Nhìn xuống bồn cầu và thấy màu sắc phân có vẻ khác một chút so với bình thường sẽ khiến không ít người căng thẳng. Dù điều này có thể là tình trạng không đáng lo ngại, nhưng trong một số trường hợp, đi vệ sinh phân màu đen như hắc ín có thể liên quan đến một vấn đề nghiêm trọng hơn. Vì vậy, cần biết phân màu đen là bệnh gì hay những thứ gì ăn vào làm cho đi phân màu đen sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về sức khỏe của bản thân.
1. Các nguyên nhân gây ra tình trạng đi vệ sinh phân màu đen?
1.1. Tiêu thụ thực phẩm có màu sẫm
Nếu nhận thấy phân của mình chuyển từ màu vàng nâu thông thường sang màu đen hơn, đó có thể là do các loại thực phẩm đã ăn. Điều này đặc biệt đúng nếu người đó không nhận thấy bất kỳ triệu chứng tiêu hóa hay các khó chịu nào khác.
Một số thực phẩm có thể khiến đi phân màu đen như sau:
- Quả cam thảo đen;
- Quả việt quất;
- Bánh quy sô cô la đen.
1.2. Dùng chất bổ sung sắt
Nhiều người dùng chế phẩm bổ sung sắt để điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm:
- Buồn nôn;
- Táo bón hoặc tiêu chảy;
- Tiêu phân đen.
Theo đó, nếu dùng chất bổ sung sắt và gặp vấn đề với các tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ. Có nhiều loại chất bổ sung sắt khác nhau và một số loại có thể dễ gây đau bụng hay rối loạn tiêu hóa hơn.
1.3. Sử dụng thuốc có chứa bismuth
Các loại thuốc có chứa bismuth subsalicylate như Pepto-Bismol có thể khiến bạn đi vệ sinh phân màu đen. Thậm chí, nếu ăn quá nhiều bismuth subsalicylate trong một thời gian dài cũng có thể khiến lưỡi và răng của bạn có màu đen.
2. Tìm hiểu phân màu đen là bệnh gì?
2.1. Loét đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng đi phân màu đen
Loét là những vết loét hở trên niêm mạc của đường tiêu hóa. Mặc dù không phải lúc nào cũng gây đau đớn nhưng loét tiêu hóa có thể gây ra:
- Cảm giác nóng bỏng trong dạ dày;
- Khó tiêu;
- Ợ nóng, ợ chua;
- Ăn không ngon miệng;
- Chóng mặt, mệt mỏi.
Khi vết loét bắt đầu chảy máu, máu chảy ra từ đây có thể tạo ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm cả phân đen, có tính dính (có màu sẫm hơn do máu trộn với dịch tiêu hóa). Vì đây là một triệu chứng nghiêm trọng hơn, người bệnh nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt, nhất nếu phân màu đen có kèm theo những biểu hiện ở trên.
2.2. Xuất huyết đường tiêu hóa trên
Ngoài loét, có một số tình trạng khác có thể gây chảy máu ở đường tiêu hóa trên, do đó có thể dẫn đến đi phân màu đen như hắc ín và có mùi khó chịu, bao gồm:
- Viêm dạ dày;
- Viêm thực quản;
- Hội chứng Mallory-Weiss;
- Ung thư thực quản hoặc dạ dày.
Theo đó, nếu phân màu đen, đi tiêu nhiều lần và kéo dài qua vài ngày, kèm theo đau bụng, nôn ra máu, chóng mặt, choáng váng, hạ huyết áp, người bệnh có thể đã bị xuất huyết tiêu hóa, cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
2.3. Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản
Thực quản là một ống dẫn thức ăn và chất lỏng đến dạ dày. Khi các tĩnh mạch bên trong thực quản bị sưng nề (một tình trạng thường liên quan đến tăng áp cửa do xơ gan hoặc các bệnh gan tiến triển khác) đôi khi chúng có thể bị vỡ và gây ra cả phân đỏ, có máu hoặc phân đen, hắc ín.
Điều quan trọng là thăm khám bác sĩ chuyên khoa gan mật thường xuyên, nhất là khi mắc các bệnh gan mạn tính, có nguy cơ dẫn đến xơ gan hay đã vào giai đoạn xơ gan mất bù. Bác sĩ sẽ có các biện pháp dự phòng vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hiệu quả trước khi biến cố thực sự xảy ra.
3. Các xét nghiệm cần thực hiện khi đi vệ sinh phân màu đen
Ngoài đi vệ sinh phân màu đen, nếu các triệu chứng khác không đủ nghiêm trọng để yêu cầu đến bệnh viện ngay lập tức, bác sĩ thăm khám có thể sẽ hỏi về tiền sử bệnh và thực hiện khám sức khỏe để cố gắng xác định nguyên nhân gây ra màu phân bất thường. Người bệnh có thể sẽ được yêu cầu xét nghiệm máu và lấy mẫu phân.
Bên cạnh đó, người bệnh còn được bác sĩ lên lịch nội soi dạ dày hoặc đại tràng để xem các bất thường bên trong đường tiêu hóa. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đưa một ống mềm, mỏng qua miệng để vào đường tiêu hóa trên hay qua hậu môn để vào trực tràng. Ống nội soi có gắn camera ở đầu để quan sát bên trong đường ăn uống và tìm nguyên nhân gây ra triệu chứng tiêu phân đen. Các tổn thương thường gặp có thể là do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, viêm loét dạ dày, tá tràng hay niêm mạc đại tràng.
4. Các cách điều trị cho tình trạng đi phân màu đen là gì?
Phác đồ điều trị đi phân màu đen khác nhau tùy theo nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nếu đi phân màu đen là do đã ăn nhiều quả việt quất, quả mâm xôi và các loại thực phẩm sẫm màu khác, hãy hạn chế ăn trong vài ngày và xem liệu điều này có tạo ra sự khác biệt hay không. Tương tự đối với thuốc bổ sung sắt và thuốc có chứa bismuth subsalicylate: Nếu nghĩ rằng đi phân màu đen có thể liên quan đến việc uống một trong hai loại thuốc này, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn thay thế an toàn.
Đối với nguyên nhân phân màu đen là bệnh gì trên đường tiêu hóa, người bệnh sẽ được điều trị với các biện pháp sau đây:
- Thuốc ức chế bơm proton, làm giảm lượng axit trong dạ dày để tạo điều kiện thuận lợi cho vết loét mau lành lại;
- Thuốc đối kháng thụ thể H2 cũng làm giảm lượng axit trong dạ dày;
- Các loại thuốc kháng axit không kê đơn;
- Ngưng dùng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
- Can thiệp cầm máu tại chỗ qua nội soi hay phẫu thuật sẽ được lựa chọn cho những trường hợp loét chảy máu nghiêm trọng.
Tóm lại, đi vệ sinh phân màu đen có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ việc ăn quá nhiều cam thảo đen đến xuất huyết đường tiêu hóa. Chìa khóa để xác định tình trạng đi phân màu đen nghiêm trọng như thế nào cần dựa trên các triệu chứng khác hiện có. Vì vậy, nếu cảm thấy buồn nôn, đau bụng, chóng mặt kèm theo phân màu đen, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được can thiệp đúng cách trước khi bị thiếu máu cấp tính diễn tiến nặng nề hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com, verywellhealth.com