Dị tật hẹp mũi sau ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tắc hẹp mũi sau là một dị tật bẩm sinh ở mũi trẻ sơ sinh do các vấn đề bất thường ở vùng mũi, vách mũi hoặc xương giữa mũi và họng của trẻ. Cần điều trị sớm dị tật hẹp mũi sau cho trẻ để phòng ngừa nguy cơ sặc sữa, viêm phổi, suy hô hấp,...

1. Dị tật tắc hẹp mũi sau ở trẻ sơ sinh là gì?

Mũi là cơ quan được hình thành từ tuần thứ 4 của thai kỳ. Trong quá trình phát triển, vì một số nguyên nhân bất thường (nhiễm virus cúm, Rubella, ảnh hưởng của thuốc người mẹ sử dụng,...) khiến trẻ có thể gặp phải những thay đổi bất thường, trong đó có các dị dạng ở mũi như dị tật hẹp mũi sau.

Tắc hẹp mũi sau là một dị tật bẩm sinh ở mũi, đặc trưng bởi tình trạng có một tấm màng mỏng hoặc một khối xương bít lấp cửa mũi sau. Tắc hẹp mũi sau do các bất thường ở vùng mũi, vách mũi hoặc xương nằm giữa mũi và họng. Trẻ có thể bị tắc hẹp ở 1 hoặc cả 2 bên mũi.


Những nguyên nhân bất thường trong thai kỳ hình thành dị tật hẹp mũi sau ở trẻ
Những nguyên nhân bất thường trong thai kỳ hình thành dị tật hẹp mũi sau ở trẻ

2. Tắc hẹp mũi sau có nguy hiểm không?

Tắc hẹp mũi sau là nguyên nhân gây cản trở hoạt động hô hấp của trẻ, gây ứ đọng dịch mũi, dẫn tới những tiến triển xấu với các mức độ khác nhau.

Ở thể nhẹ, trẻ sẽ bị tím tái từng cơn, đi kèm tình trạng khó ăn, có nguy cơ hít sặc cao vì phải thở bằng miệng. Ở thể nặng, tình trạng tắc hẹp mũi sau gây tắc hô hấp trên, khiến trẻ bị tím tái, suy hô hấp ngay sau khi sinh. Mặt khác, trẻ có thể bị viêm phổi.

Đặc biệt, trẻ bị hẹp mũi sau có nguy cơ tử vong do sặc sữa (vì trẻ phải thở bằng miệng trong lúc bú nên dễ bị sặc), thậm chí có thể bị ngưng thở, gây tử vong trong lúc ngủ do tụt lưỡi ra sau dẫn tới tắc đường hô hấp.


Hẹp mũi cửa sau làm tăng nguy cơ sặc sữa ở trẻ sơ sinh
Hẹp mũi cửa sau làm tăng nguy cơ sặc sữa ở trẻ sơ sinh

3. Chẩn đoán dị tật tắc hẹp mũi sau ở trẻ sơ sinh

  • Qua triệu chứng: Trẻ có biểu hiện tím tái khó thở ngay từ lúc sinh ra. Sau đó, trẻ hay bị chảy nước mũi, phải thở bằng miệng, bị ngợp khi bú, bú sặc;
  • Kiểm tra: Dùng que thông mũi thăm dò không đi xuống họng miệng được, kiểm tra thông đường thở không phát hiện có hơi thở qua mũi, nhỏ thuốc màu từ mũi không xuống được họng mà bị trào ra ngoài;
  • Thăm khám cận lâm sàng: Thực hiện chụp X-quang sọ nghiêng có bơm thuốc cản quang qua mũi sẽ phát hiện tắc hoặc hẹp mũi sau. Với các trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định nội soi mũi bằng ống mềm hoặc chụp CT scan để xác định chẩn đoán và đánh giá độ hẹp mũi sau.
  • Triệu chứng: Nếu trẻ tắc hoàn toàn lỗ mũi sau thì trẻ sẽ có triệu chứng đặc trưng: môi hồng khi khóc và tím khi trẻ nằm yên.

4. Điều trị tắc hẹp mũi sau

Với các trường hợp tắc hẹp cửa mũi sau 1 bên, ít gây khó thở thì có thể trì hoãn, xử lý sau.

Còn trong trường hợp tắc hẹp mũi sau gây cản trở hô hấp của trẻ thì cần giải quyết sớm bằng phẫu thuật để giúp trẻ có thể hô hấp dễ dàng. Thông thường, từ khi trẻ đủ 2 tháng tuổi là có thể phẫu thuật.


Trẻ trên 2 tháng tuổi đã đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật điều trị hẹp cửa mũi sau
Trẻ trên 2 tháng tuổi đã đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật điều trị hẹp cửa mũi sau

Nếu lớp màng mỏng bít lấp hoàn toàn cửa mũi sau thì phẫu thuật thực hiện khá đơn giản, chỉ cần dùng que thông chọc thủng lớp màng là được. Với trường hợp có khối xương cứng gây tắc hẹp mũi sau, cần xem xét tình trạng chung của trẻ, thường thực hiện phẫu thuật khi trẻ trên 12 tuổi vì nếu mổ quá sớm trẻ sẽ không có đủ sức chịu đựng, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Với trẻ bị tắc hẹp mũi sau gây suy hô hấp, cần đặt nội khí quản rồi mới tiến hành tạo hình mũi sau. Nếu trẻ có các bất thường ở tim mạch kèm theo thì phải mở khí quản, chỉ tiến hành tạo hình mũi sau khi điều kiện cho phép.

Lưu ý: Sau phẫu thuật cần đặt stent mũi 10 - 15 ngày để tránh hẹp lại.

Hẹp mũi sau ở trẻ sơ sinh là tình trạng nguy hiểm, cần phát hiện để điều trị sớm, tránh nguy cơ trẻ bị suy hô hấp, viêm phổi hoặc sặc sữa vào phổi có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe