Dầu tảo là gì và tại sao mọi người lại dùng nó?

Khi nghĩ đến dầu tảo, người dùng thường nghĩ đến những loại tảo mọc ở sông hồ. Tuy nhiên, một số loại tảo biển được cấy trồng trong phòng thí nghiệm nhằm mục đích lấy dầu. Dầu tảo là một sự thay thế tuyệt vời có nguồn gốc thực vật cho những người không ăn hải sản hoặc có thể không dung nạp dầu cá.

1. Chất dinh dưỡng trong dầu tảo

Một số loài vi tảo đặc biệt giàu hai loại axit béo omega-3 chính bao gồm axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ omega-3 trong vi tảo tương đương với các loại cá.

Tuy nhiên, khác với cá, con người có thể dễ dàng can thiệp để tăng lượng omega-3 trong tảo bằng cách thay đổi các yếu tố như sự tiếp xúc của tảo với tia cực tím, oxy, natri, glucose và nhiệt độ. Dầu của cây tảo được chiết xuất, tinh chế và được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để làm giàu dinh dưỡng cho nguồn thịt động vật, gia cầm và làm thức ăn cho cá. Những sản phẩm trứng, thịt gà hoặc cá hồi được tăng cường omega-3 có trên thị trường, phần lớn lượng Omega- 3 được bổ sung này đến từ dầu tảo. Thêm vào đó, loại dầu này đóng vai trò là nguồn omega-3 trong sữa bột trẻ em và các thực phẩm khác.

2. Omega- 3 trong dầu tảo

Axit béo omega-3 là một chất béo không bão hòa có trong thực vật và cá, cung cấp chất béo thiết yếu mà cơ thể không thể tự tạo ra. Omega 3 tồn tại dưới một số dạng khác nhau, nhưng hầu hết các nghiên cứu tập trung vào 3 loại phổ biến EPA, DHA và axit alpha-linolenic (ALA).

ALA được biết đến như một axit béo gốc vì cơ thể có thể tạo ra EPA và DHA từ hợp chất này. Tuy nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng có hiệu quả, vì vậy, cả 3 hợp chất này đều nên được bổ sung từ chế độ ăn uống. Omega-3 rất quan trọng đối với cấu trúc và chức năng của tế bào trên khắp cơ thể. Hơn thế nữa mắt và não là hai bộ phận cần hàm lượng DHA đặc biệt cao. Omega 3 còn có khả năng điều chỉnh tình trạng viêm và hỗ trợ các bộ phận khác nhau trong cơ thể, bao gồm hệ tim mạch và hệ thống miễn dịch.

ALA được tìm thấy chủ yếu trong thực phẩm chất béo có nguồn gốc thực vật. Các nguồn thực phẩm tốt nhất bao gồm hạt lanh và dầu của chúng, hạt chia, quả óc chó, dầu canola và dầu đậu nành. Cả EPA và DHA đều được tìm thấy trong cá và các thực phẩm biển. Cá trích, cá hồi, cá cơm, cá mòi và các loại cá có dầu khác là nguồn dinh dưỡng phong phú nhất của các chất béo này. Rong biển và tảo cũng cung cấp EPA và DHA. Một số loại cá sản xuất dầu lấy nguồn dầu bằng cách ăn vi tảo. Do đó, trên thực tế, tảo chính là nguồn cung cấp chất béo omega-3 trong cá

3. Dầu tảo khác gì dầu cá?


Đối với tảo, các nhà khoa học có thể chọn chủng loại và phát triển một số chủng có hàm lượng omega-3 cao hơn
Đối với tảo, các nhà khoa học có thể chọn chủng loại và phát triển một số chủng có hàm lượng omega-3 cao hơn

Tảo được coi là nguồn cung cấp chất béo omega-3 chính cho tất cả các loại cá cho dù là cá tự nhiên hay cá nuôi lấy omega-3 bằng cách ăn tảo. Một nghiên cứu kéo dài 2 tuần ở 31 người tiết lộ rằng uống 600 mg DHA từ dầu tảo mỗi ngày làm tăng nồng độ trong máu tương đương với lượng DHA từ dầu cá.

Đối với tảo, các nhà khoa học có thể chọn chủng loại và phát triển một số chủng có hàm lượng omega-3 cao hơn. Vì tảo phát triển nhanh và không bị ảnh hưởng bởi việc đánh bắt, chúng là nguồn cung bền vững hơn so với dầu cá. Hơn nữa, với đặc tính dễ kiểm soát và can thiệp, khả năng chứa độc tố ở dầu tảo ít hơn đáng kể so với dầu cá. Về mặt hương vị, dầu tảo cũng dễ sử dụng hơn dầu cá và dễ tiêu hóa hơn bởi sự trung tính đến từ thực vật.

4. Lợi ích sức khỏe từ dầu tảo

Nghiên cứu cho thấy những người có trữ lượng chất béo omega-3 cao có ít nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định. Mặc dù những nghiên cứu này được chứng minh ở những người lấy nguồn Omega 3 từ việc ăn cá trực tiếp thay vì sử dụng thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy tác dụng của thực phẩm bổ sung có kết quả tương tự. Hầu hết các nghiên cứu đều sử dụng dầu cá nhiều hơn là dầu tảo. Mặc dù vậy, các nghiên cứu sử dụng dầu tảo cho thấy sự gia tăng đáng kể nồng độ DHA trong máu, tương đương với dầu cá và cho ra kết quả tương tự.

4.1 Hỗ trợ tim mạch

Bổ sung omega-3 có tác dụng làm giảm huyết áp và cải thiện chức năng mạch máu, điều này có thể làm giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Các nghiên cứu sử dụng dầu tảo giàu DHA đã chứng minh rằng việc uống từ 1.000 đến 1.200 mg mỗi ngày làm giảm mức chất béo trung tính tới 25% và cải thiện mức cholesterol. Ngoài ra, một đánh giá gần đây trên 13 thử nghiệm lâm sàng ở hơn 127.000 người cho thấy rằng việc bổ sung omega-3 từ nhiều nguồn khác nhau làm giảm nguy cơ đau tim và tất cả các bệnh về tim mạch cũng như giảm tỷ lệ tử vong bởi căn bệnh này.

4.2 Giảm căng thẳng

Trên thực tế, những người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm thường có nồng độ EPA và DHA trong máu thấp. Một nghiên cứu bao gồm hơn 150.000 người cho thấy những người ăn nhiều cá có nguy cơ trầm cảm thấp hơn. Điều này có thể một phần là do lượng omega-3 hấp thụ cao hơn. Những người bị trầm cảm được bổ sung EPA và DHA thường nhận thấy sự cải thiện trong các triệu chứng của bệnh. Kết quả ở 35 nghiên cứu trên 6665 người đã chứng minh được tác dụng điều trị trầm cảm của EPA và DHA.

4.3 Hỗ trợ thị lực


Việc bổ sung omega-3 có thể giảm thiểu các triệu chứng của việc khô mỏi mắt bằng cách giảm tốc độ bay hơi nước mắt
Việc bổ sung omega-3 có thể giảm thiểu các triệu chứng của việc khô mỏi mắt bằng cách giảm tốc độ bay hơi nước mắt

Việc bổ sung omega-3 có thể giảm thiểu các triệu chứng của việc khô mỏi mắt bằng cách giảm tốc độ bay hơi nước mắt.

Trong các nghiên cứu ở những người bị kích ứng mắt do đeo kính áp tròng hoặc làm việc trên máy tính liên tục trong hơn 3 giờ mỗi ngày, sử dụng 600 cho đến 1,200 mg kết hợp EPA và DHA đã làm giảm các triệu chứng ở cả hai trường hợp này. Omega-3 cũng có thể có các lợi ích khác đến thị lực như chống thoái hóa điểm vàng trong quá trình lão hóa (AMD). Một nghiên cứu ở gần 115.000 người lớn tuổi cho thấy rằng chế độ ăn bổ sung EPA và DHA có thể làm chậm quá trình suy giảm thị lực.

4.4 Kháng viêm

Omega-3 có thể ức chế các hợp chất gây viêm, giúp cơ thể chống lại một số bệnh viêm nhiễm. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy bổ sung omega-3 có thể giúp kiểm soát các bệnh như viêm khớp, viêm đại trànghen suyễn. Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở 60 phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp (RA), uống 5.000 mg omega-3 từ dầu cá mỗi ngày giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Những người tham gia nghiên cứu này cũng có báo cáo về việc giảm các triệu chứng đau khớp, so với những người dùng giả dược.

5. Liều lượng và cách dùng dầu tảo

Các tổ chức y tế khuyên hấp thụ từ 250 cho đến 1.000 mg EPA và DHA mỗi ngày. Một chế độ ăn bao gồm 2 bữa cá một tuần là mức độ tối thiểu để có thể bổ sung EPA và DHA. Đối với nhiều người, chế độ ăn này không phải lúc nào cũng thuận tiện, chính vì vậy, việc cân nhắc sử dụng sản phẩm bổ sung hợp lý là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, dầu tảo cung cấp lượng axit béo khác so với dầu cá. Vì vậy, nên lựa chọn các loại sản phẩm cung cấp ít nhất 250 mg EPA và DHA trên mỗi khẩu phần.

Việc bảo quản những viên uống bổ sung ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và nhiệt độ cao là một phần tối quan trọng để đảm bảo chất lượng cũng như mùi vị của sản phẩm.

6. Tác dụng phụ của dầu tảo


Người sử dụng dầu tảo có thể gặp tình trạng ợ nóng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa
Người sử dụng dầu tảo có thể gặp tình trạng ợ nóng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa

Bổ sung omega-3 nhìn chung là an toàn đối với hầu hết người tiêu dùng. Chúng chỉ thường xảy ra tác dụng phụ khi sử dụng quá liều ở mức độ cao. Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu khuyến cáo rằng sử dụng tối 5.000 mg EPA và DHA mỗi ngày là một liều lượng an toàn. Bên cạnh đó, dầu cá có thể dẫn đến dư vị tanh, ợ nóng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa và buồn nôn, một vài tác dụng phụ này cũng có thể xảy ra khi dùng dầu tảo.

Các chất bổ sung Omega-3 cũng có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, việc hỏi ý kiến bác sĩ là rất quan trọng. Đặc biệt, omega-3 có thể có tác dụng làm loãng máu và có thể ảnh hưởng đến tác dụng của các loại thuốc chống đông máu như warfarin, làm tăng nguy cơ chảy máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: Healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe