứng dị ứng, nhưng các chất gây dị ứng phổ biến nhất là:

  • Cây, cỏ, phấn hoa
  • Mủ cao su
  • Nấm mốc
  • Bụi nhà
  • Lông động vật, nước tiểu và dầu từ da
  • Thức ăn
  • Các loại thuốc
  • Lông vũ
  • Ong đốt
  • Sâu bọ như gián và chuột

4. Những trẻ nào có nguy cơ bị dị ứng?

Dị ứng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc hay tình trạng kinh tế xã hội. Nói chung, dị ứng phổ biến hơn ở trẻ em, tuy nhiên dị ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, chúng có thể trở lại sau khi thuyên giảm trong nhiều năm.

Dị ứng có xu hướng xảy ra trong gia đình, nhưng lý do chính xác vẫn chưa được hiểu. Các triệu chứng dị ứng thường diễn ra từ từ theo thời gian.

5. Làm thế nào để chẩn đoán dị ứng ở một đứa trẻ?

Để chẩn đoán dị ứng, bác sĩ sẽ xem xét đầy đủ tiền sử sức khỏe và khám cho trẻ. Sau đó có thể cho bé tiến hành các xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra da: Đây là xét nghiệm dị ứng phổ biến nhất. Các xét nghiệm da đo xem có kháng thể IgE đối với một số chất gây dị ứng nhất định (như thực phẩm, phấn hoa hoặc lông động vật) hay không. Một lượng nhỏ chất gây dị ứng pha loãng sẽ được đặt trên vùng da đã bị làm xước. Nếu một người bị dị ứng với chất gây dị ứng thì tại chỗ sẽ sưng nhẹ lên (giống như vết muỗi đốt) vết sưng xuất hiện sau khoảng 15 phút. Việc kiểm tra nhiều chất gây dị ứng có thể được thực hiện cùng một lúc. Bác sĩ chuyên khoa dị ứng cũng có thể làm xét nghiệm trong da. Trong thử nghiệm này, một lượng nhỏ chất gây dị ứng được tiêm ngay dưới da. Đây là loại thử nghiệm da nhạy cảm hơn so với thử nghiệm bằng kim châm hoặc vết xước. Kết quả kiểm tra da có ngay sau khi kiểm tra xong.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để tìm dị ứng đo lượng kháng thể IgE đối với một số chất gây dị ứng trong máu. Xét nghiệm máu có thể được sử dụng khi không thể thực hiện xét nghiệm da. Ví dụ, ở những người da đang có tình trạng phản ứng hoặc những người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng gần đây (phản vệ). Kết quả xét nghiệm máu dương tính không phải lúc nào cũng có nghĩa là trẻ bị dị ứng. Bất kỳ kết quả xét nghiệm máu dương tính nào cũng cần được đánh giá và giải thích bởi bác sĩ, người trực tiếp khám và biết về tiền sử bệnh của trẻ. Những xét nghiệm này mất nhiều thời gian hơn để có kết quả và chúng có thể tốn kém hơn các xét nghiệm dị ứng khác.

6. Làm thế nào để điều trị dị ứng ở một đứa trẻ?

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, tuổi tác và sức khỏe chung của con bạn. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Các triệu chứng của dị ứng đôi khi giống như các tình trạng khác hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Vậy nên bạn cần cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế sớm nhất để được chẩn đoán. Cách hiệu quả nhất để điều trị dị ứng là tránh các nguyên nhân gây ra dị ứng cho trẻ

Một số gợi ý để tránh xa các chất gây dị ứng cho trẻ, cha mẹ có thể tham khảo:

  • Hạn chế ra ngoài vào mùa nhiều phấn hoa, những ngày nhiều gió
  • Kiểm soát bụi trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ của con bạn.
  • Sử dụng máy lạnh thay vì mở cửa sổ.
  • Đặt máy hút ẩm ở những khu vực ẩm ướt trong nhà. Làm sạch máy hút ẩm thường xuyên
  • Cho trẻ tắm rửa thường xuyên, đặc biệt sau khi chơi tại những khu vực có nguy cơ dị ứng

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc xịt mũi
  • Thuốc thông mũi
  • Thuốc điều trị các triệu chứng hen suyễn
  • Liệu pháp miễn dịch dị ứng

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng dị ứng ở trẻ em. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh dị ứng, cha mẹ hãy đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân để biết cách phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho con một cách hiệu quả.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe