Dịch sốt xuất huyết hiện vẫn đang xảy ra khá phổ biến tại một số địa phương, những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Nhằm giúp cho bố mẹ và người chăm trẻ biết cách chăm sóc và phát hiện xử trí kịp thời khi trẻ bị bệnh sốt xuất huyết, dưới đây là chỉ dẫn của Giáo sư Tiến sĩ Phạm Nhật An - Giám đốc Trung tâm Nhi tại bệnh viện Vinmec Times City
1. Triệu chứng điển hình khi trẻ bị sốt xuất huyết
1.1 Giai đoạn sốt:
- Sốt cao đột ngột, liên tục. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Da xung huyết, có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
1.2. Giai đoạn nguy hiểm:
Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Các biểu hiện có thể gặp:
- Nề mi mắt, đau bụng, nôn, đau ngực, khó thở.
- Nếu nặng có thể có biểu hiện sốc: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, thân nhiệt có thể hạ đột ngột, tiểu ít.
- Chấm xuất huyết rải rác dưới da hoặc ban xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; có thể có ban dát ngứa.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc sớm hơn kì hạn. Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen/có máu), xuất huyết phổi, não là biểu hiện nặng.
1.3. Giai đoạn hồi phục:
Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, tiểu nhiều
2. Hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết
Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, báo cho nhân viên y tế bất kỳ khi nào nếu nhận thấy trẻ sốt lên.
Phối hợp dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprufen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ gây xuất huyết.
Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Nuôi dưỡng: Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola...) vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) oresol, hydrit, hoặc nước cháo loãng...
Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.
Theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời:
- Vật vã, lừ đừ, li bì. Đầu chi lạnh, da ẩm, hạ thân nhiệt. Đau bụng, đau ngực, khó thở.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu, tiểu ít.
3. Hướng dẫn phòng bệnh
- Tránh muỗi đốt: Ngủ màn, không để trẻ chơi ở chỗ tối, thoa kem chống muỗi.
- Diệt muỗi và loăng quăng: nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ ngăn nắp. Không để các dụng cụ chứa nước hoặc nếu có phải đậy nắp và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng.
Ngoài những hướng dẫn trên, bố mẹ lưu ý luôn theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy trẻ sốt lên, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.