Phụ nữ uống thuốc tránh thai có biểu hiện đau quanh vú và căng ngực là điều hoàn toàn bình thường. Bạn có thể chủ động tìm cách giảm bớt tình trạng này. Tuy nhiên nếu tác dụng phụ kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chỉ định một loại thuốc khác.
1. Vì sao vú căng tức và gây đau khi uống thuốc tránh thai?
Trong khoảng 3 chu kỳ kinh đầu tiên khi uống thuốc tránh thai, việc thay đổi nội tiết tố thường sẽ gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn. Trong đó, phù và đau quanh vú là tác dụng phụ thường gặp ở đa số phụ nữ.
Những hormone trong viên uống tránh thai (bao gồm estrogen và progesterone) thường gây tăng kích thước vú. Cơ quan này sẽ nhỏ lại sau thời gian đầu dùng thuốc (khoảng vài chu kỳ kinh) hoặc sau khi ngừng uống thuốc. Vú to ra dẫn đến tình trạng căng tức, cương đau hoặc rất nhạy cảm khi đụng chạm.
Những thuốc có hàm lượng hormone càng cao thì nguy cơ tác dụng phụ làm tăng kích thước vú càng cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bác sĩ cần phải cân nhắc chỉ định loại thuốc có chứa lượng hormone tối thiểu, nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra tác dụng phụ khi dùng thuốc ngừa thai, trong khi vẫn đảm bảo tác dụng của thuốc.
Đau vú khi uống thuốc tránh thai thường không nghiêm trọng và bạn có thể chủ động thực hiện những biện pháp để giảm bớt.
2. Cách xoa dịu cảm giác đau vú khi uống thuốc tránh thai
2.1. Mặc áo ngực thoải mái
Loại áo ngực độn có khả năng gây kích ứng da và không phù hợp khi mặc lâu dài. Để giảm cảm giác đau vú khi uống thuốc tránh thai, bạn nên chọn chiếc áo ngực không gọng và có kích thước rộng hơn một chút so với vòng ngực của bạn, để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và tránh gây thêm kích thích khi vú đang căng tức. Ngoài ra, bạn nên dùng những chiếc áo ngực với chất liệu mềm mại, có thể co giãn để vùng ngực được thoải mái nhất.
2.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Hạn chế thực phẩm có chứa caffeine: Việc loại bỏ caffeine khỏi chế độ ăn uống có thể làm giảm tình trạng đau quanh vú khi uống thuốc tránh thai. Caffeine có chứa trong cà phê, trà, nước giải khát, chocolate và một số loại thuốc không kê đơn.
- Giảm lượng chất béo xấu: Bạn nên xây dựng một chế độ ăn tiêu thụ ít chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Điều này có tác dụng làm giảm nồng độ estrogen và cải thiện tình trạng căng tức vú trước kỳ kinh. Những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa bao gồm các loại thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, các thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ từ động vật.
- Bổ sung vitamin: Bạn có thể dùng vitamin E và vitamin B6 ở mức vừa phải theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ để làm giảm đau vú khi uống thuốc tránh thai. Những thực phẩm giàu hai loại vitamin này là cải bó xôi, củ cải xanh, cải xoăn, cải cầu vồng, cải cay, những loại trái cây, hạt và đậu.
2.3. Tập thể dục nhẹ nhàng
Để giảm tình trạng đau vú khi uống thuốc ngừa thai, bạn nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, tập yoga hoặc tập hít thở sâu. Điều này sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng như căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi,... Đi bộ đều đặn cũng giúp bạn có giấc ngủ ngon và sâu hơn vào ban đêm, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh.
2.4. Dành thời gian thư giãn toàn thân
Bạn nên để cơ thể được thư giãn để hạn chế căng thẳng và tái tạo năng lượng. Những phương pháp giúp thư giãn toàn thân là tắm nước ấm, đi xông hơi hoặc spa.
Ngoài ra, bạn cũng cần sắp xếp công việc để bản thân không bị stress, ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe mạnh, không kiệt sức khi đang khó chịu vì ảnh hưởng từ thuốc tránh thai.
Tình trạng đau vú khi uống thuốc tránh thai sẽ giảm thiểu phần nào nếu bạn biết cách chăm sóc bản thân. Nếu nhận thấy cơn đau ngực kèm theo những biểu hiện bất thường, tình trạng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì bạn cần đến các bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và xử trí đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: goldenchoice.com.vn