Đề kháng insulin và bệnh tim mạch

Bài viết được viết bởi các bác sĩ Nội Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Đề kháng insulin có thể được định nghĩa là sự giảm đáp ứng của mô và tế bào với sự kích thích của insulin. Do đó đề kháng insulin được đặc trưng bởi sự giảm thu nhận glucose và khiếm khuyết trong quá trình sử dụng glucose (cho quá trình oxi hóa glucose để tạo năng lượng) trong tế bào. Khi có đề kháng insulin tuyến tụy phải tăng phóng thích insulin vào máu làm tăng nồng độ insulin trong máu.

1. Một số vấn đề sức khỏe sau có thể là nguyên nhân của tình trạng đề kháng insulin

  • Béo phì
  • Stress (dẫn đến tăng quá mức một số các hormone như cortisol, growth hormone, catecholamine, glucagon ...)
  • Thuốc (như các thuốc glucocorticoid, thuốc chống virus HIV, thuốc ngừa thai uống)
  • Mang thai
  • Loạn dưỡng mỡ
  • Kháng thể chống insulin (Ở người bệnh điều trị tiểu đường bằng insulin)
  • Bệnh di truyền có ảnh hưởng đến thụ cảm thể của insulin

Béo phì có thể là nguyên nhân của tình trạng đề kháng insulin
Béo phì có thể là nguyên nhân của tình trạng đề kháng insulin

2. Các bệnh cảnh lâm sàng được xem như là hậu quả của đề kháng insulin

Bên cạnh tăng LDL – cholesterol, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường type 1 và type 2 là các yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch - đề kháng insulin, tăng đường huyết, tình trạng viêm có thể dẫn đến những biến cố tim mạch.

Trước tiên đề kháng insulin dẫn đến tình trạng tăng đường huyết và bệnh đái tháo đường. Tình trạng tăng đường huyết dai dẳng ảnh hưởng xấu đến tế bào nội mạc mạch máu và tế bào cơ tim. Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 nguy cơ bệnh tim mạch tăng từ 2 – 8 lần so với người không bị đái tháo đường.

Đề kháng insulin có thể dẫn đến rối loạn lipid máu. Rối loạn lipid máu liên quan đến đề kháng insulin đặc trưng bởi tam chứng: 1/ tăng mức triglyceride. 2/ giảm HDL – cholesterol (loại tốt). 3/ tăng thành phần LDL nhỏ và đậm đặc. Tăng triglyceride làm tăng nguy cơ bệnh tim ở nam giới lên 32% và 76% ở nữ giới.


Bệnh động mạch vành do kháng insulin
Bệnh động mạch vành do kháng insulin

Trong các nghiên cứu lâm sàng chứng minh rằng khoảng 50% bệnh nhân tăng huyết áp có tình trạng tăng insulin máu (có liên quan đến đề kháng insulin). Có mối liên quan chặt chẽ giữa kháng insulin, tăng đường huyếttăng huyết áp.

Đề kháng insulin góp phần làm rối loạn chức năng tế bào nội mô mạch máu dẫn đến giảm lượng Nitric Oxide (NO) được xem như chất dãn mạch nội sinh. Rối loạn chức năng tế bào nội mô mạch máu làm gia tăng bệnh tim mạch bao gồm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.

Đề kháng insulin có ảnh hưởng xấu đến chuyển hóa của tế bào cơ tim, co bóp cơ tim dẫn đến phì đại thất và rối loạn chức năng tâm trương thất và cuối cùng dẫn đến suy tim.

Tóm lại, đề kháng insulin bằng con đường trực tiếp (ảnh hưởng nội mô mạch máu, cơ tim) hoặc gián tiếp (tăng đường huyết, rối loạn lipid máu, hoặc tăng huyết áp...) làm gia tăng bệnh lý tim mạch. Nên việc nhận biết và điều trị sớm hội chứng này giúp ngăn ngừa sớm bệnh lý tim mạch và biến chứng của nó.


Người bệnh có nguy cơ suy tim
Người bệnh có nguy cơ suy tim

3. Chẩn đoán hội chứng đề kháng insulin

Chẩn đoán hội chứng đề kháng insulin có liên quan đến béo phì dựa vào dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa. Để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa cần có ít nhất 3 trong các dấu hiệu sau:

  • Béo bụng: Vòng bụng lớn hơn 89cm ở nữ và lớn hơn 102cm ở nam.
  • Tăng mức triglyceride trong máu: lớn hơn 150 mg/dL ( 1.7 mmol/L)
  • Giảm HDL – cholesterol: dưới 40 mg/dL (1.04 mmol/L) ở nam giới hoặc dưới 40 mg/dL (1.3 mmol/L) ở nữ giới
  • Tăng huyết áp: huyết áp lớn hơn hoặc bằng 130/85 mmHg
  • Tăng đường huyết đói: lớn hơn 100 mg/dL (5.6 mmol/L)

Một số xét nghiệm như là test dung nạp glucose đường tĩnh mạch, test dung nạp insulin, test ức chế insulin được xem như tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán đề kháng insulin, nhưng những kỹ thuật này không được sử dụng thường quy trong lâm sàng.


Vòng bụng quá cỡ do béo bụng
Vòng bụng quá cỡ do béo bụng

4. Phòng ngừa và điều trị

Khi có chẩn đoán hội chứng đề kháng insulin cần điều chỉnh lối sống khỏe mạnh để ngăn chặn những biến chứng quan trọng như là nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Một lối sống lành mạnh bao gồm:

  • Hoạt động thể lực đều đặn: Theo các chuyên gia y tế chỉ cần đạt ít nhất 30 phút hoạt động thể lực mỗi ngày như là đi bộ nhanh. Trong sinh hoạt hằng ngày cần tạo cơ hội để hoạt động thể lực, ví dụ như chọn đi bộ thay vì đi xe, hoặc đi thang bộ thay vì sử dụng thang máy.
  • Giảm cân: Giảm 7 – 10% trọng lượng cơ thể làm giảm được tình trạng đề kháng insulin, huyết áp, và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Trong trường hợp không thể kiểm soát được cân nặng cần phải khám bác sỹ, đôi khi cần phải sử dụng thêm thuốc hoặc phẫu thuật để đạt được mục đích giảm cân.
  • Chế độ ăn kiêng: Chế độ ăn tốt cho sức khỏe bao gồm rau củ, trái cây, những loại hạt có nhiều chất xơ, chất đạm thuần khiết. Hạn chế uống rượu, bia, thực phẩm có nhiều đường, muối, chất béo (đặc biệt chất béo bão hòa).
  • Ngưng hút thuốc lá: Ngưng hút thuốc lá để cải thiện sức khỏe chung, trong nhiều tình huống phải cần thêm các sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá.
  • Giảm hoặc kiểm soát stress: Hoạt động thể dục thể thao, yoga, thuốc men có thể giúp kiểm soát stress và cải thiện tình trạng sức khỏe tinh thần và thể lực.

Ngưng hút thuốc lá giúp phòng bệnh tim mạch
Ngưng hút thuốc lá giúp phòng bệnh tim mạch

Trong trường hợp điều chỉnh lối sống bằng chế độ ăn kiêng và tập luyện nhưng chưa đạt được mục tiêu, cần khám bác sỹ để sử dụng thêm thuốc kiểm soát huyết áp, mức cholesterol máu, và mức đường huyết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe