Dâu tây là loại quả mọng thơm ngon và được nhiều người ưa thích. Nhưng nếu bạn bị dị ứng dâu tây thì việc ăn loại quả này có thể gây ra một loạt các triệu chứng như phát ban hay thậm chí là sốc phản vệ. Và nếu ăn dâu tây bị dị ứng, bạn cũng cần phải tránh các loại trái cây tương tự để ngăn phản ứng dị ứng.
1. Các triệu chứng dị ứng dâu tây
Tương tự như các loại dị ứng thực phẩm khác, dị ứng dâu tây thường xuất hiện triệu chứng trong vòng vài phút tới 2 giờ sau khi ăn. Các triệu chứng thường gặp gồm: Cảm giác co thắt cổ họng, ngứa miệng, phát ban trên da, ngứa da, thở khò khè, ho, buồn nôn, đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt,...
Với trường hợp bị dị ứng nhẹ hoặc vừa, bạn có thể dùng thuốc kháng histamin để điều trị. Các loại thuốc này là thuốc không kê đơn, có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên, nhóm thuốc không kê đơn không có nhiều tác dụng với những người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Dị ứng nặng với dâu tây có thể dẫn đến các phản ứng dị ứng đe dọa tới tính mạng bệnh nhân gọi là sốc phản vệ. Sốc phản vệ gồm nhiều triệu chứng xảy ra cùng lúc, cần được cấp cứu ngay lập tức. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm: Sưng lưỡi, tắc nghẽn đường thở hoặc sưng tấy trong cổ họng, tụt huyết áp nghiêm trọng, mạch nhanh, chóng mặt, mất ý thức,...
Sốc phản vệ được điều trị bằng epinephrine, tiêm bằng EpiPen (bút tiêm tự động). Người bị dị ứng nghiêm trọng cần mang theo EpiPen bên mình.
2. Nguyên nhân gây dị ứng dâu tây
Bị dị ứng với dâu tây có nghĩa là bạn bị dị ứng với thực phẩm. Dị ứng thực phẩm là tình trạng khá phổ biến, gặp ở 6 - 8% trẻ em dưới 3 tuổi và 9% ở người lớn.
Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm là hệ thống miễn dịch phản ứng với loại thực phẩm mà bạn đã ăn hoặc tiếp xúc với thực phẩm. Hệ thống miễn dịch của bạn xác định nhầm rằng thực phẩm đó có hại (như vi khuẩn hoặc virus). Để chống lại, cơ thể tao ra histamine hóa học và giải phóng nó vào máu. Histamin có thể gây ra nhiều triệu chứng với các mức độ nhẹ đến nghiêm trọng.
Dị ứng thức ăn khác với chứng không dung nạp thực phẩm. Không dung nạp thực phẩm không gây ra phản ứng dị ứng nhưng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như dị ứng thực phẩm. Không dung nạp thực phẩm có thể xuất hiện do nhiều yếu tố như ngộ độc thực phẩm hoặc thiếu một loại enzyme tiêu hóa, một thành phần nhất định của thực phẩm. Bác sĩ có thể xác định được một người bị dị ứng thực phẩm hay là bị không dung nạp thực phẩm.
Về yếu tố nguy cơ, tiền sử gia đình bị dị ứng, chàm hoặc hen suyễn làm tăng khả năng bạn bị dị ứng thực phẩm, đặc biệt là dị ứng dâu tây. Bạn cũng có thể bị dị ứng dù không có tiền sử gia đình bị dị ứng. Nguy cơ dị ứng thực phẩm có thể tăng ở những trẻ sơ sinh tới 7,5 tháng tuổi nhưng chưa được cho ăn dặm. Vì vậy, bạn hãy cho trẻ ăn dặm khi bé được 5,5 - 7 tháng tuổi. Và nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng dị ứng sau khi ăn dâu tây, bạn hãy loại bỏ loại quả này khỏi chế độ ăn của trẻ.
3. Người bị dị ứng dâu tây nên tránh thực phẩm nào?
Dâu tây thuộc họ hoa hồng. Các loại trái cây khác trong họ này gồm: Quả lê, đào, anh đào, táo, mâm xôi và mâm xôi đen. Nếu bạn bị dị ứng với một loại trái cây trong họ này thì bạn cũng có thể bị dị ứng dâu tây.
Một số người có dị ứng phản ứng chéo với các triệu chứng gồm ngứa miệng, ngứa cổ họng, sưng bên trong miệng và cổ họng. Phản ứng dị ứng này có liên quan tới dị ứng phấn hoa. Dâu tây và các loại trái cây khác trong họ hoa hồng có liên quan tới bệnh viêm mũi dị ứng bạch dương (sốt cỏ khô).
Những người ăn dâu tây bị dị ứng cần tránh ăn loại quả này và cả những thực phẩm có chứa dâu tây, kể cả dưới dạng hương liệu hoặc dâu tây trang trí trên bánh (dù bạn chỉ ăn bánh, không ăn dâu tây),... Đồng thời, bạn cũng có thể bị dị ứng thực phẩm với các loại trái cây có liên quan tới dâu tây như đào, táo hoặc mâm xôi đen.
4. Khi nào bạn nên đi khám?
Nếu nghi ngờ mình bị dị ứng thực phẩm, bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về triệu chứng dị ứng, tiền sử gia đình của bạn. Họ cũng có thể đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm dị ứng thực phẩm bao gồm: Kiểm tra da, chế độ ăn uống loại trừ (loại bỏ thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng), xét nghiệm máu, ăn thử thực phẩm (xác định xem có bị dị ứng loại thực phẩm này hay không).
5. Lựa chọn thực phẩm thay thế
Tránh ăn dâu tây không có nghĩa là bạn không thể thưởng thức các loại trái cây khác. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tránh những loại trái cây liên quan tới dâu tây để không gặp phải phản ứng dị ứng. Thay vào đó, bạn có thể ăn chuối, quả việt quất và dưa, vì chúng không thuộc họ hoa hồng.
Nếu bạn không thể ăn nhiều loại trái cây và rau quả vì bị dị ứng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể hay không. Một số nghiên cứu gần đây đang xem xét việc nhân giống dâu tây ít gây dị ứng. Nhiều nghiên cứu cho thấy các giống dâu tây không có màu đỏ có thể làm giảm các phản ứng dị ứng. Có lẽ, một ngày nào đó, bạn có thể ăn được dâu tây ngay cả khi bạn bị dị ứng loại quả này.
Bạn hoàn toàn có thể tránh được các triệu chứng dị ứng dâu tây nếu tránh dâu tây và các loại thực phẩm gây dị ứng khác. Vì dâu tây được sử dụng để tạo hương vị cho nhiều loại thực phẩm nên bạn cần kiểm tra kỹ nhãn thành phần của thực phẩm trước khi ăn. Đồng thời, khi ra ngoài ăn, bạn nên trao đổi với nhân viên phục vụ của nhà hàng để đảm bảo món ăn của bạn không có thành phần là dâu tây.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com