Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Đau, sưng và chảy máu nướu là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh nướu răng hoặc nhiễm trùng. Có nhiều biện pháp khắc phục hiệu quả tại nhà để chữa viêm nướu và bảo vệ răng miệng. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm không thuyên giảm hãy đến gặp nha sĩ để được khuyến nghị điều trị.
Bất kỳ ai bị đau, sưng và chảy máu nướu răng đều nên đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị đầy đủ. Hầu hết chúng đều liên quan đến sức khỏe răng miệng hoặc các biến chứng từ các vấn đề sức khỏe răng miệng.
1. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đau, sưng và chảy máu nướu?
Nếu bạn bị đau, sưng và chảy máu nướu chúng có thể dẫn đến sự khó chịu nghiêm trọng. Nguyên nhân phổ biến nhất của đau, sưng và chảy máu nướu là bệnh nướu răng, đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa không đúng cách, sử dụng thuốc lá, hóa trị, thay đổi hormone.
Tùy thuộc vào mức độ đau, sưng và chảy máu nướu, bạn có thể đang mắc một trong 2 loại bệnh sau:
- Viêm nướu: Là một dạng bệnh nướu răng sớm và tương đối nhẹ, viêm nướu ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ mỗi năm. Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh nướu răng là chảy máu khi bạn chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
- Viêm nha chu: Khi viêm không được điều trị kịp thời, nó có thể tiến triển thành một loại bệnh nướu răng nghiêm trọng hơn được gọi là nha chu. Tại thời điểm này, nướu bị viêm sẽ đau hơn và răng của bạn có thể bắt đầu lung lay. Đó là bởi vì bệnh viêm nha chu đã bắt đầu làm hỏng mô giữ răng tại chỗ.
Một số nguyên nhân khác có thể gây ra sưng nướu răng đó là:
- Thai kỳ: Nướu bị sưng cũng có thể xảy ra khi mang thai. Lượng hormone cơ thể sản sinh ra trong thời kỳ mang thai có khả năng làm tăng lưu lượng máu ở nướu răng. Sự gia tăng lưu lượng máu này có thể khiến cho nướu của bạn dễ bị kích ứng, dẫn đến sưng tấy. Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cũng có thể cản trở khả năng cơ thể chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu. Điều này làm tăng khả năng bị mắc bệnh viêm lợi.
- Suy dinh dưỡng: Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B và C có thể gây nên sưng nướu. Ví dụ, vitamin C đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và sửa chữa răng, nướu của bạn. Nếu lượng vitamin C bị giảm xuống quá thấp, bạn có thể bị bệnh còi. Bệnh còi có thể gây nên thiếu máu và bệnh nướu răng.
- Sự nhiễm trùng: Nhiễm trùng do nấm và vi rút có thể gây sưng nướu răng. Nhiễm trùng có thể gây ra mụn rộp ở miệng; bệnh tưa miệng do sự phát triển quá mức của men tự nhiên; sâu răng không được điều trị có thể dẫn tới áp xe răng, sưng lợi cục bộ.
Nướu răng cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe răng miệng của bạn. Nướu được tạo thành từ mô cứng màu hồng bao phủ xương hàm. Mô này dày, xơ và có đầy mạch máu. Nếu lợi của bạn bị sưng, chúng có thể bị nhô ra hoặc phình ra. Sưng nướu thường sẽ bắt đầu từ nơi nó tiếp xúc với răng. Tuy nhiên, nướu của bạn có thể sẽ trở nên sưng tấy đến mức bắt đầu bao phủ mất các bộ phận của răng.
2. Cách điều trị đau, sưng và chảy máu nướu
2.1. Điều trị y tế
Nếu nướu bị sưng hơn 2 tuần, bạn nên nói chuyện với nha sĩ. Nha sĩ sẽ hỏi về thời điểm các triệu chứng của bạn bắt đầu và tần suất chúng xảy ra. Chụp X-quang răng toàn cảnh có thể rất cần thiết. Nha sĩ cũng sẽ muốn biết bạn có đang mang thai hay có bất kỳ thay đổi nào gần đây trong chế độ ăn uống của mình không. Họ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra về tình trạng nhiễm trùng.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng nướu răng, nha sĩ có thể chỉ định nước súc miệng giúp ngăn ngừa viêm nướu và giảm mảng bám. Họ cũng khuyên bạn nên sử dụng một nhãn hiệu kem đánh răng cụ thể. Trong một số trường hợp thì thuốc kháng sinh có thể cần thiết.
Nếu bị viêm nướu quá nặng, bạn có thể cần phải tiến hành phẫu thuật. Một lựa chọn điều trị phổ biến đó là cạo vôi răng và bào gốc.
2.2. Điều trị tại nhà
Dưới đây là một số mẹo chăm sóc nướu bị sưng tại nhà:
- Làm dịu nướu của bạn bằng cách chải và dùng chỉ nha khoa nhẹ nhàng để không gây kích ứng.
- Súc miệng bằng dung dịch nước muối để loại bỏ vi khuẩn trong miệng của bạn.
- Uống nhiều nước sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt và làm suy yếu vi khuẩn gây bệnh trong miệng.
- Tránh các chất kích thích như nước súc miệng mạnh, rượu và thuốc lá.
- Đặt một miếng gạc ấm lên mặt để giúp giảm đau nướu. Chườm lạnh giúp giảm sưng.
3. Làm thế nào để ngăn ngừa đau, sưng và chảy máu nướu?
Có một số biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể thực hiện để phòng tránh sưng nướu răng, bao gồm:
- Duy trì việc chăm sóc răng miệng đúng cách và ăn những thực phẩm lành mạnh.
- Chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, đặc biệt là sau bữa ăn.
- Hãy đến gặp nha sĩ của bạn ít nhất là 6 tháng một lần để làm sạch răng nướu.
- Nếu bạn bị khô miệng, nó có thể sẽ làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám và cao răng. Nói chuyện với bác sĩ về các loại nước súc miệng và kem đánh răng để có thể giúp cải thiện tình trạng này.
- Sử dụng kem đánh răng chống viêm nướu.
- Ăn một chế độ cân bằng có thể góp phần vào sức khỏe nướu răng tốt hơn. Đảm bảo bổ sung nhiều vitamin C và canxi để giảm thiểu khả năng bị sưng nướu răng.
- Mức độ căng thẳng cao sẽ ảnh hưởng đến lượng hormone của bạn, đặc biệt là cortisol. Cortisol bị rối loạn có thể dẫn đến viêm và sưng lợi. Vì vậy, cố gắng giảm căng thẳng càng nhiều thì sẽ tốt cho bạn.
Tóm lại, nếu bạn bị viêm nướu răng, hãy nhớ đến gặp nha sĩ để được khuyến nghị điều trị. Bác sĩ nha khoa có thể xác định nguyên nhân cụ thể của tình trạng viêm và giúp bạn có được sức khỏe nướu tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: crest.com, healthline.com, webmd.com