Đau nhức người - nỗi ám ảnh của người bị sốt xuất huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết là do muỗi vằn Aedes truyền virus từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Người bệnh sốt xuất huyết có thể bị đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.

1. Sốt xuất huyết biểu hiện như thế nào?

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type khác nhau: D1, D2, D3 và D4. Về lý thuyết, một người có thể mắc bệnh đến 4 lần do khi mắc bệnh, cơ thể miễn dịch với type gây bệnh nhưng không thể miễn dịch với các type virus khác. Sốt xuất huyết xảy quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa (tháng 7 - tháng 10), bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người người. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể dẫn đến chảy máu nặng, giảm huyết đột ngột và tử vong.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu nhằm giảm các triệu chứng và theo dõi diễn tiến bệnh.

Những biểu hiện sốt xuất huyết ngoài da bao gồm:

Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ):

Ở thể nhẹ, sốt xuất huyết biểu hiện sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ khi nhiễm bệnh kèm các triệu chứng như:

  • Sốt cao, lên đến 40,5 độ C, nhức đầu nghiêm trọng
  • Đau nhức người, đau khớp và cơ.
  • Buồn nôn và ói mửa, đau phía sau mắt.
  • Phát ban 3 - 4 ngày, sau đó thuyên giảm sau 1- 2 ngày.

Sốt xuất huyết có chảy máu:

Triệu chứng sốt xuất huyết dạng này bao gồm các triệu chứng sốt xuất huyết cổ điển, cùng với tổn thương mao bạch huyết, mạch máu, gây ra chảy máu cam, chảy máu dưới da và bầm tím. Nếu không được điều trị kịp trị, sốt xuất huyết kéo dài có thể dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết Dengue (Hội chứng sốc Dengue)

Hội chứng sốc Dengue là thể nặng nhất. Các triệu chứng bao gồm đau nhức người, xuất huyết, biểu hiện thoát mạch dẫn đến tụt huyết áp.


Bệnh nhân sốt xuất huyết thường bị sốt cao, đau nhức người
Bệnh nhân sốt xuất huyết thường bị sốt cao, đau nhức người

2. Làm thế nào để giảm đau nhức người khi bị sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết có thể gây đau nhức người, đau cơ và khớp trầm trọng. Hiện chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, để giảm bớt đau nhức người và các triệu chứng khác của sốt xuất huyết, có thể áp dụng những cách sau:

  • Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà với chế độ nghỉ ngơi hợp lý trong môi trường thoáng mát. Bổ sung các thức ăn mềm, dễ tiêu, giàu protein như súp, nước, cháo thịt nạc, Vitamin C, B1...
  • Bù nước, điện giải bằng đường uống từ nước trái cây, nước lọc, dung dịch oresol, sinh tố...
  • Dùng thuốc hạ sốt paracetamol dạng đơn độc. Liều dùng từ 325- 650mg, cứ 4- 6h một lần, không quá 4g một ngày. Liều tương đối theo lứa tuổi như sau: trẻ em < 3 tháng tuổi: 40mg; trẻ 4-11 tháng tuổi: 80mg; trẻ 1- 2 tuổi: 120mg; trẻ 2- 3 tuổi: 160mg; trẻ 4- 5 tuổi: 240mg; trẻ 6- 8 tuổi: 320mg; trẻ 9-10 tuổi: 400mg; trẻ 11 tuổi: 480mg (trung bình 10-15mg/kg thể trọng).
  • Hạ nhiệt cơ thể bằng cách uống thuốc hạ sốt kết hợp chườm mát ở các vị trí nách, bẹn, các nếp gấp, lau người bằng nước ấm. Cho người bệnh sốt xuất huyết mặc quần áo thoáng mát, không đắp chăn hay mặc nhiều quần áo sẽ hạn chế việc tỏa nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn.
  • Trường hợp người bệnh sốt xuất huyết có các hiểu hiện sốt cao co giật, dấu hiệu diễn tiến nặng, chảy máu... cần kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Người bệnh sốt xuất huyết cần được chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý
Người bệnh sốt xuất huyết cần được chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý

3. Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

  • Không cần thiết sử dụng kháng sinh khi điều trị sốt xuất huyết, bởi đây là bệnh do virus gây ra. Lạm dụng kháng sinh không đúng cách có thể làm tăng độc tính trên gan, thận, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.
  • Không sử dụng thuốc giảm đau aspirin và ibuprofen.... vì trong thuốc có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, sử dụng cho người bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, nôn ra máu...
  • Không áp dụng các phương pháp dân gian hạ sốt như cạo gió, dầu nóng... sẽ làm tổn thương cơ và giãn mạch, khiến tình trạng bệnh nguy hiểm hơn.
  • Diệt muỗi, loăng quăng, bọ gây, giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nơi ở. Áp dụng các biện pháp tránh muỗi đốt như ngủ màn, thoa kem chống muỗi... là các phương pháp phòng ngừa virus gây bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lây lan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe