Ý nghĩa chỉ số HCO3 trong kết quả khí máu động mạch

Xét nghiệm khí máu động mạch giúp đánh giá tình trạng thăng bằng kiềm toan, tình trạng thông khí và tình trạng oxy hóa máu của bệnh nhân. Những chỉ số để đánh giá quan trọng như: pH, PaO2, PaCO2, HCO3,...

1. Xét nghiệm khí máu động mạch là gì?

Khí máu động mạch là xét nghiệm nhằm đánh giá tình trạng thăng bằng kiềm toan, tình trạng thông khí và tình trạng oxy hóa máu của người bệnh.

Xét nghiệm sẽ giúp cung cấp những thông số như pH máu, áp suất khí carbonic trong máu động mạch (PaCO2), nồng độ bicarbonat trong huyết tương HCO3-, độ bão hòa oxy trong máu động mạch (SaO2) và áp suất riêng phần của oxy hòa tan trong máu động mạch (PaO­2). Kết quả khí máu bình thường khi:

  • pH: 7,35-7,45
  • PaCO2: 35-45 mmHg
  • HCO3-: 22-26 mmol/l
  • PaO2: 80-100mmHg
  • SaO2: 95-100%.

Cách lấy mẫu xét nghiệm khí máu động mạch
Cách lấy mẫu xét nghiệm khí máu động mạch

Xét nghiệm khí máu động mạch được chỉ định trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nặng. Đối với bệnh nhân cần thở máy, kết quả xét nghiệm khí máu động mạch được thực hiện trước khi thở máy sẽ giúp điều chỉnh thông số thở máy.

2. Ý nghĩa chỉ số HCO3 trong kết quả khí máu

Kết quả khí máu động mạch hầu hết đều tính giá trị HCO3- và kiềm dư nhằm tìm ra các nguyên nhân chuyển hóa trong rối loạn toan kiềm, hoặc cơ chế bù trừ của rối loạn kiềm toan chuyển hóa. HCO3- và kiềm dư đặc biệt có ích khi nguyên nhân rối loạn toan kiềm kết hợp cả chuyển hóa và hô hấp. Kết quả xét nghiệm cho giá trị của HCO3- và kiềm dư bình thường có thể loại trừ được rối loạn toan kiềm do nguyên nhân chuyển hóa.

Để đánh giá toan kiềm cần thực hiện xem xét các chỉ số:

  • pH: Toan máu khi pH<7,35, kiềm máu pH>7,45. Trong giới hạn 7,35-7,45 có thể là bình thường hoặc rối loạn toan-kiềm hỗn hợp.
  • PaCO2 và HCO3-: Nhằm xác định rối loạn toan-kiềm máu là do nguyên nhân chuyển hóa hay hô hấp.

Đánh giá toan kiềm cần dựa vào các chỉ số tiêu chuẩn
Đánh giá toan kiềm cần dựa vào các chỉ số tiêu chuẩn
  • Nếu nguyên nhân chuyển hóa là tiên phát thì cần đánh giá hô hấp có bù trừ không.
  • Trong trường hợp kết quả cho ra toan chuyển hóa cần tính anion gap (AG) để tìm ra nguyên nhân. Anion dư không đo được, là nguyên nhân cho các tình trạng toan như nhiễm acid lactic, toan do nhiễm ceton acid, suy thận, ngộ độc. Toan chuyển hóa với anion gap bình thường có liên quan đến tăng Cl- máu, gây ra bởi truyền dịch quá mức cũng như là mất HCO3- qua đường tiêu hóa do tiêu chảy hoặc mất HCO3- qua thận.

Tóm lại, giá trị HCO3- trong kết quả xét nghiệm khí máu động mạch nhằm tìm ra các nguyên nhân chuyển hóa trong rối loạn toan kiềm, hoặc cơ chế bù trừ của rối loạn kiềm toan chuyển hóa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe