Tìm hiểu tất cả những gì có thể về bệnh tự kỷ và tham gia điều trị sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ mắc bệnh này. Can thiệp sớm và tích cực là cách hiệu quả nhất để tăng tốc độ phát triển của trẻ và giảm các triệu chứng tự kỷ trong suốt cuộc đời. Sau đây là một số mẹo và lời khuyên về kỹ năng dạy trẻ tự kỷ để giúp cuộc sống hàng ngày ở nhà dễ dàng hơn cho cả bạn và trẻ.
1. Thiết lập sự nhất quán và an toàn khi dạy trẻ tự kỷ
- Hãy nhất quán: Trẻ em mắc chứng tự kỷ gặp khó khăn trong việc áp dụng những gì chúng đã học được trong một môi trường (chẳng hạn như văn phòng hoặc trường học của nhà trị liệu) sang những môi trường khác, bao gồm cả gia đình. Ví dụ, trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu ở trường để giao tiếp, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc làm như vậy ở nhà. Tạo sự nhất quán trong môi trường là cách dạy trẻ tự kỷ tốt nhất để củng cố việc học. Tìm hiểu những gì các nhà trị liệu đang làm và tiếp tục các kỹ thuật đó tại nhà. Khuyến khích trẻ chuyển những gì chúng đã học được từ môi trường này sang môi trường khác. Điều quan trọng nữa là phải nhất quán trong cách tương tác với trẻ và kiên nhẫn khi gặp những hành vi thách thức.
- Tạo thói quen: Trẻ tự kỷ có xu hướng làm tốt nhất khi chúng tạo được thói quen. Lập thời gian biểu cho trẻ, với thời gian cố định cho các bữa ăn, liệu pháp, trường học và giờ đi ngủ. Cố gắng giữ cho sự gián đoạn đối với các thói quen này ở mức tối thiểu. Nếu có sự thay đổi lịch trình không thể tránh khỏi, hãy chuẩn bị trước cho trẻ.
- Thưởng cho hành vi tốt: Sự khen ngợi mang tính tích cực là một cách dạy trẻ tự kỷ có thể áp dụng lâu dài với trẻ mắc chứng tự kỷ, vì vậy hãy khen ngợi trẻ khi chúng học được một kỹ năng mới hoặc đạt được một mục tiêu hành động mới, hoặc có hành động phù hợp. Ngoài ra, hãy tìm những cách khác để thưởng cho trẻ vì hành vi tốt, chẳng hạn như đưa cho chúng một nhãn dán hoặc để chúng chơi với món đồ chơi yêu thích.
- Tạo một khu vực an toàn gia đình: Tạo ra một không gian riêng tư trong nhà, nơi trẻ có thể thư giãn, cảm thấy yên tâm và an toàn. Điều này sẽ liên quan đến việc tổ chức và thiết lập ranh giới theo cách mà trẻ có thể hiểu được. Các tín hiệu trực quan có thể hữu ích (băng màu đánh dấu những khu vực bị cấm, dán nhãn các vật dụng trong nhà bằng hình ảnh). Bạn cũng có thể cần phải đảm bảo an toàn cho ngôi nhà, đặc biệt nếu trẻ dễ nổi cơn thịnh nộ hoặc các hành vi tự gây thương tích khác.
2. Tìm cách kết nối phi ngôn ngữ
Khi dạy trẻ tự kỷ, việc kết nối với trẻ có thể là một thách thức, nhưng bạn không cần phải nói chuyện hoặc thậm chí chạm vào để giao tiếp và gắn kết. Bạn giao tiếp qua cách nhìn vào, qua giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và có thể cả cách bạn chạm vào trẻ. Trẻ cũng đang giao tiếp với bạn, ngay cả khi chúng không bao giờ nói.
- Tìm kiếm tín hiệu phi ngôn ngữ: Nếu tinh ý và nhận biết, bạn có thể học cách nhận ra những tín hiệu phi ngôn ngữ mà trẻ tự kỷ sử dụng để giao tiếp. Hãy chú ý đến loại âm thanh chúng tạo ra, nét mặt và cử chỉ chúng sử dụng khi mệt, đói hoặc muốn thứ gì đó.
- Tìm ra động lực đằng sau cơn giận dữ: Cảm thấy khó chịu khi bị hiểu lầm hoặc bị phớt lờ là điều tự nhiên và trẻ mắc chứng tự kỷ cũng vậy. Khi trẻ mắc chứng tự kỷ hành động, thường là do bạn không nhận ra các tín hiệu phi ngôn ngữ của chúng. Nổi cơn thịnh nộ là cách trẻ thể hiện sự thất vọng và thu hút sự chú ý của bạn.
- Dành thời gian cho niềm vui: Một đứa trẻ đương đầu với chứng tự kỷ vẫn là một đứa trẻ. Đối với cả trẻ tự kỷ và cha mẹ của chúng, cuộc sống cần nhiều thứ hơn là trị liệu. Lên lịch chơi khi trẻ tỉnh táo. Tìm ra những cách để vui chơi cùng nhau bằng cách nghĩ về những điều khiến chúng cười và thoát ra khỏi vỏ bọc của mình. Có những lợi ích to lớn bắt nguồn từ việc bạn thích bầu bạn với con và từ việc con bạn thích dành thời gian không bị áp lực với bạn. Vui chơi là một phần thiết yếu trong quá trình dạy trẻ tự kỷ học tập và không nên khiến chúng cảm thấy giống như đang làm việc.
- Hãy chú ý đến sự nhạy cảm của các giác quan của trẻ: Nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ quá nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, xúc giác, vị và mùi. Một số trẻ tự kỷ khác lại “kém nhạy cảm” với các kích thích này. Tìm ra những điểm âm thanh, mùi, chuyển động và cảm giác xúc giác kích hoạt hành vi “xấu” hoặc gây rối của trẻ và điều gì tạo ra phản ứng tích cực. Trẻ thấy căng thẳng vì điều gì? Nguôi đi? Không thoải mái? Thích thú? Hiểu điều gì ảnh hưởng đến trẻ là một kỹ năng dạy trẻ tự kỷ mang lại hiệu quả tốt để ngăn ngừa các tình huống gây khó khăn và đạt được mục đích điều trị như ý.
3. Tạo một kế hoạch dạy trẻ tự kỷ được cá nhân hóa
Khi lên kế hoạch điều trị, hãy nhớ rằng không có cách dạy trẻ tự kỷ nào phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi trẻ trong phổ tự kỷ là duy nhất, với những điểm mạnh, điểm yếu không giống nhau.
Việc điều trị của trẻ nên được điều chỉnh theo tùy theo nhu cầu cá nhân của chúng. Bạn hiểu rõ con mình nhất, vì vậy bạn có trách nhiệm đảm bảo những nhu cầu đó được đáp ứng. Bạn có thể làm điều này bằng cách tự hỏi những câu hỏi sau:
- Điểm mạnh và điểm yếu của con tôi là gì?
- Những hành vi đang gây ra nhiều vấn đề nhất là gì? Trẻ đang thiếu những kỹ năng quan trọng gì?
- Làm thế nào để trẻ học tốt nhất thông qua nhìn, nghe, làm?
- Trẻ thích gì và những hoạt động đó có thể được sử dụng như thế nào trong điều trị và thúc đẩy trẻ học tập?
Hãy nhớ rằng bất kể kế hoạch điều trị nào được chọn, sự tham gia của bạn là rất quan trọng để thành công. Bạn có thể giúp trẻ đạt được hiệu quả cao nhất khi điều trị bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhóm điều trị và tuân theo liệu pháp tại nhà.
Có nhiều lựa chọn và cách tiếp cận khác nhau để dạy trẻ tự kỷ, bao gồm liệu pháp hành vi, liệu pháp ngôn ngữ trị liệu, vật lý trị liệu và liệu pháp dinh dưỡng.
Không nhất thiết phải giới hạn chỉ điều trị một lần tại một thời điểm cho trẻ, bạn có thể không thể giải quyết mọi thứ cùng một lúc. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng cách tập trung vào các triệu chứng nghiêm trọng nhất và nhu cầu cấp bách của chúng.
4. Tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ khi dạy trẻ tự kỷ
Chăm sóc một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ có thể đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Có thể có những ngày bạn cảm thấy choáng ngợp, căng thẳng hoặc chán nản. Nuôi dạy con cái không bao giờ là dễ dàng, và nuôi dạy một đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt thậm chí còn khó khăn hơn. Để trở thành bậc cha mẹ tốt nhất có thể, bạn cần phải chăm sóc bản thân.
Đừng cố gắng làm mọi thứ một mình. Có nhiều nơi mà các gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ có thể tìm đến để được tư vấn, giúp đỡ và hỗ trợ như các trung tâm, bệnh viện,...
Trẻ tự kỷ cần được hỗ trợ để vượt qua các thách thức phát triển giúp chúng học hỏi, lớn lên và trưởng thành. Lên một kế hoạch điều trị tại nhà, áp dụng các phương pháp phù hợp cho hoàn cảnh của mỗi trẻ, cố gắng giao tiếp hiểu trẻ nhiều hơn là những kỹ năng dạy trẻ tự kỷ cần thiết cho các bậc phụ huynh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.