Ăn dâu tằm có tác dụng gì?

Dâu tằm là 1 loại cây rất phổ biến ở nước ta, không chỉ tạo bóng mát mà tất cả các bộ phận của cây từ thân, rễ, lá, quả đều có thể dùng làm thuốc. Vậy thành phần hóa học, bộ phận dùng và các tác dụng của dâu tằm là gì?

1. Dâu tằm là gì?

  • Dâu tằm hay còn được gọi là Cây tang thầm, Cây mạy môn; tên khoa học là Morus alba L. Morus acidosa, thuộc họ dâu (Moraceae).
  • Dâu tằm là cây thân gỗ nhỏ, cao trung bình khoảng 3m, thân và cành mềm có lông bao phủ khi còn non; vỏ thân có nốt sần màu trắng như sữa; lá hình bầu dục mọc so le, mép lá có răng cưa; Hoa đơn tính, mọc thành cụm, cụm hoa đực dài 1,5 - 2 cm, cụm hoa cái có 4 lá đài, có bầu 1 ô 1 noãn; Quả bế, mọng nước, khi sống có màu trắng xanh, chín có màu đỏ hồng và đen, vị ngọt nhẹ hơi chua.
  • Cây thích hợp mọc ở nhiều vùng trên cả nước như Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Nội,... Mùa thu hái quả thường vào cuối tháng ba đầu tháng tư, lá có thể thu hoạch quanh năm.
  • Bộ phận dùng làm thuốc của cây gồm: vỏ rễ dâu tằm (tang bạch bì), cành non (tang chi), lá dâu tằm (tang diệp), quả (tang thầm), cây mọc ký sinh trên cây dâu tằm (tang ký sinh), tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu).
  • Cách chế biến: Lá, thân, rễ, thu hái rửa sạch, phơi khô để dùng làm thuốc; quả chín có thể dùng tươi, ngâm rượu hoặc ngâm đường. Lá tươi của cây dâu tằm là thức ăn chính cho tằm để nhả tơ.

Thành phần hóa học của Dâu tằm:

  • Quả tươi (tang thầm): Chứa 88% là nước và 9.4% carbohydrate, 1.4% protein, 0.4% chất béo, 1.7% chất xơ; còn khi phơi khô quả chứa 70% carbohydrate, 12% protein, 3% chất béo, 14% chất xơ. Bên cạnh đó, quả có giàu các vitamin K1, E, C, sắt, kali, nhiều caroten, acid folic, acid folinic và nhiều hoạt chất chống oxy hóa khác (flavonoid, isoquercetin, polyphenol).
  • Lá dâu tằm (tang diệp): chứa các gốc amin tự do (leucin, alanin, arginin, sarcosine, phenylalanine, acid pipecolic,...), protein, tanin, vitamin C.
  • Cành dâu tằm (tang chi): chứa nhiều hoạt chất Mulberry, cyclomulberrin, morin, mulberrochromene, dihydromorin, maclaurin, dihydrokaempferol.

2. Tác dụng dược lý của dâu tằm

Theo y học cổ truyền:

  • Vỏ cây dâu tằm (tang bạch bì) có vị ngọt, tính mát; Tác dụng chữa các chứng ho có đờm, ho lâu ngày có sốt, lợi tiểu.
  • Lá dâu tằm (tang diệp) có vị ngọt đắng, tính mát; Tác dụng chữa cảm mạo, sốt , an thần, cao huyết áp, tăng tiết mồ hôi và làm tiêu đờm.
  • Quả dâu tằm (tang thầm) có vị ngọt, tính mát; Tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết, hỗ trợ tiêu hóa.
  • Cây ký sinh trên cây dâu (tang ký sinh) có tác dụng an thai, bổ gan thận, sử dụng trong các chứng đau nhức xương khớp.
  • Tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu) tác dụng lợi tiểu, chữa chứng đái dầm, tiểu nhiều, di tinh, liệt dương.

Theo y học hiện đại tác dụng của dâu tằm:

  • Cải thiện sức khỏe tim mạch: Nhờ hoạt chất chống oxy hóa Resveratrol, làm tăng sản xuất oxit nitric, làm giãn mạch và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Ngăn ngừa các bệnh lý đột quỵ, cơn đau thắt ngực,...
  • Tăng cường sức đề kháng: nhờ thành phần Vitamin C giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, phòng ngừa các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
  • Làm chậm quá trình lão hóa da: quả dâu chứa nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa, ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do, giúp da khỏe đẹp, căng mịn.
  • Chống tế bào ung thư, giảm nguy cơ mắc ung thư.
  • Hạ Cholesterol máu, giảm hình thành chất béo ở gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ.
  • Kiểm soát lượng glucose máu: Nhờ hợp chất deoxynojirimycin (DNJ) - ức chế enzyme ở ruột phá vỡ đường carbohydrate làm tăng đường huyết.
  • Hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, giảm táo bón do thành phần dâu tằm chứa nhiều chất xơ.
  • Trong quả dâu tằm chứa nhiều zeaxanthin, carotenoid giúp cải thiện thị lực và ngăn ngừa quá trình đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng.
  • Hỗ trợ phát triển chắc khỏe các mô xương: do chứa nhiều vitamin K, canxi và sắt giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hóa xương, giảm loãng xương ở người cao tuổi, hay điều trị các bệnh lý viêm xương khớp.
  • Ăn dâu tằm thường xuyên giúp giảm cân, có thể giảm 10% trọng lượng cơ thể trong gần 3 tháng. Uống nước lá dâu tằm có tác dụng làm giảm mỡ thừa tích tụ ở eo, bụng, đùi,...

3. Cách dùng dâu tằm và một số lưu ý khi dùng

Cách dùng:

Tùy từng bộ phận sử dụng và mục đích sử dụng mà dâu tằm có nhiều cách dùng khác nhau:

  • Rễ, vỏ, cây ký sinh có thể rửa sạch, phơi khô rồi sắc nước uống. Liều dùng từ 6-18 g/ ngày, tang ký sinh dùng 12 - 20g/ ngày.
  • Lá dâu có thể dùng tươi để nấu canh, hãm uống như nước trà; Hoặc phơi khô, sắc nước uống. Liều dùng từ 6-18 g/ ngày.
  • Quả ăn tươi, ngâm đường hoặc ngâm rượu.

Một số lưu ý khi sử dụng dâu tằm:

  • Không nên dùng ở một số bệnh nhân có có thể quá suy nhược, các bệnh lý ho do lạnh không có đờm; bệnh nhân đại tiện lỏng; bệnh lý viêm đường tiết niệu; mộng tinh; phụ nữ đang cho con bú.
  • Thận trọng khi dùng đối với những người có cơ địa quá dị ứng.
  • Sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng, tránh các loại cây sử dụng các loại thuốc kích thích hay thuốc bảo vệ thực vật. Lá nên chọn loại tươi, không bị dập nát, úa vàng. Quả mọng chín kỹ chuyển màu đen để có nhiều dinh dưỡng hơn.
  • Ngâm quả nên chọn các loại bình sứ, bình thủy tinh, không sử dụng các bình kim loại như nhồm, đồng, sắt làm giảm hoạt tính của thuốc.

4. Một số bài thuốc sử dụng dược liệu từ dâu tằm

Bài thuốc chữa cao huyết áp:

  • Lá tang diệp 1 nắm, đem rửa sạch và thái nhỏ. Cá diếc được làm sạch nhớt bề mặt bằng muối và không mổ bụng.
  • Đem luộc cá rồi gỡ lấy thịt nấu canh với lá tang diệp. Ăn cả nước và cái hàng ngày giúp ổn định huyết áp.

Bài thuốc chữa tiểu đường:

  • Tang thầm đem ép lấy nước và cô đặc thành cao.
  • Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 5 gram. Liều dùng có thể dao động từ 12 – 20 gram/ ngày.

Bài thuốc trị ho lâu ngày, ho ra máu:

  • Rễ cây dâu, rửa sạch bỏ vỏ ngoài sau đó ngâm vào nước vo gạo 1 ngày, vớt ra phơi khô. Sau khi rễ khô đem sao vàng hạ thổ rồi bảo quản trong bình thủy tinh.
  • Sắc nước uống mỗi ngày 10-16g.

Sơ cứu khi bị chảy máu cam:

  • Dùng một nắm lá dâu tằm rửa sạch, vò nhẹ rồi nhét vào mũi.

Bài thuốc chữa ra mồ hôi trộm ở trẻ em:

  • Lá dâu 12g, Cam thảo 4g, Lô căn 20g, Liên kiều 12g, Bạc hà 12g, Cúc hoa 12g, Hạnh nhân 12g.
  • Sắc lấy nước uống trong ngày, chia đều làm 2 lần uống.

Ngâm rượu quả dâu tằm khô:

  • Nguyên liệu: 1kg dâu tằm đã phơi khô; Rượu gạo 40 độ dùng 4-5 lít.
  • Cách làm: Cho dâu tằm khô vào bình thủy tinh, đổ ngập rượu ngâm trong 1 tháng. Mỗi ngày chỉ nên uống từ 5-10ml để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa một số bệnh lý.

Tóm lại, dâu tằm là một loại dược liệu dễ kiếm, dễ dùng và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Ăn quả dâu tằm ngoài vị chua ngọt thơm ngon còn giúp điều trị một số bệnh lý như thiếu máu, trị táo bón, tăng cường sức đề kháng và còn hỗ trợ giảm cân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe